Thắp sáng ngọn đèn màu cam đẩy lùi 'Đại dịch bóng tối'

Cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người bị bạo hành thể xác hoặc tình dục. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng và để lại những hậu quả tàn khốc về cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí gây tử vong. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, vấn nạn này đang gia tăng đáng báo động, đe dọa gây ra những hậu quả nặng nề chẳng kém gì một đại dịch.

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ em Syria sơ tán khỏi khu vực chiến sự ở tỉnh Idlib. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, Heena, một đầu bếp 33 tuổi sống ở Mumbai, đau lòng thú nhận cô cảm thấy “bị mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của mình với một người chồng thất nghiệp, nghiện ngập và vũ phu. Heena chia sẻ rằng sau khi mua ma túy, thời gian còn lại trong ngày của chồng cô dùng để chơi điện tử hoặc đánh đập và ngược đãi cô, thậm chí trước mặt con cái. Có lần, Heena bị đuổi ra khỏi nhà lúc 3h sáng với cơ thể sưng tấy, gần như không thể cử động. Thay vì đến gặp cảnh sát, cô ấy đến nhà một người bạn và sau đó đến nhà bố mẹ. Hiện Heena đang đấu tranh để giành quyền nuôi con trai, nhưng cô cho biết hoạt động của tòa án hầu như bị đình trệ do dịch bệnh. 

Heena không phải là trường hợp duy nhất phải đối mặt với mối đe dọa bạo lực gia đình. Khi dịch COVID-19 lây lan tại bang Ontario của Canada hồi giữa tháng 4, Magdalena bắt đầu lo lắng về nguy cơ bị chồng bạo hành. Magdalena nhớ lại những lời đe dọa của chồng, rằng cô đang “bị giam lỏng ở đây và phải làm theo mọi thứ tôi muốn”. 

Magdalena là người di cư từ Mexico và cô không có người thân tại Ontario. Cô đã gọi điện cho 10 trung tâm bảo trợ phụ nữ trước khi tìm nơi trú ẩn cho mình và con trai. Cô được đưa đến một cộng đồng cách căn nhà nguy hiểm 100 km, nơi cô tìm được việc làm và mái ấm mới. “Tôi không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày đó tôi không rời đi,” Magdalena tâm sự.  

Các trung tâm bảo trợ phụ nữ ở Ontario cho biết những cuộc gọi cầu cứu họ nhận được trong tháng 4/2020 tăng đột biến, tới 75% so với cùng kỳ năm trước. Ontario là một ví dụ về thực tế rằng COVID-19 đang khiến môi trường sống của phụ nữ trở nên nguy hiểm hơn nhiều lần. Về cơ bản, ở tất cả các quốc gia, những biện pháp phong toả để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã khiến phụ nữ bị giữ chân tại nhà và dễ trở thành đối tượng của bạo lực gia đình hơn. 

Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) công bố vào cuối tháng 9, cùng với các lệnh phong tỏa, những khiếu nại hoặc tố cáo bạo lực gia đình trên quy mô toàn cầu đều tăng, đơn cử như ở Argentina tăng 25%, ở CH Cyprus và Pháp 30% và ở Singapore 33%. Trong báo cáo công bố tháng 7, LHQ ước tính 6 tháng phong tỏa có thể dẫn đến thêm 31 triệu trường hợp bạo lực tình dục trên thế giới và 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn. LHQ cảnh báo tình trạng này nếu kéo dài sẽ kéo lùi bước tiến của cuộc chiến chống bạo lực đối với nữ giới toàn cầu.  

LHQ vì thế đã gọi tình trạng gia tăng bạo lực đối với nữ giới trong bối cảnh COVID-19 là “Đại dịch bóng tối”, một dịch bệnh nguy hiểm không kém đang phát triển trong “cái bóng” của cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng lại đang bị lu mờ trước những tác động quá gấp gáp của virus SARS-CoV-2. Cũng như COVID-19, LHQ nhấn mạnh thế giới cần một nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn vấn nạn này.

Tháng 4/2020, khi đại dịch lan rộng trên toàn thế giới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thúc đẩy “hòa bình trong mỗi gia đình” và 146 quốc gia thành viên đã đáp lại bằng những tuyên bố cam kết mạnh mẽ. Trong những tháng gần đây, 135 quốc gia đã tăng cường các hành động và nguồn lực để giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. 

Một số sáng kiến có thể kể ra như ở Tây Ban Nha, nạn nhân có thể đến các hiệu thuốc và kín đáo yêu cầu sự giúp đỡ bằng cách sử dụng mật mã “mask-19”. Trong khi đó, tại Pháp, một số hiệp hội chống bạo lực nữ giới đã thiết lập các điểm liên lạc trong các siêu thị. Nhân viên các điểm liên lạc này miêu tả những người phụ nữ đến với họ hầu như đều ở trong tình trạng “nguy hiểm không thể chịu đựng được”. 

Tuy nhiên, LHQ tin rằng ở cấp độ toàn cầu, những nỗ lực như hiện nay vẫn là chưa đủ. Theo LHQ, cứ 8 quốc gia trên thế giới chỉ có 1 quốc gia đã thực hiện các biện pháp để giảm bớt tác động của đại dịch đối với phụ nữ và trẻ em. Và ngay cả trước khi COVID-19 tấn công, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã ghi nhận những con số đáng báo động.

Năm 2019, có tổng cộng 243 triệu phụ nữ và trẻ em gái bị đối tượng là người thân thiết lạm dụng. Điều đáng nói là có chưa đến 40% phụ nữ bị bạo hành đứng ra tố cáo hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo dữ liệu thu thập từ năm 2015 thông qua sáng kiến Femicide Watch và dữ liệu của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), trong số các nạn nhân của các vụ sát hại có chủ đích liên quan đến bạn tình, hơn 80% là nữ giới. 

Đã gần 40 năm kể từ khi Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), đánh dấu một cột mốc lịch sử trong bảo vệ nữ giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Những nỗ lực sau đó như Nghị quyết 48/104 của Đại Hội đồng hướng tới một thế giới không còn bạo  lực về giới, hay sáng kiến đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và nguồn lực về vấn đề này, đều mang lại những hiệu ứng tích cực, nhưng vấn nạn bạo lực đối với nữ giới tiếp tục là bức tranh hai mảng màu khi tiến bộ vẫn hiện hữu bên cạnh những vấn đề chưa có giải pháp. 

Trong 5 năm qua, ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra những sáng kiến để bảo vệ nữ giới. Nhưng bên cạnh đó, còn một thực tế là cho đến nay, trong 3 quốc gia thì mới có một quốc gia liệt bạo lực gia đình là hành vi phạm pháp, trong khi 37 quốc gia trên hế giới vẫn miễn truy tố thủ phạm hiếp dâm nếu họ có kết hôn hoặc cam kết sẽ kết hôn với nạn nhân và 49 quốc gia hiện không có luật bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình. 

Chủ đề của Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với nữ giới 25/11 năm nay là “Orange the World: Fund, Respond, Prevention, Collect!” (tạm dịch “Phủ cam thế giới: Gây quỹ, Phản ứng, Ngăn chặn, Thu thập!”). Giống như những năm trước, ngày 25/11 năm nay sẽ khởi động cho 16 ngày tràn ngập hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề này, trong đó đáng chú ý nhất là việc nhiều tòa nhà và địa danh nổi tiếng sẽ cùng thắp đèn màu cam như một lời nhắc nhở toàn cầu về mục tiêu một tương lai không bạo lực đối với nữ giới.

Mặc dù tình hình dịch bệnh năm nay cũng khiến công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn, song tinh thần đấu tranh vì một thế giới không còn bạo lực nhằm vào nữ giới chắc chắn không suy giảm. Nhiều cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ đã diễn ra ở Costa Rica, Guatemala, Liberia, Namibia, Romania... để tiếng nói của những người phụ nữ và trẻ em gái đang bị bạo hành trong bóng tối được nghe thấy.

Minh Ngọc (TTXVN)
Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái
Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 2/10 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 đã diễn ra Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN