Tác động của thuế quan Mỹ đối với kinh tế Đông Nam Á: Thách thức và cơ hội đàm phán

Các nhà phân tích cho rằng tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đặt ra những thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo kênh CNA, một số chính phủ trong khu vực đã tuyên bố ý định đàm phán với Chính quyền Tổng thống Trump để có thể đạt được mức thuế quan thấp hơn. Các nhà lãnh đạo của Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhấn mạnh rằng duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định chính là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của họ.

Malaysia, hiện là Chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang phối hợp với các nước trong khu vực để “tham gia một cách xây dựng” vào các cuộc đàm phán với Mỹ. Malaysia cũng dự kiến tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 10/4 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN để thảo luận về tác động của các mức thuế quan mới đối với thương mại và đầu tư trong khu vực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng do những khác biệt trong hoàn cảnh thương mại của từng quốc gia, việc các quốc gia ASEAN đàm phán trực tiếp với Mỹ sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Ông Edwin Oh Chun Kit, nhà phân tích kinh tế xã hội độc lập tại Malaysia, cho rằng ASEAN nên đưa ra các “nhượng bộ có chọn lọc” để tạo ra những “chiến thắng mang tính biểu tượng” cho Tổng thống Trump mà không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của khu vực.

“ASEAN cần áp dụng một chiến lược tương tác linh hoạt, nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán với Mỹ về tầm quan trọng của thị trường ASEAN đối với nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, ASEAN cũng nên làm rõ rằng nếu các quốc gia trong khối này không hợp tác, điều đó có thể khiến tình hình kinh tế của Mỹ trở nên căng thẳng hơn”, ông nói.

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế mới, gồm thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và các mức thuế đặc biệt cho hàng hóa từ nhiều quốc gia, gọi là thuế quan đối ứng. Trong đó, Campuchia và Lào là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thuế suất lần lượt là 49% và 48%. Myanmar và Thái Lan cũng bị ảnh hưởng mạnh với mức thuế lần lượt là 44% và 36%.

Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia này chịu ảnh hưởng lớn do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Dự báo tăng trưởng của ASEAN-6

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước những tác động từ các mức thuế của Mỹ, nhiều ngân hàng và nhà kinh tế đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN-6, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam và Malaysia. Tổng GDP của ASEAN-6 vào năm 2023 ước tính đạt 3,7 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 97% tổng GDP của toàn khối ASEAN.

Theo báo cáo từ Ngân hàng OCBC, sau khi thuế quan được công bố, dự báo tăng trưởng của các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đã giảm từ 0,1% đến 0,8%. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng khả năng suy thoái trong khu vực là thấp, mặc dù tăng trưởng sẽ chậm lại.

Chuyên gia chiến lược Azmi Hassan, thành viên cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Nusantara có trụ sở tại Malaysia, nhận định mặc dù tác động tiêu cực lên tăng trưởng là rõ ràng, nhưng không có khả năng thuế quan của Mỹ sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế trong khu vực, do nền kinh tế các quốc gia ASEAN-6 cũng được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang các thị trường khác và nhu cầu nội địa.

Nhà kinh tế Cassey Lee, điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cảnh báo mặc dù không thể loại trừ khả năng suy thoái, các cuộc đàm phán có thể giúp giảm thiểu tác động của thuế quan nếu Mỹ quyết định giảm hoặc đảo ngược các mức thuế này trong thời gian tới.

“Nếu thương mại toàn cầu chậm lại, các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những quốc gia có nền kinh tế cởi mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, bao gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan”, ông Lee cho biết.

Đàm phán mang tính quyết định

Chuyên gia chiến lược Azmi nhấn mạnh các quốc gia ASEAN không nên trả đũa bằng các biện pháp thuế quan, vì điều này sẽ không có tác dụng với các chính sách của Mỹ. Thay vào đó, mỗi quốc gia nên tham gia vào các cuộc đàm phán song phương, vì mỗi quốc gia có các hoàn cảnh và lợi ích thương mại khác nhau.

“Các quốc gia thành viên ASEAN nên tự tham gia các cuộc thảo luận song phương với Mỹ vì các quốc gia khác nhau có hoàn cảnh và lợi ích thương mại khác nhau”, ông nói.

Nhà kinh tế Lee cũng đồng tình, cho rằng các quốc gia ASEAN không nên áp dụng phương pháp trả đũa như Trung Quốc hay các nước châu Âu.

“Các quốc gia ASEAN có thị trường khá nhỏ, với lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ không lớn so với thị phần xuất khẩu của Mỹ, chủ yếu do dân số và thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia này tương đối thấp. Vì vậy, nếu các nước ASEAN bị Mỹ áp dụng mức thuế cao, việc đàm phán trực tiếp sẽ là lựa chọn hợp lý”, ông Lee cho biết.

Giáo sư Wannaphong tại Thái Lan đề xuất rằng Thái Lan nên tham gia vào các đàm phán không chỉ trong khuôn khổ ASEAN, mà có thể kết hợp với các hiệp định thương mại lớn hơn, như RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), để tạo nền tảng phản ứng phối hợp mạnh mẽ hơn đối với các mức thuế quan mới.

Ông Steven Okun từ công ty tư vấn APAC Advisors cũng cho rằng các quốc gia ASEAN nên kiên trì đàm phán như một khối, vì đối mặt với Mỹ trong các cuộc đàm phán riêng lẻ, các quốc gia ASEAN khó có thể đạt được thỏa thuận có lợi. Khi đoàn kết, ASEAN có thể có cơ hội thành công cao hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

“Nếu các quốc gia Đông Nam Á hợp tác cùng nhau, cơ hội thành công trong việc đàm phán với Tổng thống Trump sẽ cao hơn rất nhiều”, ông nói thêm.

Hải Vân/Báo Tin tức
Vì sao Hàn Quốc phản ứng khác Trung Quốc trước thuế quan của Mỹ?
Vì sao Hàn Quốc phản ứng khác Trung Quốc trước thuế quan của Mỹ?

Hàn Quốc sẽ không làm theo cách của Trung Quốc để đáp trả các mức thuế do Mỹ áp đặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN