Không chỉ xây dựng thành công các trang trại bò sữa ở những vùng đất không thuận lợi, triết lý “mở khóa tự nhiên”, Vinamilk biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế “xanh”, tạo vòng tuần hoàn gắn kết giá trị cộng đồng phát triển bền vững.
“Chúng ta có thể sẵn sàng về mọi nguồn lực, từ tài chính cho đến nhân lực, quỹ đất, nhưng nếu không tìm được cách để “mở khóa” được thiên nhiên thì không thể làm nông nghiệp một cách bền vững”, đại diện Vinamilk chia sẻ khi mở đầu chuyến đi đến trang trại Green Farm Tây Ninh của đoàn hơn 30 chuyên gia và nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị hàng đầu tại Việt Nam.
Đây là hoạt động của chương trình Sustainability Connect Trip & Talk do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức, với chủ đề truyền cảm hứng: “Mở khóa tự nhiên, phát triển bền vững”.
Ảnh: Quang Định
“Mở khóa tự nhiên” - cách tiếp cận của nông nghiệp bền vững
Dù thường xuyên đón các đoàn tham quan ngoài nước đến thăm, lần này, câu chuyện Green Farm Tây Ninh được kể qua một lăng kính mới. Những chiếc xe điện chở chúng tôi đến các khu vực chăn nuôi, trồng trọt, xử lý chất thải… tận mắt tìm hiểu cách Vinamilk “mở khóa” tự nhiên, biến vùng đất vốn nắng gió, cằn cỗi hoang hóa thành một trang trại với mệnh danh “resort bò sữa”, theo định hướng phát triển bền vững.
Ảnh: Quang Định
Nhiều thắc mắc về hành trình này được Vinamilk dần hé mở bởi chính những nhân viên trực tiếp làm việc tại đây. Chỉ tay về cánh đồng cỏ Mombasa hút tầm mắt, anh Nguyễn Văn Minh – Trưởng ban Trồng trọt Vinamilk Green Farm Tây Ninh, giới thiệu với chúng tôi về 500 ha đất đai màu mỡ, đạt chuẩn Organic Châu Âu, một trong những tiêu chuẩn nông nghiệp khắt khe nhất hiện nay.
Ảnh: Vi Nam
“3 năm” - con số anh Minh nhắc đến gây bất ngờ cho không ít người. Đó thời gian Vinamilk hoàn toàn “không làm gì” để đất được nghỉ ngơi, thanh lọc các chất tồn dư, trở về trạng thái tự nhiên nhất. Đó là khoảng thời gian mà những chuyên gia nông nghiệp Vinamilk, Nhật Bản,… “ăn ngủ” cùng đất để hiểu một cách tường tận nhất về mảnh đất này.
Ảnh: Quang Định
Chất thải gia súc vốn là vấn đề nhức nhối của mọi mô hình chăn nuôi nay trở thành “vàng đen” để cải tạo đất. Đưa chúng tôi đến gần chiếc xe chở phân bón hữu cơ đã qua xử lý, anh Minh bốc một nắm phân bò đã ủ ít nhất 15 ngày và mời mọi người tận tay kiểm chứng phân hoàn toàn khô ráo, không còn mùi khó chịu. Một vòng tuần hoàn đất đã dần được hình thành và sắp tới đây doanh nghiệp còn đưa vào phần mềm để đánh giá sức khỏe đất.
Ảnh: Quang Định
Theo chị Nguyễn Quỳnh Nga, Phó giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, những thực hành trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh là một ví dụ cụ thể cho cách tiếp cận “mở khóa tự nhiên”, biến rào cản khí hậu thành cơ hội, tạo vòng tuần hoàn xanh khép kín và lan tỏa lợi ích ra cộng đồng. “Vinamilk đã chứng minh tự nhiên không phải là rào cản mà là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết những thách thức từ an ninh lương thực và khả năng cạnh tranh quốc tế cho nông nghiệp Việt Nam.” – chị Nga nhấn mạnh.
“Không gì bị bỏ đi” trong vòng tuần hoàn sinh thái
Rời cánh đồng, chưa hết bất ngờ về quy trình canh tác hữu cơ, chúng tôi quan sát kĩ hơn khâu quản lý chất thải, nơi khiến nhiều người bất ngờ về mức độ “sạch sẽ” của quy trình này khi gần như không có gì bị bỏ phí.
Ngoài việc biến 30–45 tấn phân bò mỗi ngày thành nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, lượng khí metan sinh ra quá trình xử lý ủ phân cũng không bị lãng phí mà được thu gom vào hệ thống biogas. Nguồn năng lượng tái tạo này sử dụng đun nước, thanh trùng sữa cho bê, sấy quần áo nhân viên, sấy cỏ và nhiều thiết bị khác giúp tiết kiệm hơn 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Ảnh: Quang Định
Đoàn dừng chân khá lâu tại nhà sấy cỏ, hệ thống sấy cỏ được sáng chế bởi chính nhân viên trang trại. Hoạt động theo nguyên lý sấy chè, cỏ mombasa tươi có thể được sấy ở nhiều mức độ theo nhu cầu và đạt chất lượng tương đương nhập khẩu. Nhờ đó, trang trại tự chủ sản xuất cỏ sấy ngay tại chỗ với giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, rẻ hơn hơn 10 lần so với cỏ nhập khẩu trước đây.
Ảnh: Vi Nam
“Cỏ tươi mới cắt, được sấy để cho bò bê ăn trong ngày, luôn giữ độ tươi mới và dinh dưỡng. Tuy là cỏ trang trại tự sấy, nhưng vẫn phải kiểm tra từ cỏ đầu vào đến đánh giá thành phẩm sau sấy rồi mới đưa vào “nhà bếp” để chế biến thức ăn theo quy trình khép kín, đảm bảo sức khỏe cho đàn bò.” – Chị Kiều Linh, Giám đốc Chăn nuôi Thú y, cho biết.
Công nghệ cao, lấy tự nhiên làm cốt lõi
Điểm đến của những xe cỏ, bắp sau chế biến sẽ là những khu nhà cho đàn bò, bê. Đây có lẽ cũng là nơi được trông chờ nhất trong chuyến đi. Bước chân vào khu chuồng, mọi người đều có chung cảm nhận đây là “nơi mát nhất” của trang trại, nhiệt độ luôn ở mức 27-28 độ C và hoàn toàn không có mùi khó chịu dù là nơi ở của đàn bò gần cả ngàn con.
Ảnh: Quang Định
Tất cả là nhờ hệ thống làm mát với hàng chục chiếc quạt khổng lồ, thiết kế chuồng đặc biệt giúp thông gió, thoáng khí. Dàn phun sương tự động tạo những cơn “mưa nhân tạo” đều đặn ba phút/lần, hạ nhiệt và giảm stress cho bò. Trên mái chuồng được phủ tấm pin mặt trời, vừa giúp giảm nhiệt độ, vừa tạo nguồn điện sạch.
Ảnh: Quang Định
Nói nơi này là “resort” cho bò sữa cũng không quá. Không tận dụng tối đa diện tích đất để tăng đàn, Vinamilk hào phóng giữ lại 9 hồ nước nằm xen kẽ với mảng xanh để dự trữ, lưu thông tuần hoàn nước và đồng thời đóng vai trò như những “máy điều hòa, cấp ẩm” giúp không khí luôn mát mẻ, dễ chịu cho đàn bò sữa, vốn là loài hợp với khí hậu ôn đới.
Vinamilk có thể định dạnh từng cá thể bò nhờ vào chip điện tử để theo dõi sức khỏe, hoạt động và thiết kế các chế độ chăm sóc phù hợp. Thức ăn cũng được quản lý bằng phần mềm, căn chỉnh khẩu phần theo độ tuổi, tình trạng và phối trộn hơn 20 loại hạt, cỏ... nhiều dinh dưỡng. Robot sẵn sàng phục vụ thức ăn và phát nhạc thư giãn, máy massage tự động “gãi ngứa” khi bò đến gần…
Ảnh: Quang Định
Dù sử dụng rất nhiều thiết bị công nghệ “4.0” hiện đại nhưng đáng chú ý là trong việc chăm sóc bò sữa, doanh nghiệp lại luôn tập trung vào tiêu chí “tạo ra môi trường sống gần gũi thiên nhiên, hạn chế sự can thiệp của con người và để bò sữa được thoải mái, ăn ngủ, vận động theo nhu cầu, sinh hoạt theo những tập tính tự nhiên vốn có...”, chị Kiều Linh nhấn mạnh.
Từ “mở khóa” thiên nhiên, đến “mở rộng” vòng tuần hoàn
Điều khiến nhiều người ấn tượng không chỉ là vòng tuần hoàn đất, nước, xử lý chất thải… được hình thành bên trong trang trại mà còn là cách Vinamilk mở rộng ra cộng đồng địa phương, tạo nên một vùng nông nghiệp vệ tinh của các trang trại được phát triển theo hướng bền vững.
Ảnh: Vi Nam
Nguồn phân bón hữu cơ được cung cấp cho các hộ dân hợp tác và nhân viên trang trại sẽ được phân công hỗ trợ nông dân canh tác theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng. Năm 2024, doanh nghiệp cũng đã bao tiêu, thu mua hơn 365.000 tấn bắp sinh khối từ nông dân, tăng thu nhập cho người dân. Người dân trở thành một mắc xích trong chuỗi giá trị bền vững, được hưởng lợi ích và từ đó, tham gia sâu cùng với doanh nghiệp.
Mở rộng hơn về khía cạnh giảm phát thải khí nhà kính, ông Nguyễn Huỳnh Thanh Phong – Giám đốc Phát triển Bền vững Bureau Veritas Việt Nam, đánh giá cao việc Vinamilk ưu tiên việc giảm “thật” tại nguồn, thay vì bù đắp bằng việc mua tín chỉ carbon bên ngoài, triển khai theo một lộ trình cụ thể để đạt được Net Zero vào năm 2050.
Ảnh: Quang Định
Ông Phong lấy ví dụ từ chính sáng kiến sấy cỏ tại trang trại, không chỉ giúp Vinamilk tự chủ hơn, mà đồng thời kiểm soát và giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất, vận chuyển nếu nhập khẩu từ nước ngoài. Hay việc kết hợp chặt chẽ cùng nông dân, sẽ giúp Vinamilk quản lý tốt hơn về lượng phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng của mình trong tương lai.
Ảnh: Vi Nam
Trong bối cảnh “phát triển bền vững” sẽ là một trong những từ khóa chiến lược của nhiều doanh nghiệp, việc tham khảo lộ trình và cách tiếp cận từ Vinamilk giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc triển khai các tiêu chuẩn quốc tế, hay cụ thể hơn là thực hành ESG,… vốn ngày càng quan trọng trong nền nông nghiệp thời đại mới, từ đó dẫn đầu xu thế tương lai khi mà giá trị kinh tế sẽ luôn đi đôi với phát triển bền vững.
Box: Sau gần 20 năm đầu tư phát triển, Vinamilk hiện đang quản lý 14 trang trại tại Việt Nam và 1 trang trại tại Lào, trong đó có 4 trang trại được xây dựng theo mô hình trang trại sinh thái Green Farm. Các trang trại đều được quản lý, vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế và đi đầu về thực hành phát triển bền vững. Vinamilk triển khai các chương trình mời người tiêu dùng đến tham quan trang trại, tìm hiểu quy trình chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa nguyên liệu chuẩn quốc tế. Hoạt động thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm.