Châu Phi. Ảnh: NASA
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tổng thống Trump mới đây đã công bố áp thuế đối ứng đối với hàng loạt đối tác thương mại, bao gồm các quốc gia ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Giới chuyên gia nhận định điều này có thể buộc các quốc gia đang phát triển phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn giữa hai cường quốc kinh tế lớn - là Trung Quốc và Mỹ.
Theo tuyên bố ban đầu, các mức thuế quan bổ sung bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4. Trong đó, các nền kinh tế lớn đang phát triển phải chịu mức thuế cao, như Nam Phi (30%), Ấn Độ (26%), và Brazil (10%).
Campuchia đối mặt với mức thuế cao nhất là 49%, còn hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chịu mức thuế lần lượt là 36% và 32%. Trung Quốc dự kiến phải chịu mức thuế lên tới 104% và đã đáp trả bằng những biện pháp đối phó riêng. Tuy nhiên, đa số các quốc gia mới nổi đã tìm cách đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Trong động thái mới nhất, ngày 10/4, chỉ vài giờ sau khi chính sách thuế mới có hiệu lực, ông Trump tuyên bố ông đã cho phép tạm hoãn áp thuế 90 ngày đối với 75 quốc gia và tăng mạnh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng mức thuế suất lên 125%, trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải tham gia vào các cuộc đàm phán.
Ông Benjamin Ho, Trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận định rằng chính sách thuế quan của ông Trump đã buộc các quốc gia Global South phải thể hiện rõ lập trường. Ông nhận định trong khi một số quốc gia có thể tìm cách giữ quan điểm trung lập, Mỹ có thể gây áp lực để các quốc gia này nghiêng về phía mình và đưa ra các cam kết để tránh bị áp thuế. Ông cũng cho rằng nếu các quốc gia cảm thấy lợi ích từ Trung Quốc không rõ ràng và thực tế, họ có thể sẵn sàng chọn Mỹ để có được lợi ích hấp dẫn hơn.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tự định vị mình là nước dẫn đầu của các quốc gia đang phát triển. Bắc Kinh cũng đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng trong các nền kinh tế mới nổi.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN
Hôm 7/4, khi được yêu cầu bình luận về chính sách thuế quan của Mỹ, ông Lin Jian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã lên tiếng bảo vệ các quốc gia đang phát triển. Ông cho rằng thuế quan của Mỹ đã cản trở cơ hội phát triển của những quốc gia này, đặc biệt là các nước Global South.
Trong khi đó, chuyên gia David Arase tại Trung tâm Hopkins - Nam Kinh cho rằng các quốc gia Global South, mặc dù đối mặt với mức thuế cao từ Mỹ, vẫn cần duy trì khả năng tiếp cận thị trường và tìm cách đạt được thỏa thuận có lợi với Mỹ.
Theo ông Diao Daming, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, phản ứng của các quốc gia Global South với các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ phụ thuộc vào quan hệ của từng nước với Mỹ và lợi ích từ thị trường Mỹ. Ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia này có thể chịu thiệt hại nhiều hơn nếu họ bị lôi kéo vào các chính sách cực đoan của Mỹ và mất đi lợi ích từ việc hợp tác với Trung Quốc.
Ông Alessandro Arduino, Giảng viên tại Viện Lau China thuộc King's College London, cho rằng các quốc gia Global South sẽ sớm cảm nhận rõ tác động từ các mức thuế quan mà Tổng thống Trump áp đặt. Tuy nhiên, điều này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc tận dụng sức mạnh mềm để tạo ảnh hưởng.
“Chính sách thuế quan mới không chỉ vẽ lại các tuyến đường xuất khẩu mà còn buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển. Các quốc gia này sẽ phải xem xét lại các liên minh và thậm chí đánh giá lại giá trị của những tài sản vô hình, như ảnh hưởng văn hóa,” ông nói.
Theo ông, khi niềm tin vào mô hình của Mỹ dần suy yếu, Trung Quốc đang tìm ra cơ hội mới cho mình. Họ đang tận dụng thời điểm này để tự tái định hình, trở thành nhà dẫn đầu trong thương mại toàn cầu và thúc đẩy hợp tác đa phương.
“Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan gây hậu quả nghiêm trọng, thông điệp của Trung Quốc đang ngày càng được đón nhận mạnh mẽ”, ông Arduino nói.