Người dân thành phố Thủ Đức chăm sóc không gian công cộng, cải tạo cảnh quan, môi trường sống.
Từ bãi rác thành công viên xanh
Một trong những mô hình tiêu biểu có thể kể đến là khu phố 2, phường Long Thạnh Mỹ. Tại đây, từ những khu đất trống từng là điểm đổ rác tự phát kéo dài suốt nhiều năm, người dân đã chung tay biến nơi này thành công viên cây xanh - không gian sinh hoạt cộng đồng cho toàn khu dân cư.
Ông Ngọc Kiên Cường, Bí thư Chi bộ khu phố 2 chia sẻ: “Từ năm 2001, nhiều khu vực quanh đây đã tồn tại nhiều bãi rác tự phát do một số người dân đổ trộm. Diện tích đất trống nhiều, không có lực lượng quản lý nên các bãi rác ngày càng nhiều hơn. Vấn đề này được người dân nêu ý kiến và phản ánh trong nhiều cuộc họp của khu phố”.
Trước thực trạng trên, Chi bộ khu phố đã ban hành Nghị quyết chuyển hóa các bãi rác thành công viên cây xanh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000m². Nhằm ngăn chặn tình trạng tái diễn đổ rác, người dân và cấp ủy khu phố đã thống nhất phương án trồng cây tại những vị trí vừa được cải tạo.
“Diện tích bãi rác đã giảm, trong khi diện tích cây xanh ngày càng mở rộng. Trong kế hoạch tiếp theo, khu phố 2 sẽ thực hiện thi công các mái che và lắp đặt chốt dân phòng trực để bảo đảm các vấn đề về an ninh trật tự”, ông Cường cho biết thêm.
TP Thủ Đức chuyển hóa điểm đen về rác thành công viên sinh hoạt cộng đồng.
Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Long Thạnh Mỹ, mô hình chuyển hóa điểm rác thành mảng xanh là một trong những nội dung trọng tâm khi địa phương thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Song song đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn cũng được đẩy mạnh. Đáng chú ý, phường áp dụng mô hình “đổi rác lấy quà” như cây xanh, hạt giống, gạo, dầu ăn… Rác tái chế được thanh lý gây quỹ mua thẻ bảo hiểm y tế, học bổng cho các trường hợp khó khăn.
“Phường cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh trước và sau khi cải tạo điểm rác để lan tỏa hiệu quả truyền thông đến với người dân. Từ đó, những hành vi xả rác bừa bãi đã giảm đáng kể”, bà Nhung khẳng định.
Quyết liệt xử lý các điểm rác tồn đọng
Thực hiện Chỉ thị 19, thành phố Thủ Đức đã rà soát và ghi nhận 201 tụ điểm rác cần xử lý. Qua kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở 271 trường hợp vi phạm, xử phạt 88 trường hợp với tổng số tiền hơn 982 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả.
Nhờ sự đồng thuận từ cộng đồng, đến nay thành phố Thủ Đức đã xóa được 87% các điểm tồn đọng rác. Toàn thành phố có 636/644 khu phố được công nhận là “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; 100% phường, xã đạt chuẩn “Không xả rác ra đường và kênh rạch”.
Hiện nay, thành phố Thủ Đức còn 25 điểm rác tồn đọng và đang được phân loại cụ thể để có giải pháp xử lý phù hợp. Đối với những điểm phát sinh dọc các tuyến đường, thành phố khuyến khích người dân gửi phản ánh qua Cổng 1022 TP Hồ Chí Minh, Tổng đài 18001722 thành phốThủ Đức, hoặc mục GRAC trên app Thành phố Thủ Đức.
Bà Lê Thị Phương, Phó Trưởng phòng Giao thông Công chánh, UBND thành phố Thủ Đức cho biết: “Ngoài tiếp nhận thông tin phản ánh về xả rác qua app, thành phố còn lập các nhóm Zalo gồm lãnh đạo UBND Thành phố, các phòng chuyên môn, chủ tịch UBND 34 phường và các công ty dịch vụ công ích... Mỗi người dân khi bắt gặp hành vi xả rác có thể chụp ảnh, gửi tọa độ điểm rác vào nhóm để thành phố chỉ đạo xử lý kịp thời”.
Người dân có thể gửi thông tin phản ánh về xả rác qua zalo hoặc app GRAC của thànhThủ Đức.
TP Thủ Đức cũng triển khai ký cam kết với 34 phường về việc xử lý 100% các điểm rác phát sinh. Công tác rà soát được tiến hành định kỳ hằng quý. Các tổ chức đoàn thể cơ sở được phát huy vai trò giám sát, kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm.
Đối với các khu vực công cộng, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án chưa triển khai cần chủ động vệ sinh khu đất, xây tường chắn ranh giới, phối hợp chính quyền địa phương xử lý đối tượng đổ rác không đúng quy định.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra tiến độ dự án. Những dự án chậm triển khai gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị sẽ bị kiến nghị thu hồi.