Đắk Lắk: Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giúp đỡ người dân nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách tại tỉnh Đắk Lắk được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo…

Đây là kết quả thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 – 2030.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.

Krông Bông là huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 25 dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40% dân số. Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay. Đến tháng 8/2023, tổng dư nợ tín dụng của Phòng Giao dịch đạt hơn 589 tỷ đồng, với khoảng 13.000 người được tiếp cận các nguồn vốn, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông, với dân số hơn 15.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90% dân số. Vùng này đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,3% dân số. Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, địa phương đã quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, bình xét, lựa chọn các đối tượng. Sau hơn một năm triển khai, đến nay, đã có 128 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 28 với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Nghiệp, chương trình bước đầu đã cho hiệu quả thiết thực, được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều người dân. Chương trình đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện giúp họ xây dựng nhà ở, cải tạo đất đai, phát triển kinh tế tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đây là chương trình hết sức quan trọng trong việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở những xã khó khăn như Cư Pui, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Là một trong nhiều hộ được vay vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 50 triệu đồng, gia đình ông Lý Văn Sùng (sinh năm 1978, dân tộc Mông, tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã mua hai con bò để nuôi. Sau 5 tháng, bò lớn, ông đem bán lấy tiền để mua thêm bê con tiếp tục chăm sóc. Đến nay, ông đã phát triển đàn bò lên được bảy con. Ngoài nuôi bò, gia đình còn trồng thêm hai sào cỏ, cũng đủ trả lãi cho ngân hàng, nuôi con ăn học. 

Chú thích ảnh
Bà Giàng Thị Chợ (dân tộc Mông) tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng
để chuyển đổi giống cây trồng.

Năm 2022, bà Giàng Thị Chợ (sinh năm 1960, dân tộc Mông) tại thôn Ea Uôl, cũng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để chuyển đổi giống cây trồng. Hơn 1ha đất của gia đình trước đây được trồng cây khoai mỳ. Tuy nhiên, đất canh tác nhiều năm đã xói mòn, nên không mang lại hiệu quả. Nhờ nguồn vốn vay, bà đã đầu tư trồng khoảng 10.000 cây keo, hiện đang phát triển tốt.

Sau hơn một năm triển khai, đến giữa tháng 9/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân đạt hơn 58 tỷ đồng, với trên 1.070 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28. Trong đó, 96 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà ở; 54 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 924 trường hợp được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Qua đó, kịp thời giúp đỡ người dân nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp cho biết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân các chương trình cho vay đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng, hiệu quả, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích.

Thời gian tới, Ngân hàng đẩy nhanh tốc độ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, rà soát các đối tượng, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời để người dân tiếp cận nguồn vốn trong thời gần nhất.

Tin, ảnh: PV
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tặng 40.000 suất quà Tết cho đối tượng chính sách xã hội
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tặng 40.000 suất quà Tết cho đối tượng chính sách xã hội

Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chiều 3/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức gặp mặt, chúc Tết các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN