Vì sao Hàn Quốc phản ứng khác Trung Quốc trước thuế quan của Mỹ?

Hàn Quốc sẽ không làm theo cách của Trung Quốc để đáp trả các mức thuế do Mỹ áp đặt.

Chú thích ảnh
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo (giữa) phát biểu tại cuộc họp nội các ở Seoul ngày 25/3/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Đó là khẳng định của quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN ngày 8/4. Ông nhấn mạnh nước này có kế hoạch tìm kiếm một thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump.

Hàn Quốc đang đối mặt với mức thuế 25% trong khuôn khổ chính sách thuế toàn cầu mà ông Trump triển khai trong tuần này. Động thái này có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vốn đưa hàng loạt thương hiệu như Samsung, LG và Hyundai vào từng ngôi nhà, con đường của Mỹ. Giá các mặt hàng này có thể tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ.

Quyền Tổng thống Han Duck-soo, người đảm nhiệm chức vụ sau khi người tiền nhiệm bị phế truất vì khủng hoảng thiết quân luật, cho biết Hàn Quốc rõ ràng muốn đàm phán với Mỹ, đồng thời ca ngợi liên minh rất vững chắc giữa hai quốc gia.

Khi được hỏi liệu Hàn Quốc có thể hợp tác với các nước khác như Nhật Bản hoặc Trung Quốc để phản đối mức thuế của Mỹ hay không, ông trả lời dứt khoát: “Chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó. Tôi không nghĩ kiểu phản ứng như vậy sẽ cải thiện tình hình một cách đáng kể”.

Phát biểu của ông Han Duck-soo được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng chỉ trích cuộc chiến thương mại của ông Trump, gọi các đe dọa áp thuế mới nhất là “sai lầm nối tiếp sai lầm” và lặp lại cam kết sẽ chiến đấu tới cùng.

Chỉ vài giờ sau khi trả lời phỏng vấn CNN, ông Han Duck-soo đã có cuộc điện đàm với ông Trump. Tổng thống Mỹ sau đó mô tả đây là một cuộc gọi tuyệt vời trên mạng xã hội Truth Social.

Ông Han Duck-soo, 75 tuổi, được bổ nhiệm làm quyền tổng thống hồi tháng 12/2024, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol khi đó ban bố thiết quân luật, rồi bị đình chỉ quyền lực, bị luận tội và cuối cùng bị phế truất.

Tuy nhiên, bản thân ông Han Duck-soo cũng bị luận tội chỉ hai tuần sau đó do từ chối bổ nhiệm một vị trí trống trong một tòa án cấp cao và mới được phục chức vào cuối tháng 3.

Ông mới chỉ giữ chức được 9 ngày thì ông Trump công bố loạt mức thuế mới nhắm vào hàng chục quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, bất chấp hiệp định thương mại tự do giữa Washington và Seoul.

Các biện pháp mới được đưa ra sau khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm hồi tháng trước - đòn giáng mạnh vào Hàn Quốc, nước xuất khẩu thép lớn thứ tư sang Mỹ. Ngoài ra, còn có một mức thuế 25% nữa đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Mỹ - một ngành công nghiệp mà Hàn Quốc có thế mạnh.

Loạt mức thuế này đặt ra thách thức đặc biệt với Hàn Quốc trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử sau nhiều tháng bất ổn chính trị, bất định sâu sắc và áp lực kinh tế. Ông Han Duck-soo có thể chỉ tại vị vài tháng nữa, cho đến khi nhà lãnh đạo mới được lựa chọn vào tháng 6.

Quan điểm của quyền Tổng thống Hàn Quốc

Trong cuộc phỏng vấn, ông Han Duck-soo mô tả các mức thuế của Mỹ là đáng tiếc, thừa nhận rằng không phải mọi thứ sẽ được giải quyết trong một hoặc hai ngày và các doanh nghiệp Hàn Quốc cần chuẩn bị tinh thần ứng phó. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra lạc quan, nói rằng ông tin hai nước có thể đạt được thỏa thuận trước khi các dây chuyền sản xuất tại Hàn Quốc buộc phải dừng lại.

Giống như Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba - người đã điện đàm với ông Trump vào tối 7/4, ông Han Duck-soo cũng tìm kiếm một lối thoát thay vì biện pháp trả đũa.

“Tôi nghĩ chúng tôi nên đánh giá một cách bình tĩnh xem mức thuế 25% này có ý nghĩa gì với chúng tôi và cũng nên đàm phán với họ trong tâm thế bình tĩnh”, ông nói và cho biết ông đã cử bộ trưởng thương mại sang Mỹ.

Thông thạo tiếng Anh, ông Han Duck-soo đã làm việc trong chính phủ từ những năm 1970 và có chuyên môn sâu về kinh tế. Luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard của ông rất phù hợp với bối cảnh hiện tại, có chủ đề về phân tích cách nền kinh tế Hàn Quốc có thể ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ trong Bộ Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, từng làm thủ tướng, rồi làm đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ. Trong thời gian đó, ông đóng vai trò chủ chốt trong đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn.

Với bề dày kinh nghiệm như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Han Duck-soo thường xuyên dựa vào lý thuyết kinh tế và các tiền lệ lịch sử. Ông nhiều lần nhắc tới cuộc chiến thương mại toàn cầu lớn vào đầu những năm 1930 khi mà Mỹ áp thuế bảo hộ và dẫn tới suy thoái toàn cầu.

Ông nói: “Trong lý thuyết trò chơi, nếu mỗi bên hành động đơn lẻ thì sẽ không giúp cải thiện tình hình. Chúng ta nên giao tiếp, hợp tác và cùng nhau làm việc. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm kiếm một giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Thị trường toàn cầu đã chao đảo vì các mức thuế của ông Trump, ngay cả các lãnh đạo châu Á vốn thận trọng cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc Mỹ đang đảo lộn trật tự thương mại quốc tế.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cảnh báo cuối tuần qua: “Đây là thay đổi địa chấn trong trật tự toàn cầu”. Ông cho rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn “bất định hơn, bảo hộ hơn và nguy hiểm hơn”.

Khi được hỏi về phản ứng đó của Singapore, ông Han Duck-soo cho biết ông phản ứng bình tĩnh hơn: “Toàn cầu hóa không chết và sẽ không bao giờ chết”.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ, có tổng kim ngạch hàng hóa và dịch vụ đạt 197 tỷ USD trong năm 2024.

Năm 2024, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đạt kỷ lục 128 tỷ USD, chủ yếu là ô tô và máy móc. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc cũng tăng mạnh, đạt 66 tỷ USD trong năm 2024.

Thách thức

Tuy nhiên, các mức thuế hiện nay có thể trở thành thách thức lớn ngay cả với một nhà đàm phán dày dạn kinh nghiệm như ông Han Duck-soo, trong bối cảnh phát biểu của ông Trump cho thấy ông không sẵn sàng nhượng bộ.

Ông Trump nói với báo giới ngày 7/4: “Chúng ta có thể đạt một thỏa thuận công bằng… một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ, chứ không tốt cho bên khác. Đây là chính sách nước Mỹ trước tiên”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Cố vấn thương mại cấp cao của ông Trump, ông Peter Navarro, cũng nhấn mạnh lập trường này trong bài viết trên Financial Times cùng ngày: “Đây không phải là đàm phán. Đối với Mỹ, đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại gây ra bởi một hệ thống bị bóp méo”.

Trong lúc các quốc gia khẩn trương tìm kiếm thỏa thuận thuế với ông Trump và áp dụng các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, Trung Quốc đã tự coi mình là lực lượng đối đầu với Mỹ.

Điều đó khiến một số lãnh đạo và chuyên gia kinh tế Mỹ lo ngại, vì cho rằng các mức thuế của ông Trump có thể đẩy các nước xích lại gần hơn với các đối thủ của Mỹ.

Ông James Stavridis, đối tác tại công ty đầu tư Carlyle Group, bình luận: “Hãy nhìn vào châu Á lúc này. Cách đây một tuần, chúng ta thấy Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bàn về việc phối hợp phản ứng trước các mức thuế của chúng ta. Đó là một liên minh mà chúng ta không mong muốn. Chúng ta cần giữ vững đồng minh và xây dựng thế trận đối phó với các đối thủ”.

Cuộc gặp đó gây chú ý vì thời điểm là ngay trước khi ông Trump công bố các mức thuế và vì ba nước này vốn có quan hệ ngoại giao căng thẳng trong lịch sử.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt 133 tỷ USD - vượt cả xuất khẩu sang Mỹ, dù một phần trong số đó sau đó được tái xuất sau khi qua khâu chế biến.

Ngày 8/4, ông Han Duck-soo khẳng định cuộc họp ba bên không phải điều gì quá đặc biệt, chỉ là một cuộc họp thông thường. Ông cho biết ba nước thường xuyên tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng và lần này tới lượt các bộ trưởng thương mại gặp nhau. Ông nói: “Họ rõ ràng có thể bàn đến hệ quả từ chính sách mới của Mỹ, nhưng đây không phải là một kiểu liên minh để phản công”. Ông nói thêm rằng phản ứng như vậy có thể thực sự bóp nghẹt thương mại toàn cầu.

Thuỳ Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump mất hàng trăm triệu USD vì chính sách thuế do chính mình ban hành
Tổng thống Trump mất hàng trăm triệu USD vì chính sách thuế do chính mình ban hành

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mất 500 triệu USD chỉ trong chưa đầy một tuần sau khi ông triển khai một loạt mức thuế mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN