Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 22/8, dưới dự chủ trì của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ, hầu hết các đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng cần phải có một cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kết nối hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ là triển khai những công trình dự án trọng điểm mang tính chất kết nối giữa các tỉnh trong vùng với nhau và giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác. Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông lớn góp phần phát triển kinh tế xã hội trong vùng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã phá thế ngăn sông cách trở kết nối với các vùng.
Mặc dù nhu cầu phát triển rất lớn nhưng do đặc điểm vùng Tây Nam bộ có nền đất yếu, nhiều kênh rạch sông ngòi chằng chịt nên vốn đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư thấp nên các nhà đầu tư BOT rất ngại vào đầu tư. Các ngành, địa phương còn nặng đầu tư vào đường bộ với 80-90% vốn trong khi tiềm năng về đường thủy còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức, mới chỉ đạt 11% và đầu tư thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển, công tác quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế. Vấn đề liên kết vùng cũng chưa được chú trọng đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Trong vùng phải chuyển tải lên thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ hơn 80% sản lượng hàng hóa; trong đó đến 70% được vận chuyển bằng đường bộ, vừa gây áp lực cho đường bộ, làm tăng chi phí, giảm mức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng còn thấp với 16% vốn BOT đầu tư trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh là 66-67%. Ngay cả những địa phương được đầu tư nhiều nguồn vốn BOT lại là những địa phương còn nhiều khó khăn tại các tỉnh duyên hải miền Tây như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng... nên khó thu hồi vốn.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương trong vùng rà soát để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo thứ tự đầu tư ưu tiên với các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, vốn Trái phiếu Chính phủ, ODA, ngoài ra là các nguồn nằm trong các Chương trình mục tiêu để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông cho vùng, để trình Thủ tướng, trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Theo Phó Thủ tướng, một số dự án cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020 như: Quản lộ Phụng Hiệp đi qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, dự án nâng cấp hoàn thiện QL60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên QL60 nhằm phát triển các tỉnh phía Đông (các tỉnh duyên hải của Vùng là các tỉnh khó khăn nhất hiện nay). Đồng thời, hoàn thành việc đầu tư nâng cấp các trục ngang gồm Quốc lộ Nam Sông Hậu, QL 91C, Quốc lộ 1 tuyến Cà Mau - Năm Căn, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến nối thành phố Vị Thanh - Bạc Liêu, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... Yêu cầu các bộ ngành và địa phương tiếp tục triển khai, rà soát và đề xuất kịp thời điều chỉnh Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics Vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016 – 2020 cho phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nam Bộ, chú trọng đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng có tính kết nối vùng...
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Thứ trưởng Bộ Tài chính thì Chính phủ cần phải có một chính sách đặc thù trong việc huy động các nguồn lực thì mới triển khai được các dự án giao thông đường bộ vùng Đồng bằng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách đang gặp khó khăn, vốn vay ODA cũng có giới hạn, nếu kêu gọi xã hội hóa theo hình thức BOT thì rất khó thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư vì chậm thu hồi vốn vì chi phí cao, khả năng thu hồi chậm. Đối với hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức cho nên cơ sở hạ tầng giao thông toàn vùng hiện nay rất bức xúc. Cũng theo ông Trí, giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới là các bộ, ngành và các địa phương cần rà soát lại từng dự án 1 xem dự án nào thật sự bức xúc thì tập trung toàn bộ nguồn lực vào đầu tư như dự án đường cao tốc Cần Thơ - Trung lương chẳng hạn...
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng hiện nay có 2 dự án giao thông đường bộ bức xúc nhất ảnh hưởng đến sự phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là dự án đường cao tốc Trung Lương- Cần Thơ và cầu Đại Ngãi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rất cần được đầu tư sớm. Đây cũng là 2 Quốc lộ (gồm Quốc lộ 1 và Quốc lộ 60) đóng vai trò hết sức quan trọng tạo điều kiện phát triển mạnh cho vùng cần được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, do chưa có nguồn vốn đầu tư nên đến nay đoạn từ Cần Thơ đến Mỹ Thuận chưa được khởi công nên đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ vẫn còn lắm gian nan. Quốc lộ 1 với lưu lượng xe quá lớn phải di tu sửa chữa thường xuyên vẫn không đáp ứng nổi. Ông Thể cũng kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam cần nghiên cứu hình thành cảnh biển lớn tại Sóc Trăng phục vụ cho các tỉnh Nam sông Hậu vì trong tương lai, Cảng Cái Cui của Cần Thơ sẽ không đáp ứng nổi lượng hàng hóa từ các tỉnh đồng thời nên nghiên cứu làm cảng trung chuyển lớn tại Côn Đảo vì nơi đây có mặt bằng rộng, mặt biển khá phẳng lặng rất thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa đồng thời Côn Đảo cũng nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi các nước, phục vụ hàng hóa xuất khẩu cho cả khu vực các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ...
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Bộ Giao thông Vận tải cho vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2016- 2020, ngoài việc tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án đang được triển khai đầu tư khoảng trên 40.460 tỷ đồng, cần tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao năng lực kết nối vùng.
Dự kiến tổng số dự án đầu tư mới trong cả hệ thống giao thông vận tải gồm đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường không trong giai đoạn này là 78 dự án với tổng mức đầu tư trên 104.636 tỷ đồng và tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là trên 91.580 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước là 31%, nguồn vốn xã hội hóa là 36%, vốn ODA là 33%. Trong tổng số các dự án nói trên có 39 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư là 73.033 tỷ đồng, 23 dự án hàng hải với tổng mức đầu tư là trên 18.000 tỷ đồng, 12 dự án đường thủy nội địa với tổng nguồn vốn đầu tư là 11.027 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sắp tới Cần Thơ sẽ được chọn làm tiểu vùng kinh tế logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long và dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm logistics hạng II tại cảng Cái Cui nhằm phục vụ cho các tỉnh thành Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang. Hiện nay đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư như tập đoàn Hyundai Hàn Quốc và đối tác là một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào xã hội hóa do địa phương và doanh nghiệp đầu tư. Trung tâm này kết hợp vai trò vừa tập kết hàng hóa của khu vực để lưu thông đến các địa phương khác trong nước vừa phục vụ mục tiêu xuất khẩu và quá cảnh hàng hóa sang Campuchia với các loại hàng hóa chủ lực là gạo, thủy sản, trái cây và trong tương lai sẽ tiếp tục phục vụ tập kết và vận chuyển các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, điện tử...