Liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL

Kiên Giang phát triển du lịch biển đảo

Kiên Giang là địa phương có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư phát triển du lịch biển, đảo.

Kiên Giang có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ; trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên. Hệ thống đảo, quần đảo của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và những bãi tắm tuyệt đẹp cùng với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh. Bên cạnh tiềm năng du lịch, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch ven biển cũng không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.  

Phát huy lợi thế 

Tại Kiên Giang, số lượng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có chất lượng cao ngày càng nhiều. Các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống của Kiên Giang cũng được chú trọng khai thác, mang lại những thành công đối với du lịch Kiên Giang. Nước mắm, hồ tiêu, rượu sim, ngọc trai Phú Quốc; mỹ nghệ lục bình Gò Quao, Giồng Riềng; đồi mồi Hà Tiên… của Kiên Giang đã và đang trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường. 

Các em nhỏ người địa phương bắt cá ở mạch nước ngầm chảy trong hang động Sơn Trà, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Với những tiềm năng, lợi thế, ngành du lịch Kiên Giang đang phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, Kiên Giang đã ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Quảng bá xúc tiến du lịch; liên kết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện để thu hút du khách đến với Kiên Giang. Trong khai thác các tiềm năng phát triển hiệu quả các điểm du lịch, Kiên Giang đã xây dựng nhiều vùng du lịch trọng điểm, gồm Kiên Hải, Phú Quốc, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, TP. Rạch Giá và vùng U Minh Thượng. Riêng Phú Quốc đang có sức bật mới, nhiều công trình ưu tiên đầu tư mang tầm cỡ quốc gia như cảng hàng không quốc tế, điện cáp ngầm, cáp quang tốc độ cao; các đường bay thẳng quốc tế từ Phú Quốc tới Nga, Singapore, Siêm Riệp (Campuchia) và mới đây là đường bay thẳng từ Phú Quốc - Quảng Châu (Trung Quốc). 

Nhờ những chính sách ưu đãi du lịch, Kiên Giang ngày càng thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư du lịch, đặc biệt là các dự án đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp. Với những nỗ lực về đổi mới cơ chế chính sách và xúc tiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện đảo Phú Quốc đang trở thành tâm đểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Những năm qua, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Phú Quốc ngày tăng cao. Đó là nhờ có những dự án của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó phải kể đến Tập đoàn Vingroup, đầu tư quần thể khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đã thu hút lượng khách lớn đến. Đặc biệt, đường bay quốc tế Nga đến Phú Quốc bay rất đều, đang có chiều hướng gia tăng và một số đường bay hiện nay cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khu resort đầu tư mở rộng để nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo đáp ứng du khách ngày một tốt hơn. Sắp tới, khi Tập đoàn Sun Group đang trong giai đoạn kéo cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm cũng là động lực thu hút lượng lớn du khách đến với huyện đảo.  

Thúc đẩy du lịch phát triển 

Những kết quả ban đầu đã tạo nên một diện mạo mới cho du lịch tỉnh Kiên Giang nói chung và các địa phương trong tỉnh có biển, đảo nói riêng, thu hút lượng khách đến tham quan du lịch liên tục tăng qua các năm. 

Du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong ngành du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ. Đồng thời tạo lập được thương hiệu du lịch Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, đến nay, về kết cấu hạ tầng, đường giao thông, cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, hệ thống cấp thoát nước trên địa bàn huyện cơ bản đầu tư được hoàn thiện. Phú Quốc đang tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, như đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn trât tự cho du khách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…  

Thế nhưng, cái khó đối với các địa phương hiện nay là nguồn nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu lại vừa yếu. Do đó, thời gian tới Kiên Giang cần mở nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về ngành nghề du lịch. Bà Võ Ngọc Thứ, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Kiên Giang cho rằng, tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn. Hiện nay, đảo Phú Quốc đang phát triển cả về kinh tế - xã hội nên tập trung nhiều điểm nghỉ dưỡng, vì vậy tới đây, khách du lịch sẽ tập trung về Phú Quốc, trong tỉnh sẽ có nhiều khách sạn hạng sang, đòi hỏi đội ngũ phục vụ phải đáp ứng ngang tầm. Theo đó, Sở LĐ, TB&XH tập trung định hướng cho các trường nghề trong tỉnh mở các lớp dạy nghề ngành du lịch. Bên cạnh đó, kết hợp với các khách sạn, nhà hàng mở các lớp du lịch ngay tại cơ sở của họ để người lao động có tay nghề phục vụ tốt hơn cho du khách. 

Với quyết tâm đến năm 2020, đón trên 9 triệu lượt khách/năm và trở thành tỉnh mạnh về du lịch so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn du lịch, lấy Phú Quốc làm động lực để phát triển du lịch; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh gắn với thị trường khách du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh liên kết phát triển với các đơn vị du lịch trong khu vực và cả nước. Đồng thời, kêu gọi đầu tư thúc đẩy mạnh kết cấu hạ tầng, tạo nguồn nhân lực để lưu giữ khách du lịch đến với Kiên Giang.
Lê Sen
“Cú hích” cho du lịch toàn vùng
“Cú hích” cho du lịch toàn vùng

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững “ngành kinh tế không khói”, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần nỗ lực hơn nữa trong liên kết phát triển du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN