Giúp người nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế

Ngày 30/7, Tỉnh ủy Ninh Thuận và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Chú thích ảnh
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo có tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chỉ thị còn giúp các tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Trong 10 năm qua, tín dụng chính sách đã giúp hơn 474.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần giúp hơn 73.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo điều kiện cho hơn 57.300 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm; 43.900 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng hơn 126.220 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh; 8.234 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận khẳng định, vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong từng giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 1,94%/năm; giai đoạn 2016-2020, giảm bình quân 1,92%/năm; giai đoạn 2021-2023, còn 4,21%, góp phần xây dựng 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Phú Hội, phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang-Tháp phát triển trồng táo, nâng cao thu nhập nhờ vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Để vốn tín dụng chính sách được quản lý và phát huy hiệu quả, Tỉnh ủy Ninh Thuận tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan; đồng thời, quan tâm bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tốt hơn nữa vốn tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn.

Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt từ 6-8% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay trên địa bàn; đến năm 2030 đạt tiệm cận bình quân toàn quốc. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn ủy thác địa phương để cho vay các chương trình tín dụng mà nguồn vốn Trung ương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu như chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động ủy thác, hoạt động giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn… Từ đó, đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và bền vững.

Chú thích ảnh
Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen cho 6 tập thể có thành tích đóng góp trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư.

Hơn 307.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách tại Quảng Ngãi được vay vốn ưu đãi

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 10 năm qua, nhờ thực hiện Chỉ thị số 40 hiệu quả, nguồn vốn ưu đãi đã đến được với hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó có 307 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho 61,5 nghìn lượt hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 7.073 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 46,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Nguồn vốn giúp các địa phương đầu tư xây dựng 162,6 nghìn công trình nước sạch nông thôn; 4.528 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ngãi giảm xuống còn 6,13%, hộ cận nghèo còn 4,97%.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40; chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác cho vay vốn ưu đãi; vai trò của các hội, đoàn thể trong thực hiện tín dụng chính sách.

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết, Chỉ thị số 40 được triển khai tại tỉnh đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động được các nguồn lực giúp người dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt 5.579 tỷ đồng, tăng 3.266 tỷ đồng so với 10 năm trước. Dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh khẳng định, Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách. Tại Quảng Ngãi, kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, góp phần kéo giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chị thị 40, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các địa phương cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; bố trí nguồn lực, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ tiêu của Trung ương giao. Tỉnh tiếp tục dành nguồn lực tạo điều kiện vốn vay cho người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo hiệu quả và xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Trao bằng khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 14 cá nhân; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Bằng khen cho 10 tập thể. Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho tập thể Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi và Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Bình Sơn do có thành tích xuất sắc trong thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40.

Công Thử - Phạm Cường (TTXVN)
Tín dụng chính sách xã hội giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn
Tín dụng chính sách xã hội giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn

Chiều 25/7, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40–CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN