Tấc đất, tấc vàng
Tháng 8/1978, sau khi học hết cấp 2, thanh niên Hà Văn Khoa (sinh năm 1959, tại Làng Chiềng Nang, xã Giao An, huyện Lang Chánh) lên đường nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 15, Phòng Quân báo (thuộc Quân khu 7). Sau hơn 2 năm phục vụ trong quân đội, tháng 3/1981, ông xuất ngũ về địa phương xây dựng gia đình, phát triển kinh tế.
Với suy nghĩ “tấc đất, tấc vàng”, năm 2012 ông quyết định cải tạo vườn tạp trồng mía nguyên liệu, vải, chanh, đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ. Nhưng những cây trồng trên không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; đầu ra không ổn định, giá cả lại bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thấp… Năm 2017, đúc rút kinh nghiệm, ông quyết định thuê người dọn dẹp diện tích vườn đồi, trồng 500 bụi luồng và keo lấy gỗ với diện tích khoảng 5,5 ha. Đến nay, sau một thời gian chăm sóc, vườn luồng, keo của của gia đình đã cho khai thác với sản lượng bình quân khoảng 90 triệu đồng/ha/năm.
“Hiện nay cây luồng và keo đang cho thu nhập rất ổn định, vì nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tre luồng ở đây rất cao, nhiều khi không đủ nguyên liệu để nhập. Luồng và keo là những loại cây trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên sinh trưởng và phát triển tốt…”, ông Khoa chia sẻ. Có thu nhập từ trồng luồng, keo, năm 2022, ông Khoa tiếp tục đầu tư trồng thêm 3.000 cây cau với diện tích 1,5 ha.
Cau là cây dễ trồng, có thể trồng tập trung hoặc phân tán ở những nơi có diện tích đất bỏ không. Đây là loại cây không tốn nhiều công chăm sóc và đầu tư nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó, thường xuyên vun xới, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao cả trong nước, nên cây cau đã mang lại thu nhập ổn định, lâu dài cho gia đình ông. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, gia đình còn tận dụng đất trống dưới tán cây cau để nuôi thêm 300 con gà thương phẩm; 45 con lợn thịt… Trừ chi phí, riêng thu nhập về trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Khoa khoảng 400 triệu đồng/năm.
Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế
Là hội viên cựu chiến binh, Trưởng thôn Đôn, xã Thành Lâm, huyện vùng cao Bá Thước, những năm qua, ông Hà Huy Giáp luôn tiên phong, đi đầu trong các phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế. Với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Thái còn lưu giữ lại, từ năm 2014, gia đình ông Giáp cùng với một số hộ dân trong bản đã đi đầu mở dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) đón khách du lịch.
Theo ông Hà Huy Giáp, trước đây, khi chưa biết làm du lịch cộng đồng, kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào nông nghiệp, nên vẫn quẩn quanh với đói nghèo. Từ năm 2014 đến nay, khi nhu cầu du lịch cộng đồng của du khách tăng cao, gia đình đã sửa sang, nâng cấp nhà sàn để làm homestay, phát triển thành du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đến nay kinh tế gia đình ông đã có nhiều thay đổi. Tổng thu nhập bình quân hàng năm từ du lịch đạt 300-500 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi thêm hàng nghìn con vịt Cổ Lũng và trên 100 con lợn cỏ để phục vụ khách du lịch.
Ông Phạm Văn Thân, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội Cựu chiến binh Thanh Hóa nhấn mạnh, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm trở lại đây, ở Thanh Hóa có khoảng 8.000 hộ cựu chiến binh giảm được nghèo, số hộ cựu chiến binh khá, giàu tăng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 250 Câu lạc bộ Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, với trên 3.600 hội viên tham gia.
Phong trào Cựu chiến binh phát triển kinh tế đã khơi dậy được tình đồng chí, đồng đội, ý chí, nghị lực, bản lĩnh của các hội viên cựu chiến binh, cùng nhau chiến thắng đói nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển...