‘Vũ khí bí mật’ của một số nước trong cuộc chiến chống thuế quan của Tổng thống Trump

Đậu nành – mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ – có thể là điểm yếu dễ bị tổn thương nhất của nước này trong cuộc đối đầu thuế quan với thế giới.

Chú thích ảnh
Nông dân Mỹ kiểm tra đậu nành thu hoạch tại một trang trại ở Iowa. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn áp thuế quan đối ứng với toàn bộ các nước trừ Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn những biện pháp ứng phó.

Theo kênh Al Jazeera, ngày 9/4, các nước thành viên EU đã phê chuẩn một loạt biện pháp áp thuế trả đũa nhằm vào Mỹ.

Động thái của EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/4 và diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc cũng đáp trả các mức thuế mới mà ông Trump áp dụng trong tuần này.

Loạt thuế mới nhất của ông Trump áp mức thuế 20% đối với toàn bộ hàng hóa từ EU. Với hàng hóa từ Trung Quốc, mức thuế lên tới 104% và sau đó ông Trump đã tăng lên 125%.

Các biện pháp trả đũa của EU nhắm vào sản phẩm nhôm và thép của Mỹ, cùng với các mặt hàng nông sản, trong đó đáng chú ý là đậu nành, dù việc áp thuế dự kiến sẽ được triển khai theo từng giai đoạn.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ, liệu đậu nành có trở thành điểm yếu của nước này mà các đối tác thương mại như EU và Trung Quốc có thể tận dụng để phản đòn?

Tầm quan trọng của đậu nành với Mỹ

Dưới dạng hạt nguyên, thức ăn chăn nuôi hoặc dầu, đậu nành là trụ cột của ngành nông nghiệp Mỹ và là một trong những nguồn thu lớn nhất từ nông sản.

Loại hạt này đóng góp khoảng 0,6% GDP của Mỹ. Theo cuộc Tổng điều tra Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có hơn 500.000 người sản xuất đậu nành. Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Chế biến Hạt có dầu Quốc gia và Hội đồng Đậu nành Mỹ cho biết ngành đậu nành tạo ra ít nhất 223.000 việc làm toàn thời gian.

Giá trị ngành đậu nành tại Mỹ lên tới 124 tỷ USD, lớn hơn cả tổng quy mô nền kinh tế của Kenya hoặc Bulgaria.

Dù nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng, nhưng xuất khẩu vẫn là nền tảng thành công của ngành này. Hiện Mỹ là nước xuất khẩu đậu nành lớn thứ hai thế giới, bán hơn một nửa sản lượng tới khoảng 80 quốc gia.

Các quốc gia nhập khẩu đậu nành Mỹ

Theo dữ liệu từ nền tảng dữ liệu mở OEC, năm 2023, đậu nành đóng góp hơn 27 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Mỹ, vượt xa mọi mặt hàng nông sản khác.

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, nhập khẩu đậu nành Mỹ trị giá 15 tỷ USD, tiếp theo là EU (đặc biệt là Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan), với giá trị nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và EU đang là trung tâm làn sóng phản đối toàn cầu đối với các mức thuế mới của ông Trump. Họ nằm trong danh sách các quốc gia “vi phạm nghiêm trọng nhất” bị Mỹ liệt kê tuần trước, với cáo buộc áp thuế không công bằng đối với hàng hóa Mỹ.

Ông Trump đã áp mức 20% đối với hàng hóa từ EU, chưa kể mức thuế 25% đối với thép và nhôm - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối này sang Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với tổng mức thuế 125% đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Khả năng EU và Trung Quốc áp thuế đậu nành Mỹ

Cả hai bên dường như đang nhắm tới đậu nành Mỹ - điểm yếu rõ rệt khi xét tới tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và EU đối với nông dân Mỹ.

Trước đó, EU tuyên bố sẽ đánh thuế trả đũa lên tới 28 tỷ USD đối với hàng hóa Mỹ. Dù danh sách đầy đủ từng bị rò rỉ, nhưng chưa được công bố chính thức.

Ngày 9/4, EU đã bỏ phiếu thông qua mức thuế tới 25% đối với các mặt hàng nằm trong danh sách. Loạt thuế đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4.

Mặc dù các mức thuế này sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, nhưng một trong những mặt hàng nằm trong danh sách là đậu nành.

Trong khi đó, đậu nành Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất – cũng đang chịu thiệt hại nặng. Trước đây, Trung Quốc đã tập trung vào thực phẩm Mỹ, áp thuế 15% lên các mặt hàng như gà, lúa mì và ngô, cùng mức thuế 10% với đậu nành, thịt và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Ngày 5/4, Trung Quốc áp thêm mức thuế 34% với toàn bộ hàng hóa Mỹ, nâng mức thuế đối với đậu nành lên 44%. Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thêm 50% từ ngày 10/4, khiến đậu nành Mỹ phải chịu mức thuế tổng cộng 94% tại Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẵn sàng đánh cược với đậu nành vì từ năm 2017 - thời điểm cuộc chiến thương mại đầu tiên dưới thời ông Trump bùng phát, nước này đã chuyển dần sang nhập khẩu từ Brazil.

Kể từ đó, xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh, trong khi Brazil hiện chiếm hơn một nửa thị phần. Năm 2024, Brazil xuất khẩu 36,6 tỷ USD đậu nành sang Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ đạt 12,1 tỷ USD.

Phản ứng của nông dân trồng đậu nành Mỹ

Chú thích ảnh
Một cánh đồng đậu nành ở Mỹ. Ảnh: REUTERS/ TTXVN

Nông dân Mỹ đã kêu gọi ông Trump gỡ bỏ các mức thuế đối với Trung Quốc, EU và các thị trường trọng yếu khác như Mexico. Phần lớn đều nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của Trung Quốc với nông nghiệp Mỹ.

Ông Scott Gerlt, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Đậu nành Mỹ, nói với hãng tin AFP: “Trung Quốc mua 52% sản lượng đậu nành xuất khẩu của chúng ta trong năm 2024”. Theo ông, với quy mô mua lớn như vậy, không dễ thay thế Trung Quốc.

Một số nông dân cảnh báo rằng họ sẽ không thể cầm cự được lâu nếu căng thẳng thương mại kéo dài, vì sản phẩm sẽ trở nên quá đắt đỏ và không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ông David Walton – một nông dân trồng đậu nành – nói với kênh truyền hình Mỹ ABC: “Nếu chiến tranh thương mại kéo dài sang mùa thu, sẽ có nhiều nông dân phải phá sản”.

Hệ quả chính trị

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN 

Cuộc chiến xoay quanh đậu nành và rộng hơn là cuộc đối đầu thuế quan có thể gây ra những hệ quả chính trị sâu rộng.

Cho đến nay, ông Trump đã ban hành các chính sách này bằng sắc lệnh hành pháp, không cho Quốc hội Mỹ quyền can thiệp.

Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley và Thượng nghị sĩ Dân chủ Maria Cantwell đang chuẩn bị trình một dự luật buộc ông Trump phải thông báo cho Quốc hội về mọi loại thuế mới và việc thi hành cần được Hạ viện phê chuẩn. Tuy vậy, khả năng dự luật này được thông qua là rất thấp do đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.

Dù điều gì xảy ra ở Quốc hội, hậu quả chính trị nhiều khả năng sẽ lan rộng ra ngoài Đồi Capitol.

Gần như toàn bộ lượng đậu nành Mỹ xuất khẩu sang EU đều đến từ bang Louisiana - quê nhà của Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Mike Johnson. Tuy nhiên, ông Johnson vẫn lên tiếng ủng hộ các đợt tăng thuế.

Trong một thông cáo báo chí tuần trước, ông Johnson nói người Mỹ nên tin vào bản năng kinh tế của Tổng thống Trump. Ông nói: “Có thể sẽ khó khăn lúc ban đầu, nhưng tôi nghĩ cuối cùng điều đó sẽ hợp lý và có lợi cho tất cả người dân Mỹ”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump ‘xuống thang’ thuế quan: Hé lộ diễn biến kịch tính ở hậu trường
Tổng thống Trump ‘xuống thang’ thuế quan: Hé lộ diễn biến kịch tính ở hậu trường

Cố vấn cấp cao Stephen Miller ca ngợi quyết định hoãn thuế của ông Trump là "một chiến lược kinh tế vĩ đại nhất mà một Tổng thống Mỹ từng thực hiện". Nhưng sự thực "cú bẻ lái" này đã diễn biến như thế nào ở hậu trường?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN