Chuyên gia Ấn Độ: Tổng thống Trump tái định hình toàn cầu bằng thuế quan và cú sốc địa chính trị

Tổng thống Donald Trump kích hoạt làn sóng thuế quan chưa từng có, đánh vào cả đồng minh lẫn đối thủ. Trung Quốc, EU, Nhật Bản… tất cả đang trong tâm bão. Điều gì đang chờ thế giới phía trước?

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo chuyên gia Vivek Mishra, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer (Ấn Độ) ngày 9/4, tuyên bố “Ngày Giải phóng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp dụng thuế quan trên diện rộng đối với cả đồng minh, bạn bè và đối tác đã gây ra những chấn động mạnh mẽ trên toàn cầu. Đợt áp thuế mới nhất này dường như đã định hình rõ ràng hơn phương hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Nhìn lại, có thể nhận thấy ba dấu hiệu chung đã định hình chính sách đối ngoại của chính quyền Trump cho đến nay. Thứ nhất, đó là một chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế, trong đó thuế quan được xem như một vũ khí để Washington buộc các đối tác thương mại phải chấp nhận sự ngang bằng về thuế, bất kể mối quan hệ chiến lược giữa họ có thân thiết đến đâu. Động lực chính cho cách tiếp cận này trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là nhằm buộc các công ty phải chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ, từ đó mang vốn trở lại nước này, giảm chi tiêu và nợ công.

Thứ hai, đối với Tổng thống Trump, con đường dẫn đến "Nước Mỹ vĩ đại trở lại" được xây dựng trên một nền kinh tế mà lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu, thậm chí thông qua các biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Thứ ba, cách tiếp cận địa chính trị toàn cầu của Mỹ dưới thời Trump mang đậm màu sắc của chủ nghĩa trọng thương một cách thẳng thắn.

Chính quyền Trump tin rằng lợi ích kinh tế thuần túy sẽ chi phối các mối quan hệ của Washington trong một thế giới mà sự phân biệt rạch ròi giữa bạn bè, đối tác và đồng minh đang dần trở nên mờ nhạt. Một quan điểm đáng chú ý khác là, trong thế giới quan của ông Trump, dường như không có quốc gia nào là kẻ thù miễn là có thể đạt được một thỏa thuận kinh tế có lợi.

Sự thay đổi kinh tế mang tính bước ngoặt

Hàng loạt chính sách đảo ngược đột ngột từ Washington gần đây đã đặt các quốc gia vào thế khó, buộc họ phải nhanh chóng thích nghi, suy nghĩ về các biện pháp đối phó và chuẩn bị cho những diễn biến tiếp theo. Sự chờ đợi căng thẳng trước khi mức thuế quan của ông Trump có hiệu lực đã khiến thị trường toàn cầu lo lắng tột độ.

Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế cao khác nhau đối với nhiều quốc gia, thị trường đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tổng thống Trump đã cố tình công bố các mức thuế này sau khi thị trường đóng cửa vào ngày 2/4. Đúng như dự đoán, ngày hôm sau, thị trường mở cửa với sự lao dốc của cổ phiếu trên toàn thế giới. Khi các thông tin chi tiết về mức thuế quan của chính quyền Trump dần được hé lộ, các yếu tố như lạm phát, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự tăng vọt nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ đã đồng loạt xuất hiện.

Trọng tâm trong chính sách thuế quan của Tổng thống Trump xuất phát từ niềm tin rằng Mỹ đã phải chịu đựng thâm hụt thương mại kéo dài trong nhiều năm, tạo ra một trật tự bất lợi và không cân xứng, dẫn đến sự “rút ruột” của các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Hậu quả là, Mỹ thiếu động lực để thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, dẫn đến sự thiếu hụt các chuỗi cung ứng quan trọng và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong các lĩnh vực này.

Theo tiền lệ trước đây của mình là giải quyết các vấn đề của Mỹ thông qua các hành động hành pháp, Tổng thống Trump đã viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia khác nhau.

Sử dụng quyền hạn của mình theo IEEPA, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để áp đặt mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4, cùng với một loạt các mức thuế quan riêng biệt và có tính chất “ăn miếng trả miếng” đối với các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất.

Đứng đầu danh sách này không ai khác chính là Trung Quốc, đặc biệt khi Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ đánh thuế 104% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 9/4. Trong danh sách rộng lớn gồm 57 quốc gia và khối kinh tế, đòn tấn công thuế quan mới nhất của ông Trump bao gồm Liên minh châu Âu (EU) với mức 20%, Việt Nam 46%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 27%, Hàn Quốc 26%, Thái Lan 37% và Thụy Sĩ 32%.

Mặc dù tác động đầy đủ từ thuế quan của chính quyền Trump vẫn chưa được làm rõ khi các quốc gia vẫn đang nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra phản ứng chính thức, nhưng có thể ước tính được phản ứng toàn cầu dựa trên những xu hướng chung trong chính sách thuế quan của ông Trump, vốn đã rất rõ ràng. Mối quan hệ địa chính trị cạnh tranh, cuộc chiến thương mại diễn ra từ các chính quyền trước, tỷ lệ thuế quan cao nhất áp đặt lên Trung Quốc và thặng dư thương mại lớn của nước này với Mỹ đã khiến Bắc Kinh không thể ngồi yên.

Các chính quyền kế tiếp kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã liên tục leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thúc đẩy một vòng xoáy thuế quan trả đũa không hồi kết. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đã đáp trả bằng mức thuế quan 34% đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời đưa 11 công ty Mỹ vào danh sách đen là “các thực thể không đáng tin cậy” và cấm họ kinh doanh tại Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/4 khẳng định sẽ đấu tranh chống thuế quan Mỹ 'đến cùng' sau khi nước này bị ông Trump dọa áp thêm mức thuế 50%.

Trong những tháng tới – và có thể là những năm tới – tác động sâu rộng đến thị trường, khả năng kết nối, đầu tư và địa chính trị khu vực sẽ bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các nền kinh tế khác điều chỉnh lại các mối quan hệ đối tác thương mại lâu dài của họ theo hướng ổn định hơn. Với tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới hơn 580 tỷ USD, hậu quả của một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ vô cùng lớn, đặc biệt là đối với chuỗi cung ứng và dự trữ USD toàn cầu. Đáng lo ngại hơn, cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với các lĩnh vực năng lượng, khí hậu, công nghệ, xe điện (EV) và các khoáng sản quan trọng và mới nổi hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, thuế quan của Mỹ có thể buộc các đối tác thương mại lớn khác phải điều chỉnh lại chính sách thuế quan và chuyển hướng chuỗi cung ứng theo từng ngành. Động thái chung được công bố gần đây về phản ứng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với thuế quan của Mỹ có thể là một dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang điều chỉnh như thế nào.

Chú thích ảnh
Thuế quan của Mỹ: Gần 70 quốc gia đề xuất thương lượng với Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, phản ứng của Ấn Độ đối với thuế quan của Mỹ cho đến nay khá thận trọng. Không giống như dưới thời chính quyền Trump trước đây, phản ứng của Ấn Độ lần này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng do hai bên đang tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Cảnh báo của Trump rằng bất kỳ hành động trả đũa nào cũng sẽ dẫn đến một vòng xoáy leo thang cũng có khả năng làm dịu đi phản ứng từ các quốc gia bị áp thuế. Bên cạnh đó, đã có những tín hiệu tích cực từ cả Delhi và Washington trong việc đặt nền móng cho một sự điều chỉnh thương mại mang tính hòa giải giữa hai bên.

Ấn Độ đã báo hiệu một cách tiếp cận tích cực để thu hút Mỹ thông qua các bước nhượng bộ trong một số lĩnh vực nhập khẩu. Tổng thống Trump thậm chí đã điều chỉnh mức thuế quan áp dụng cho Ấn Độ từ mức ban đầu là 27% xuống còn 26%, gọi đó là mức thuế quan “giảm giá” cho Ấn Độ. Với thặng dư thương mại lớn của Ấn Độ so với Mỹ, lên tới hơn 45 tỷ USD vào năm 2024, mức thuế quan 26% vẫn có thể gây ra tổn thất doanh thu đáng kể cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Tổng thống Trump có thể mang lại hai lợi thế: Thứ nhất, Ấn Độ có thể không nằm trong tầm ngắm trực tiếp của Mỹ như Trung Quốc. Thứ hai và quan trọng hơn, Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng ông sẵn sàng đàm phán về mức thuế quan. Tuy nhiên, phản ứng của Ấn Độ chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn ở việc chấp nhận thuế quan từ Mỹ.

Chuyên gia Mishra kết luận: Trong bối cảnh Nam toàn cầu rộng lớn hơn nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn, các quốc gia bao gồm Ấn Độ sẽ không còn dựa vào các chính sách kinh tế của họ vào một nước Mỹ ngày càng khó đoán định. Sự sắp xếp lại bản đồ kinh tế của ông Trump có thể đang gióng lên hồi chuông báo tử cho tiền đề của thế kỷ trước về một trật tự thế giới toàn cầu hóa, được điều hành bởi một tập hợp các nguyên tắc và thể chế toàn cầu đã được thống nhất. Các thể chế hậu Thế chiến II như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù về bản chất được định hình để ưu ái phương Tây hơn phần còn lại, nhưng cũng mang lại một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, kỷ nguyên đó giờ đây có thể đang đi đến hồi kết.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ 'rất sớm' công bố mức thuế quan với mặt hàng mới
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ 'rất sớm' công bố mức thuế quan với mặt hàng mới

Theo kênh NBC News, tối ngày 8/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sớm công bố mức thuế quan về dược phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN