Gia đình chị Lường Thị Du ở bản Cang Hợp, xã Phiêng Ban là một điển hình về hiệu quả từ đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Yên. Theo đó, tháng 10/2022, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Hiện tại, chị luôn duy trì nuôi 10 con bò, 3 con trâu và gần 20 con dê sinh sản. Nhờ việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia đình chị luôn có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống ngày càng cải thiện và tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.
Chị Lường Thị Du chia sẻ, trước đây cuộc sống gia đình chị còn nhiều khó khăn, nhận thấy mô hình chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình. Do đó, gia đình chị đã quyết định vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Yên để đầu tư mua trâu, bò, dê về nuôi sinh sản.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh nhất là vào thời điểm mùa Đông lạnh giá, gia đình chị cũng đã đầu tư trồng 1.000 m2 cỏ voi. Do đó vừa tiết kiệm được chi phí chăn nuôi và đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi của gia đình. Nhờ việc chăm sóc tốt, đàn gia súc của gia đình chị luôn sinh trưởng phát triển ổn định, cho thu nhập cao, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hiện đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 438 tỷ đồng, cho trên 8.000 hộ được vay vốn. Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Yên cho biết, chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đơn vị thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Cùng với đó là việc tổ chức giao dịch trực tiếp tại các xã, thị trấn. Nhờ đó, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất tới nhân dân. Từ đó, giúp người dân sử dụng hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định, nhiều hộ đã trở thành hộ khá, giàu.
Trong năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho tổng số 2.289 hộ gia đình được vay vốn; trong đó, có 836 hộ nghèo, 236 hộ cận nghèo, 28 hộ mới thoát nghèo, 348 hộ vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Tại huyện Mường La, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Từ nguồn vốn ưu đãi, đã giúp hàng nghìn hộ nông dân và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Mường La có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh. Hiện nay, toàn huyện còn trên 11.700 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ trên 517 tỷ đồng.
Chị Lèo Thị Phong ở bản Nang Phai, xã Mường Bú (huyện Mường La) chị chia sẻ: Gia đình được vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm, cùng số tiền tiết kiệm, gia đình chị đã đầu tư mua 2 cặp bò sinh sản, mua 3.000m2 đất nương để làm trang trại nuôi gà, lợn bản địa, trồng cỏ voi và chăm sóc hơn 1ha cây ăn quả. Từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi này, gia đình chị cũng đã có thu nhập cao và trở thành hộ giàu của bản, của xã. Theo chị Phong, mô hình của gia đình chị sẽ tiếp tục tăng thêm thu nhập trong thời gian tới.
Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn vay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La luôn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; quy trình, chế độ nghiệp vụ, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đúng mục đích. Thông qua các Tổ ủy thác cho vay vốn, các chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện dân chủ, công khai, tạo điều kiên thuận lợi cho những đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Ông Đào Trọng Dương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La cho hay: Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La không chỉ giải ngân cho vay vốn mà còn tư vấn, hỗ trợ các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, đơn vị cũng luôn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, các cơ quan chuyên môn phổ biến, hướng dẫn các hộ vay áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập.
Phát huy vai trò là một kênh tín dụng quan trọng, cùng với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành cầu nối đưa nguồn vôn tín dụng đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Sơn La. Qua đó, giúp họ có thêm điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.