Nhận thức chưa đúng về “du lịch xanh”
Theo các chuyên gia, với đặc điểm và tiềm năng tài nguyên du lịch, các loại hình sản phẩm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên dựa trên lợi thế so sánh của vùng thì du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch của vùng ĐBSCL. Bởi đó là loại hình “du lịch xanh” điển hình, dựa trên lợi thế so sánh của lãnh thổ có diện tích đất ngập nước lớn nhất ở Việt Nam với sự đa dạng về các kiểu sinh cảnh. Nếu khai thác đúng và hiệu quả thì không chỉ đáp ứng được xu thế “cầu” về du lịch của khu vực và quốc tế mà còn là hướng tiếp cận phát triển bền vững, góp phần vào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.
Mong muốn là vậy và thực tế đã có định hướng cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL nói chung cũng như hoạt động phát triển “du lịch xanh” nói riêng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch vùng ĐBSCL. Nhưng việc phát triển “du lịch xanh” ở vùng ĐBSCL thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn.
Đông đảo khách du lịch đến tham quan và thắp nhang tại tượng Phật Di Lặc lớn trên đỉnh Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh Anh Giang). Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các loại hình sản phẩm “du lịch xanh” hiện nay còn thiếu những căn cứ khoa học cần thiết. Đặc biệt trong việc xác định “tính hấp dẫn, độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện” của tài nguyên du lịch lồng ghép với các dịch vụ, hoạt động “xanh”. Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng thiếu những sản phẩm du lịch “xanh” đặc thù ở cấp độ vùng và ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến với vùng ĐBSCL.
Dù nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết để phát triển thành sản phẩm “du lịch xanh” đặc thù của vùng song đã không được khai thác một cách hợp lý, thậm chí còn bị “biến dạng” bởi những “ý tưởng” thiếu căn cứ khoa học. Điển hình là du lịch Phú Quốc nơi cảnh quan tự nhiên - giá trị được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có sự “biến dạng” ở một số khu vực bởi sự phát triển của công trình nhân tạo, bởi sự thu hẹp không gian biển do mật độ xây dựng các công trình dịch vụ du lịch dày đặc... Điều này cũng cho thấy cách tạo ra những sản phẩm “du lịch sinh thái” - loại sản phẩm du lịch được xem là “xanh” điển hình ở vùng ĐBSCL của các nhà đầu tư hoàn toàn không đúng với bản chất của loại hình du lịch này. Từ đó làm thiếu, mất và thậm chí còn đi ngược lại những nội dung cốt lõi về giáo dục môi trường, “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn” và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng”. Điều này đã làm thất vọng đối với những gì mà khách du lịch sinh thái kỳ vọng ở du lịch vùng ĐBSCL.
Chọn hướng đi khoa học
Theo các chuyên gia, trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đã được xác định trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đề án về “Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020” và đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”, các địa phương trong vùng cần tổ chức xây dựng “chương trình hành động cụ thể” phát triển các sản phẩm “du lịch xanh” đặc thù cho từng địa phương và từng khu vực trên địa bàn vùng ĐBSCL.
Khách du lịch trên bãi biển Hòn Mấu (Nam Du, Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
“Những chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù của vùng. Khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở cấp địa phương và cấp vùng. Ở đây cần đặc biệt chú trọng đối với việc khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống, các tri thức bản địa”, PGS.TS Phạm Trung Lương kiến nghị.
Chương trình hành động ở từng cấp địa phương, vùng sẽ là một hướng dẫn cụ thể cho các nhà quản lý, nhà đầu tư đánh giá toàn diện về hệ thống các sản phẩm “du lịch xanh”, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù. Từ đó, trên cơ sở những hướng dẫn này mới có thể xây dựng được sản phẩm “du lịch xanh” đúng nghĩa vì sẽ định hướng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm “du lịch xanh” dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án đầu tư của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch. Do đó, nhiệm vụ nâng cao năng lực của đội ngũ này cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Thực tế cho thấy năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển “du lịch xanh” nói riêng ở vùng ĐBSCL còn rất hạn chế.
Cơ chế phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch hiện nay đã tạo điều kiện để các địa phương chủ động, đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm “du lịch xanh” nói riêng. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi năng lực thẩm định của các địa phương ở vùng ĐBSCL nhìn chung còn hạn chế, đòi hỏi cần có sự hợp tác liên kết, tham vấn với các cơ quan quản lý, tư vấn vùng và trung ương đối với những dự án phát triển “du lịch xanh”. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các địa phương nằm trên các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đã được xác định trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án “Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020”.