Hỗ trợ kinh phí cho 1.000 hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên đang tích cực triển khai đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế.

Theo đó, giai đoạn 2024-2029 sẽ có 1.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí chăn nuôi, sản xuất nhằm thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Hộ nông dân Mai Văn Lý ở xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ chăn nuôi vỗ béo bò thịt. Ảnh minh hoạ: Vũ Sinh/TTXVN

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên chọn 6 mô hình hiệu quả, nguồn vốn thấp để nhân rộng trên địa bàn. Đó là các mô hình: Hỗ trợ nuôi bò sinh sản; nuôi con dúi giống và dúi thương phẩm; nuôi ốc bươu đen; trồng các loại nấm rơm, nấm sò, nấm bào ngư; trồng sương sâm; nuôi gà thương phẩm, nuôi gà Ai Cập.

Các mô hình này được triển khai thí điểm tại một số địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dúi với chi phí thấp (khoảng 3 triệu đồng/tháng cho 600-700 con) nhưng giá bán cao (1,5-2 triệu đồng/con dúi thịt và 600 nghìn đồng/con dúi giống). Mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi gà thương phẩm, trồng nấm... đều có chi phí thấp và kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng sản phẩm đang thị trường ưa chuộng.

Dự kiến kinh phí thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả này là 20 tỷ đồng với 1.000 hộ dân tham gia (20 triệu đồng/hộ). Đối tượng được hỗ trợ là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, người khuyết tật không có sinh kế ổn định và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Mục tiêu của đề án, mỗi hộ tham gia sẽ tăng thu nhập từ 20 - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 5% hộ tham gia đề án thoát nghèo; 100% hộ dân tham gia thực hiện đề án được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Qua thực hiện chương trình, đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Chính quyền địa phương khảo sát, chọn hộ dân tham gia mô hình; hỗ trợ kinh phí để các hộ tham gia tự mua con giống, nguyên liệu giống. Cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ tham gia. Kết thúc thời gian triển khai đề án (dự kiến sau 3 năm), các hộ được hỗ trợ vốn phải hoàn trả 30% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ nghèo và 40% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ cận nghèo để luân chuyển cho hộ nghèo, cận nghèo khác.

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững là rất cần thiết. Điều này mang lại nhiều tác động tích cực cho xã hội, tạo động lực để hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đến cuối năm 2023, tỉnh Phú Yên có 8.480 hộ nghèo (chiếm 3,22%) và 17.693 hộ cận nghèo (chiếm 6,72%). Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm thêm 2.235 hộ nghèo và cận nghèo.

Tường Quân (TTXVN)
Cựu chiến binh nỗ lực phát triển kinh tế, chiến thắng đói nghèo
Cựu chiến binh nỗ lực phát triển kinh tế, chiến thắng đói nghèo

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở về với cuộc sống đời thường, các hội viên cựu chiến binh ở Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp đỡ, động viên nhau vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN