Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa... và một số chỉ tiêu cơ bản khác được quy định cụ thể trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Nghị định 28, các nội dung vay được quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ví dụ với việc cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, mức cho vay hỗ trợ đất sản xuất do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 77,5 triệu đồng/hộ. Mức cho vay chuyển đổi nghề do NHCSXH và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học sinh, sinh viên quy định trong từng thời kỳ.
Đại diện NHCSXH cho biết: Nguồn vốn vay sẽ được giải ngân đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch; rà soát để hướng dẫn nguyên tắc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn theo Nghị định 28 hoặc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất đối với khách hàng đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại NHCSXH.
Đối với nguồn vốn vay đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, các đối tượng vay vốn được quy định cụ thể như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý; dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc cụ thể hóa các quy định về chính sách cho vay sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng vay vốn. Điều này có thể góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo và cả hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn có thể thực hiện sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các quy định cụ thể cũng tập trung giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân sinh số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước cải thiện và nân cao điều kiện sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm chênh lệnh trong phát triển giữa các vùng…
Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý
NHNN cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Nghị định trong giai đoạn 2021 - 2025 theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định tại quy chế quản lý tài chính của NHCSXH.
Nguồn vốn cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện Nghị định trong giai đoạn 2022 - 2023 là nguồn 2 nghìn tỷ đồng, quy định tại tiết b điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15; giai đoạn sau năm 2023 được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Mục tiêu đến năm 2025 giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ dân tộc thiểu số.
Trong đó: + Giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ;
+ Giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ;
+ Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ;
+ Giải quyết sinh kế cho hơn 271.800 hộ;
+ Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 236.700 hộ;
+ Hỗ trợ xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 32.200 hộ thụ hưởng.