Phó Giáo sư -Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Tiến sỹ Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh nêu rõ, cách đây 10 năm, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong đó tập trung vào giải quyết các vấn đề thuộc hai nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Chính sách ưu đãi người có công được thực hiện toàn diện, đạt được mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được nhân dân ủng hộ, trở thành phong trào sâu rộng và thường xuyên từ Trung ương đến cơ sở.
Chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai hiệu quả. Mặc dù nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ được triển khai hiệu quả. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam ở tầm quốc gia thu được những kết quả tốt, được dư luận quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chính sách xã hội của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như còn nhiều chính sách chưa thực sự sát thực tiễn, chưa bao phủ hết đối tượng, nhất là khu vực phi chính thức; thiếu cơ chế phối hợp, kết nối các trụ cột chính sách cũng như thiếu cơ chế chính sách điều tiết hợp lý quan hệ lợi ích, điều hòa quan hệ xã hội, kiểm soát rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội…
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tạị, trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tình hình thực hiện chính sách xã hội nói riêng, Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng yêu cầu tiếp tục “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Quyết định của Ban Bí thư về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất, thời gian qua, 51 Ban đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã nghiêm túc, chủ động, tích cực triển khai tổng kết theo đúng yêu cầu, thời gian, có chất lượng và gửi báo cáo tổng kết về Cơ quan thường trực.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo, hội nghị, khảo sát thực tế phục vụ tổng kết, trong đó đã phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tạp chí Cộng sản nghiên cứu một số chuyên đề quan trọng, một số vấn đề xã hội mới, tổng kết các quan điểm về chính sách xã hội phục vụ đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức hàng chục hội thảo tập trung các chủ đề đánh giá thực trạng, nhận diện vấn đề mới và đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về chính sách xã hội cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan Trung ương và địa phương, Cơ quan Thường trực đã tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia cho ý kiến đánh giá về tình hình thực tiễn, các vấn đề cần quan tâm của các bộ, ngành và địa phương; các ý kiến đóng góp đối với dự thảo báo cáo làm cơ sở để Ban Chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện báo cáo, xác định các vấn đề trọng tâm cần triển khai thực hiện đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.