Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 9/4, ngay cả với một tổng thống thường xuyên thay đổi các quyết sách một cách bất ngờ, thì thông báo về tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng mà ông đã theo đuổi suốt thời gian dài vẫn là một bước ngoặt gây ngạc nhiên. Chỉ một ngày trước đó, ông vẫn thể hiện ủng hộ hoàn toàn các mức thuế này. Động thái này diễn ra khi Đại diện Thương mại Mỹ đang điều trần trước Quốc hội để bảo vệ lợi ích của các mức thuế, dường như không hề biết trước rằng Tổng thống sẽ trì hoãn.
Suốt nhiều ngày chịu áp lực từ các nghị sĩ Cộng hòa, giới lãnh đạo doanh nghiệp và cả những người bạn thân thiết, ông Trump vẫn không lay chuyển. Tuần trước, ông khẳng định: “CHÍNH SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.
Tuy nhiên đến ngày 9/4, chiến dịch thuyết phục ông Trump thay đổi lập trường vẫn không dừng lại. Đặc biệt, sau đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ vốn thường là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư, có thể thấy những tác động kinh tế từ chiến lược của Tổng thống nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu của các cố vấn.
Theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề, nỗi lo ngày càng lớn bên trong Bộ Tài chính Mỹ về thị trường trái phiếu là yếu tố trung tâm khiến ông Trump quyết định tạm hoãn chế độ thuế đối ứng.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trực tiếp nêu vấn đề này với ông Trump trong một cuộc họp ngay trước khi thông báo tạm hoãn được đưa ra, phản ánh sự đồng thuận từ nhóm cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, những người đã cảnh báo ông về tốc độ bán tháo ngày càng tăng của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Các cuộc gọi từ giới doanh nghiệp đồng minh với Nhà Trắng cũng ngày càng tập trung vào diễn biến đáng lo ngại ở thị trường trái phiếu, khi họ cố gắng thuyết phục ông Trump rút lại kế hoạch.
Khi ông Trump đăng bài trên mạng xã hội về thị trường chứng khoán sáng 9/4, ông vẫn chưa đưa ra quyết định tạm hoãn áp thuế. Chiều cùng ngày, ông thừa nhận đã theo dõi sát sao biến động trên thị trường trái phiếu.
Ông Trump nói với các phóng viên. “Tình hình trái phiếu rất khó lường, tôi đang theo dõi. Thị trường trái phiếu giờ đang rất tốt. Nhưng đúng là tối qua tôi thấy nhiều người bắt đầu lo lắng”.
Khi soạn thông báo ngay tại Phòng Bầu Dục, ông Trump ngồi cùng hai cố vấn đại diện cho hai thái cực trong cuộc tranh luận về thuế: ông Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
Ngay cả khi tạm thời xoa dịu thị trường, ông Trump lại khiến nhiều người lo ngại khi úp mở rằng có thể sẽ miễn trừ cho một số công ty Mỹ khỏi thuế suất, nói rằng sẽ “quyết định theo bản năng”.
Nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump
Trong ngày 9/4, các cố vấn đã vất vả để theo kịp các quyết định của Tổng thống. Ông Trump nói về sự kiện thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng sau quyết định hoãn áp thuế: “Đây là mức tăng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán. Khá tốt. Nếu cứ tiếp tục thế này, ta sẽ quay lại mức của bốn tuần trước”.
Dù sáng 9/4 ông Trump đã có kế hoạch tạm hoãn áp thuế sau những ngày thị trường hỗn loạn, nhưng không ai hay biết. Nhiều quan chức Nhà Trắng chỉ biết tin này cùng lúc với công chúng, qua bài đăng trên Truth Social.
Ngay cả Đại diện Thương mại Mỹ cũng dường như chỉ biết lờ mờ rằng sắp có thay đổi khi ông Trump thông báo hoãn áp thuế trên mạng xã hội.
Bình luận về quyết định tạm hoãn của ông Trump, Bộ trường Tài chính Bessent và các quan chức khác khẳng định quyết định hoãn thuế với tất cả các nước trừ Trung Quốc không phải là một bước lùi. Ngược lại, họ xem đây là bước đi trong kế hoạch lớn hơn của ông Trump nhằm kéo các quốc gia vào bàn đàm phán. Ông Bessent nói: “Cần dũng khí lớn để ông ấy giữ vững lập trường đến tận thời điểm này”.
Tuy nhiên, dù các cố vấn cố tránh né, nhưng chính ông Trump thừa nhận rằng làn sóng chỉ trích, tâm lý bất an gia tăng và tổn thất trên thị trường tài chính là các yếu tố khiến ông đột ngột ra quyết định tạm hoãn áp thuế ngày 9/4. “Tôi nghĩ mọi người đang phản ứng hơi quá”, ông nói với phóng viên.
Lo ngại vì tình trạng bán tháo trái phiếu
Nhóm kinh tế của chính quyền Mỹ đã dành trọn sáng 9/4 để tập trung vào tình trạng bán tháo trái phiếu. Tình hình trở nên nghiêm trọng từ hôm trước và tăng tốc qua đêm, đẩy lợi suất lên cao, đi ngược hoàn toàn với xu hướng thông thường trong thời điểm bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Thông thường, trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng giá khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, do nhà đầu tư chuyển sang tài sản an toàn nhờ tính thanh khoản và mức độ an toàn cao.
Diễn biến đi ngược này xảy ra và gia tăng sau phiên đấu giá trái phiếu đầu tiên kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế đã làm dấy lên báo động, dù ông Bessent đã trấn an dư luận.
Tuy vậy, với ông Bessent, cảnh báo từ các quan chức Bộ Tài chính đã được ông ghi nhận và truyền đạt lại trong cuộc trao đổi với ông Trump sau đó.
Tổng thống, vốn theo dõi sát tin tức về mình trên truyền hình, đã thấy cả những đồng minh thân cận lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái do chính sách thuế. Sáng 9/4, khi xem kênh Fox Business, ông nghe Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon nói một cuộc suy thoái là “kịch bản rất có thể xảy ra” nếu cuộc chiến thương mại leo thang vì thuế.
“Thị trường không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đôi khi lại đúng”, ông Dimon nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo của Fox Business.
Áp lực từ các lãnh đạo doanh nghiệp
Tại Nhà Trắng, điện thoại liên tục đổ chuông khi các lãnh đạo doanh nghiệp, các nghị sĩ Cộng hòa và những đồng minh khác gọi điện để kêu gọi ông Trump cân nhắc lại kế hoạch áp thuế. Nhưng họ gần như không nhận được tín hiệu nào về một động thái trì hoãn.
Các giám đốc điều hành liên tục gọi đến văn phòng Chánh văn phòng Susie Wiles, Phó tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent để trực tiếp thuyết phục ông Trump.
Theo các nguồn tin, bà Wiles đặc biệt hiệu quả trong thuyết phục ông Trump rằng đợt sụt giảm thị trường đang khiến ông mất nhiều vốn chính trị mà ông cần cho các chương trình nghị sự tiếp theo. Trong khi đó, các nghị sĩ đang phải đối mặt với làn sóng cử tri giận dữ khi thị trường lao dốc.
Ông Bessent cũng dần đóng vai trò lớn hơn trong việc truyền đạt thông điệp ra công chúng, nhấn mạnh rằng hàng chục quốc gia đang muốn có cơ hội đàm phán thương mại.
Bản thân ông Trump cũng thừa nhận ông đã theo dõi sát sao diễn biến thị trường, gọi tình hình những ngày qua là “ảm đạm”.
Cuối cùng, một tuần sau khi công bố chính sách thuế khiến hệ thống thương mại toàn cầu chao đảo, ông đã quyết định tạm hoãn chính sách này. Ông nói: “Ta phải linh hoạt. Tôi nghĩ thị trường tài chính luôn thay đổi, hãy nhìn hôm nay xem thị trường đã thay đổi bao nhiêu”.