Liên kết để tạo thành quả
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mật độ sông và kênh rạch dày đặc, hệ sinh thái đất ngập nước với sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, rừng ngập nước nội địa (rừng tràm) lớn nhất ở Việt Nam. Đây cũng là vùng đất có sự đa dạng về văn hóa mà tiêu biểu là nghệ thuật dân gian gắn với đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh tiềm năng du lịch to lớn, đa dạng, ĐBSCL còn được Chính phủ xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong tương lai.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) và hệ thống cầu đường như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Đầm Cùng, cầu Cổ Chiên cùng tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương, dự án mở rộng QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ... đã phát huy hiệu quả, tạo thế mạnh và đồng bộ hóa đường không, đường thủy, đường bộ, góp phần phát triển du lịch vùng ĐBSCL.
Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Giai đoạn 2011 - 2015 ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho vùng 464 tỷ đồng (theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ) góp phần đầu tư nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh...; đồng thời thu hút được 23 dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng mức đầu tư 152 triệu USD trong năm 2015.
Từ kết quả đó, năm 2015, toàn vùng đã đón trên 25 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 19,4% so với năm 2014. Trong đó, một số tỉnh, thành đón lượng khách du lịch lớn như: An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang... Tổng thu từ du lịch năm 2015 đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu từ nguồn thu ăn uống. Về cơ sở lưu trú, cuối năm 2015 toàn vùng có 1.851 cơ sở, trong đó có 52 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, các dịch vụ lưu trú homestay được phát triển mạnh. Các điểm vui chơi giải trí, thể thao từng bước được đầu tư đa dạng, quy mô ngày càng lớn, góp phần đa dạng hóa các hoạt động cho khách du lịch. Số lượng lao động đang làm việc trực tiếp trong ngành du lịch tăng mạnh.
Bên cạnh đó, một “cú hích” quan trọng khác cho ngành du lịch vùng ĐBSCL là việc phê duyệt đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” xác định sản phẩm du lịch đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông” gắn với giá trị cảnh quan, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, ẩm thực Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo... của Bộ VHTT&DL vào năm 2015.
Đề án này đã xác định rõ những sản phẩm đặc thù phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch của vùng, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch vùng ĐBSCL. Từ đó nhiều mô hình hợp tác, liên kết du lịch chung đã được triển khai, nổi bật là 2 khu vực liên kết trong vùng gồm: liên kết giữa các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm (TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau với Bạc Liêu và Hậu Giang) - đây là các địa phương chiếm hơn 70% lượng du khách toàn vùng và liên kết giữa các tỉnh duyên hải phía Đông (tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) với nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Theo đó, tại cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm, từng địa phương xác định thế mạnh của mình để đầu tư đúng hướng nhằm nâng cao chất lượng du lịch. TP Cần Thơ đã xây dựng tour du lịch đường sông, di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển du lịch bền vững… Các tỉnh khác cũng khảo sát các điểm đến và đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với các sản phẩm du lịch đặc thù.
Hướng phát triển bền vững
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng thời gian qua, việc liên kết vùng được nhiều tỉnh, thành quan tâm. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành. Các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch.
Tuy nhiên ông Trần Hữu Hiệp cũng nhìn nhận những hoạt động nói trên vẫn chưa đủ để khai thác hết tiềm năng du lịch vùng vì yếu tố “liên kết” vẫn chưa thực sự chặt chẽ. “Các liên kết vừa qua mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền, thông qua kí kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau, là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lí nên hiệu quả chưa nhiều. Vấn đề quan trọng nữa là nội dung liên kết. Vì ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch với cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù”, ông Trần Hữu Hiệp cho biết.
Do vậy, phát triển du lịch vùng đến nay chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Nhìn chung, cách làm du lịch vẫn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Tình trạng kém hấp dẫn, không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng, các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn trong tương quan trong vùng và trong cả nước.
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh việc tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch thì việc xây dựng một cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch ĐBSCL để phát triển bền vững là vô cùng quan trọng, sẽ tạo nên bứt phá cho du lịch “đất chín Rồng”. Khi có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL, lĩnh vực du lịch sẽ thật sự phát triển hiệu quả bởi có sự phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững. Đồng thời, việc “chiếc áo pháp lý” cũng góp phần giải quyết những bất cập trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch cho vùng ĐBSCL.