Liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL

Giải pháp phát triển bền vững

Tập trung đầu tư quảng bá xúc tiến, thu hút đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch, khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh… là những hành động thiết thực, mạnh mẽ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương để phát triển du lịch một cách bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thiếu tướng Trương Minh Khải, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 9: Phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh

Mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tiềm năng của du lịch đối với sự nghiệp phát triển đất nước, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị chiến lược của du lịch. Trước mắt tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân hiểu và chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền địa phương về phát triển du lịch. Qua đó đề ra các giải pháp để phát triển du lịch một cách bền vững, giúp các địa phương có cái nhìn tổng thể hơn trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; tạo sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. 

Tưng bừng lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang. Ảnh Công Mạo - TTXVN

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục cần hướng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì ở địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ ở các cơ quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở đó, tạo cho đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ giỏi về lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch mà còn quan tâm đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Việc tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thông qua các phương tiện thông đại chúng; chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành; các hoạt động: diễn đàn, thi tìm hiểu truyền thống, công tác dã ngoại, giao lưu kết nghĩa, tham quan, văn hóa, văn nghệ... tạo sự phong phú về nội dung, hình thức, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ đối với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh của ĐBSCL ngày càng vững mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường: Giải pháp đồng bộ giữa du lịch và môi trường

Trước hết cần xác định rằng du lịch và môi trường là hai vấn đề có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Một khi môi trường bị suy thoái, cạn kiệt hoặc ô nhiễm thì ngành du lịch cũng sẽ dần mất đi các cơ hội và tiềm năng phát triển của mình. Chính vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, các cơ quan chức năng ngành du lịch và các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Cụ thể là phải đề ra các cơ chế phối hợp liên ngành, đa ngành, chú trọng lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển du lịch, cũng như đưa mục tiêu phát triển du lịch như một mục tiêu trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; phối hợp hành động cần có sự tham gia của các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, quản lý tổng hợp khu vực đới bờ, nông nghiệp, quản lý các rừng ngập mặn....

Trước mắt, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động mạnh đến môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái nhạy cảm như các hệ sinh thái biển, đất ngập nước, khai thác du lịch ĐBSCL cần phối hợp với các địa phương sớm rà soát, đánh giá, khoanh vùng các điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hệ sinh thái nhạy cảm; các loài, nguồn gen cần ưu tiên bảo vệ của địa phương, từ đó đề ra các chương trình hành động cụ thể, kịp thời ngăn chặn suy thoái, ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái và các loài đang bị suy thoái.

Một số địa phương cần hướng tới mục tiêu phát triển du lịch đồng thời song song với bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển. Xây dựng các quy định cụ thể, nghiêm ngặt đối với nhà đầu tư trong các dự án phát triển du lịch trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại một số khu vực thuộc vùng có hệ sinh thái nhạy cảm. Triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định hướng dẫn chi tiết hóa đối với các điều khoản của luật này trong quá trình triển khai phát triển du lịch tại vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Ưu tiên đầu tư vào hạ tầng dịch vụ 

Lãnh đạo, chính quyền địa phương các tỉnh thuộc khu vực vùng ĐBSCL cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường không, đường bộ, đường biển và nâng cấp các cửa khẩu quốc tế tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch tại các khu vực trọng điểm. Lãnh đạo địa phương cùng lãnh đạo các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Cà Mau và Cảng hàng không Rạch Giá xây dựng các phương án thu hút các doanh nghiệp lữ hành mở các chuyến Charter (chuyến bay thuê bao của các hãng lữ hành, tiết kiệm cho du khách) đến các tỉnh có cảng hàng không nhằm sử dụng hết công suất hoạt động của các cảng hàng không này; đồng thời việc mở đường bay đến các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL còn mở ra cơ hội mới trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện các chính sách ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đầu tư vào việc phát triển kinh doanh du lịch tại khu vực ĐBSCL; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các dự án đầu tư và chủ động trong việc đề xuất phát triển, đơn giản hóa các thủ tục và tăng tính minh bạch trong các dự án đầu tư; đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các dự án khách sạn hay nhà hàng tại địa phương. Mặc dù hiện nay ĐBSCL là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn của du khách trong và ngoài nước nhưng tại các tỉnh có tuyến đường huyết mạch như Bạc Liêu, Sóc Trăng và đặc biệt là Hà Tiên thì lượng khách sạn phục vụ đạt chuẩn 3 - 4 sao chỉ khoảng 2 - 3 khách sạn, rất khó khăn trong công tác tổ chức và làm tour đến. Thêm vào đó, tại các địa phương chưa có các nhà hàng lớn để phục vụ các món ăn đặc trưng vùng miền cho khách du lịch, ngoại trừ Phú Quốc và Cần Thơ là hai địa điểm có chất lượng dịch vụ tốt nhất ĐBSCL.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt: Căn cứ vào nhu cầu của du khách

Hiện nay khách quốc tế đến ĐBSCL chủ yếu là khách đến từ các nước xứ lạnh và thường đi tour kết hợp các vùng khác hoặc Campuchia với ĐBSCL. Hay có thể nói ĐBSCL không phải là điểm đến chính của họ.

Theo đó, ngoại trừ khách đến Phú Quốc có nhu cầu nghỉ dưỡng ở khách sạn và khu du lịch cao cấp, thì khách đi trong đất liền chỉ chọn dịch vụ trung bình khá, thậm chí là dịch vụ căn bản (như khách ba lô). Nhu cần chính của họ là trải nghiệm về cảnh quan đồng bằng, sông nước và văn hóa bản địa. Vì vậy, việc xây dựng sản phẩm phải bám theo nhu cầu này. Trong đó dịch vụ homestay với các loại hình ở nhà dân theo các chủ đề khác nhau (nhà vườn, nhà thủ công, nhà bà con dân tộc thiểu số, nhà làm nghề thủy sản) nên được khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư cho các khu nghỉ dưỡng ven sông và trên sông (du thuyền), tour trải nghiệm nông nghiệp (câu cá, dỡ chà, đánh nơm, cắt lúa, cưỡi trâu, làm ruộng...).

Mặt khác, tour đường thủy nối với Campuchia có tiềm năng rất lớn nhưng cần có các cơ sở hậu cần (bến tàu, dịch vụ tàu biển) và chính sách thông thoáng ở cửa khầu thì mới phát triển được.

Ths.Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU: E-marketing - công cụ quảng bá hiệu quả

Những khảo sát của tổ chức “Google travel study” hàng năm cho thấy tỷ lệ sử dụng internet của khách du lịch ngày càng tăng. Khách du lịch sử dụng công cụ internet từ thời điểm đầu tiên khi họ cần lấy cảm hứng để đi du lịch, sau đó đến lập kế hoạch đi, đặt các dịch vụ du lịch, trải nghiệm trong khi đi du lịch và cả sau chuyến đi. 

Cụ thể, tại thời điểm năm 2014, có 65% khách đi nghỉ và 69% khách kết hợp kinh doanh đã sử dụng internet để tìm kiếm thông tin trước khi lựa chọn điểm đến và 74% khách đi nghỉ, 77% khách kết hợp kinh doanh đã sử dụng internet để lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Những con số thuyết phục trên cho thấy sử dụng internet là một công cụ hiệu quả để xúc tiến quảng bá du lịch. E-markeing cần được hiểu không chỉ đơn giản là quảng cáo trên internet, mà e-marketing là sự kết hợp các công cụ, có nhiều tương tác và nhiều người tham gia.q
N.Đ
“Cú hích” cho du lịch toàn vùng
“Cú hích” cho du lịch toàn vùng

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững “ngành kinh tế không khói”, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần nỗ lực hơn nữa trong liên kết phát triển du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN