"Tín dụng chính sách là "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh đã khẳng định vấn đề này tại hội nghị "Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ", ngày 7/10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, 20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn Hưng Yên mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao hơn 180 tỷ đồng, đến nay, Hưng Yên đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách, bao gồm 4 chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Hiện tổng dư nợ đạt gần 3,4 nghìn tỷ đồng với gần 70 nghìn khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt gần 17%. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt trên 11 nghìn tỷ đồng với hơn 660 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận thuận lợi, kịp thời.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 86 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 55 nghìn lao động; gần 2,5 nghìn lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 52 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 400 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 3.000 ngôi nhà cho hộ nghèo; giúp hơn 700 hộ gia đình thu nhập thấp được vay vốn để thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa nhà để ở ổn định cuộc sống… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tập trung các nguồn lực để tổ chức, triển khai tích cực và hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải gắn các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với giảm nghèo bền vững, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong 20 năm qua phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tăng cường bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác; mở rộng đối tượng cho vay, tăng mức cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và bổ sung thêm nguồn lực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.