Mẫu điện thoại iPhone 15 của hãng Apple. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trả lời trên chương trình “The Exchange” của kênh CNBC ngày 8/4, bà Martin nói: “Tôi nghĩ chuyện đó không khả thi”. Bà đưa ra bình luận này sau phát ngôn của Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt về khả năng tập đoàn công nghệ Apple đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ.
Bà Martin nói rằng chi phí của Apple sẽ tăng vọt nếu hãng bắt đầu sản xuất sản phẩm chủ lực tại Mỹ. Không chỉ riêng bà Martin, nhiều chuyên gia Phố Wall cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Chuyên gia Dan Ives tại công ty Wedbush nói nếu được sản xuất trong nước, một chiếc iPhone có thể có giá lên tới 3.500 USD.
Ngoài ra, bà Martin nhận định quá trình Apple chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ sẽ mất nhiều năm. Theo đa số chuyên gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn bộ iPhone tại Mỹ là điều không thể.
Trước câu hỏi của một phóng viên về khả năng chuyển dịch dây chuyền sản xuất iPhone, bà Leavitt nói rằng Tổng thống Trump muốn đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại Mỹ. Bà cho biết ông tin rằng nước Mỹ có lực lượng lao động và nguồn lực để sản xuất điện thoại thông minh trong nước.
Nói về quan điểm của ông Trump, bà Leavitt cho biết: “Ông ấy tin rằng chúng ta có nhân công, có lực lượng lao động, có tài nguyên để thực hiện”.
Bà Leavitt nói thêm: “Như quý vị biết, Apple đã đầu tư 500 tỷ USD tại Mỹ. Vì vậy, nếu Apple không tin Mỹ có thể làm được điều đó, có lẽ họ đã không bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy”.
Phát biểu của bà Martin được đưa ra trong bối cảnh các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Apple do hãng phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Trung Quốc đối mặt với mức thuế cộng dồn lên tới 104% bắt đầu từ ngày 9/4 (giờ Mỹ) sau loạt biện pháp trả đũa của ông Trump. Các quốc gia khác nơi Apple đặt nhà máy cũng đang đối mặt với mức thuế tương tự.
Tổng cộng, bà Martin cho rằng các mức thuế của ông Trump có thể khiến chi phí của Apple tăng khoảng 50%.
Trong phiên giao dịch ngày 8/4, cổ phiếu Apple biến động mạnh, sau đó giảm gần 2% giá trị. Tính trong năm phiên gần nhất, cổ phiếu đã sụt khoảng 20% khi giới đầu tư đánh giá tác động của kế hoạch này đối với Apple - nhà sản xuất iPhone, iPad cùng các sản phẩm khác.
Ngân hàng UBS ước tính rằng kế hoạch áp thuế đối ứng của ông Trump có thể buộc Apple phải tăng giá mẫu iPhone cao cấp nhất – dòng 16 Pro Max – thêm tới 350 USD. Bà Martin cảnh báo rằng nếu Apple chuyển phần chi phí tăng lên cho người tiêu dùng trong nước, điều đó có thể đẩy lạm phát tăng cao.
Đối với nhà đầu tư, bà Martin khuyên nên thận trọng và tạm dừng trước khi mua vào khi giá giảm.
Bà lưu ý rằng hầu hết các chuyên gia vẫn chưa điều chỉnh dự báo lợi nhuận của Apple do còn nhiều bất ổn xoay quanh chính sách thương mại. Bà cũng cho biết cổ phiếu có thể còn tiếp tục giảm nếu các mức thuế được áp dụng đúng như đề xuất ban đầu hoặc nếu doanh nghiệp gặp các cú sốc khác.
Bà nói: “Apple đang đối mặt với nhiều kịch bản xấu nhất”. Bà dẫn ví dụ như các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.
Trước đó, bà Leavitt ngày 8/4 (giờ Mỹ) xác nhận với kênh Fox News rằng nước sẽ bắt đầu thu thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh bỏ qua hạn chót của Tổng thống Trump về việc dỡ bỏ các biện pháp đáp trả.
Bà Leavitt đã xác nhận thông tin này trong cuộc họp báo Nhà Trắng được truyền thông quốc tế tường thuật. Bà Leavitt phát biểu với các phóng viên: "Trung Quốc đã sai lầm khi trả đũa. Khi nước Mỹ bị nhắm đến, ông Trump sẽ đáp trả mạnh hơn. Đó là lý do tại sao thuế suất 104% sẽ có hiệu lực với Trung Quốc vào nửa đêm nay".
Ngày 4/4, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp thêm thuế 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump ngày 7/4 tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 50%, có hiệu lực từ ngày 9/4, trừ khi Bắc Kinh hủy bỏ thuế trả đũa trước ngày 8/4.
Hôm 2/4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm thuế 34% với Trung Quốc, 20% với Liên minh châu Âu và 24% với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh áp thuế 25% lên ô tô, xe tải nhẹ và phụ tùng ô tô sản xuất ở nước ngoài, cho rằng biện pháp này cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.