Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá cao kết quả triển khai tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn trong 20 năm qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, nâng tầm các chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong giai đoạn tiếp theo.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn Bến Tre tiếp tục quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Mặt khác, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách đã đạt phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Các nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thực sự khởi sắc; góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thông tin thêm, tuy còn là một tỉnh nghèo, nhưng hằng năm tỉnh đã cân đối ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương là 106,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 65,9 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố 32,4 tỷ đồng; nguồn chủ đầu tư khác 8,3 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, từ 124,7 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao khi mới thành lập với 3 chương trình tín dụng, đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 3.284,5 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với năm 2003. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 4,28% xuống còn 0,22%.
Trong 20 năm qua triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 45.000 lao động từ cho vay giải quyết việc làm; giúp gần 46.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 440.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng mới, mua 10.587 căn nhà ở xã hội; giúp 38 lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vay vốn để trả lương cho trên 5.000 lao động...