Đường đua nhiều cạnh tranh

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chấm dứt một giai đoạn đầy biến động kéo dài 4 tháng trong lịch sử đất nước.

Chú thích ảnh
Tổng thống bị phế truất Yoon Suk Yeol. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Với việc ông Yoon bị phế truất và Hàn Quốc phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm trong vòng 60 ngày, quốc gia Đông Bắc Á này đã tạm vượt qua giai đoạn hỗn loạn do tình trạng thiết quân luật và làn sóng luận tội hàng loạt.

Sau quyết định chọn ngày 3/6 tới là ngày bầu cử tổng thống, chính trường Hàn Quốc đã bước vào một giai đoạn mới khi các đảng phái chính trị đang đua nước rút để lựa chọn các ứng cử viên tranh cử với nhiệm vụ trọng tâm là đưa đất nước vượt qua thời kỳ hỗn loạn, ổn định chính trị, khôi phục kinh tế và tập trung vào an sinh xã hội.

Nhiều nhân vật đã xuất hiện trong danh sách tranh cử. Ngày 8/4, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Kim Moon Soo đã xin từ chức để tranh cử tổng thống. Cùng ngày, nghị sĩ Ahn Cheol Soo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã công bố tham gia cuộc đua. Ông Ahn, người có nhiều lần tranh cử tổng thống, đưa ra cam kết mở ra một "thời đại của những con người chính trực, xúc tiến đoàn kết toàn dân, cải cách Hiến pháp”. Trong khi đó, nghị sĩ Yoo Seung Min của PPP cũng có bài thuyết giảng về chủ đề cải cách chính trị với ý nghĩa tham gia tranh cử.

Về phần mình, nghị sĩ Lee Jun Seok, ứng cử viên tổng thống của đảng Cải cách mới, đã hoàn tất đăng ký sơ bộ tại Ủy ban Bầu cử quốc gia. Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) đối lập chính, ông Lee Jae Myung ngày 9/4 đã từ chức để tuyên bố tranh cử. Chính khách này được coi là ứng cử viên nặng ký nhất cho cuộc đua giành ghế chủ nhân Nhà Xanh quyền lực.

Cùng với đó, Tỉnh trưởng Gyeonggi Kim Dong Yeon, Thị trưởng thành phố Incheon Yoo Jeong Bok, Thị trưởng thành phố Seoul Oh Se Hoon, cựu Thủ tướng Kim Boo Kyum, cựu nghị sĩ Kim Du Kwan của DP, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Nam Gyeongsang Kim Kyung Soo cũng dự kiến tranh cử. 

Chú thích ảnh
Ông Kim Dong Yeon, Thống đốc tỉnh Gyeonggi, phát biểu với báo giới tại sân bay Incheon ngày 9/4/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nhìn lại bối cảnh xã hội Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua, việc ban bố thiết quân luật được cho là đỉnh điểm của bế tắc trên chính trường Hàn Quốc, đồng thời cũng phản ánh sự chia rẽ, phân cực sâu sắc trong nội tại xã hội, chính trường. Đó là sự chia rẽ giữa các tầng lớp, chia rẽ về ý thức hệ, chia rẽ về thu nhập, chia rẽ giữa tầng lớp trẻ và thế hệ già… Những yếu tố này khiến càng khoét sâu chia rẽ giữa các phe phái chính trị cánh tả và cánh hữu vốn đã kéo dài trong nhiều năm qua. Thêm vào đó, sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế suy giảm, sinh kế khó khăn, tâm lý xã hội có nhiều biến động càng khiến cho mâu thuẫn trong nội tại xã hội Hàn Quốc trở nên dễ bùng nổ hơn.

Có một điểm không thể bỏ qua là cử tri Hàn Quốc có xu hướng ủng hộ một đảng chính trị không căn cứ trên chính sách, mục tiêu của đảng đó mà chỉ vì không thích đảng còn lại. Điều này làm xuất hiện tâm lý đảng phái tiêu cực, thậm chí phủ nhận đối phương. Tâm lý này càng làm trầm trọng thêm xung đột chính trị, khiến họ mất đi sự nhẫn nại cần thiết, sự trung dung và tinh thần hợp tác, thỏa hiệp. Một cơ cấu, một nền chính trị muốn vận hành trơn tru thì cần có sự tập hợp của các lực lượng, sự nhượng bộ căn cứ trên các chuẩn mực về pháp lý, đạo đức thay vì phân cực, tập trung vào các cá nhân.

Những bất ổn trong nước, đặc biệt là tình trạng thiếu vắng tổng thống đã khiến việc duy trì kênh liên lạc cấp cao nhất giữa Hàn Quốc và Mỹ bị đình trệ. Dư luận cho rằng điều đó ảnh hưởng tới phối hợp chính sách cấp cao, gây thiệt hại cho quan hệ đồng minh, nhất là các lợi ích kinh tế, khi Mỹ áp thuế 25% với các sản phẩm của Hàn Quốc, trong đó có các trụ cột xuất khẩu là ô tô và hàng điện tử.

Việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc khôi phục ổn định chính trị. Sau những khủng hoảng chính trị vừa qua, giới phân tích cho rằng xã hội Hàn Quốc giờ đây dường như đã có điểm lùi để nhìn lại điều gì là cần thiết khi tìm kiếm một tổng thống của toàn dân. Sự thống nhất cao 8-0 của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp trong vụ luận tội Tổng thống Yoon được cho là một cơ sở để đoàn kết xã hội vốn chia rẽ sâu sắc. Từ đó có thể rút ra điểm cần nhấn mạnh là sự tôn trọng, đối thoại và thỏa hiệp dựa trên sự khoan dung và kiềm chế. Đây là những điểm cơ bản mà các chính đảng và các chính trị gia sẽ cần phải cân nhắc trong chiến lược tranh cử để có thể phản ánh tâm tư và mong muốn của cử tri. 

Với việc lần thứ hai liên tiếp một tổng thống đương nhiệm bị phế truất và phải tổ chức bầu cử tổng thống sớm, chính trường Hàn Quốc đang đối diện với vấn đề quan trọng là sửa đổi Hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik đã đề xuất  nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp cùng ngày 3/6 với cuộc bầu cử tổng thống sớm. PPP cầm quyền đã ủng hộ đề xuất này, trong khi DP đối lập chính cho rằng cần trưng cầu sau…

Giới phân tích nhận định rất khó có khả năng một tổng thống được bầu sẽ cho phép sửa đổi hiến pháp để hạn chế quyền hành pháp của chính mình. Điều này làm dấy lên lo ngại tiếp tục xu hướng chính trị cực đoan thù địch không có sự kiểm soát, đối thoại và thỏa hiệp nếu đảng đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Do vậy, cuộc bầu cử sắp tới vẫn sẽ khó tránh những tác động của sự phân cực chính trị sâu sắc trong nước. PPP cầm quyền đang đối mặt với sự chia rẽ nội bộ và đánh mất niềm tin của người dân sau những hậu quả từ thiết quân luật. Trong khi đó, DP đối lập chính với sự lãnh đạo của ứng cử viên sáng giá nhất là ông Lee Jae Myung đang cố gắng tận dụng tình hình để củng cố vị thế. Tuy nhiên, chính khánh này cũng đang vướng vào hàng loạt vụ kiện tụng liên quan đến tham nhũng. Xét theo tỷ lệ ủng hộ, chênh lệch của cử tri với 2 đảng đang ở mức trên tỷ lệ sai số dưới 10%.

Trong bối cảnh hiện tại, có thể thấy cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn tới đây sẽ rất cạnh tranh. Sự phân cực chính trị và những thách thức nội bộ trong các đảng phái sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả bầu cử. Các cử tri trung dung và giới trẻ được cho là sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả cuối cùng.

Khánh Vân (TTXVN)
Gần 80% người dân Hàn Quốc chấp thuận việc phế truất ông Yoon Suk Yeol
Gần 80% người dân Hàn Quốc chấp thuận việc phế truất ông Yoon Suk Yeol

Theo cuộc khảo sát công bố ngày 7/4, gần 80% người Hàn Quốc cho biết họ chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol vì đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12 năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN