Định hướng dư luận xã hội
Bác Đặng Xuân Định, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi biết đến Báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 2013, là cơ quan phát ngôn chân chính của Chính phủ, của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, trong đợt đưa tin về tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Tin tức đã có nhiều bài phân tích sâu về công lao của Đại tướng, những bài ghi nhận ý kiến của các cựu chiến binh tại TP Hồ Chí Minh khá sâu sắc. Báo Tin tức thường cập nhật tin tức khá nhanh chóng và giúp định hướng cho cán bộ Đảng viên, toàn dân hiểu được tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt hiểu được công tác đối ngoại của nhà nước ta với thế giới như thế nào. Nhiều thông tin đối nội, đối ngoại của Báo Tin tức khá nhạy bén và sắc sảo, đi vào những thông tin và quần chúng mong muốn, còn độc giả muốn hiểu được thế giới thì cũng chọn đọc qua Báo Tin tức".
Cũng theo bác Đặng Xuân Định, Báo Tin tức là một trong những công cụ quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng; đồng thời là cầu nối, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu thiết yếu của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đối với những cựu chiến binh như bác Định, mỗi khi nói đến tin tức là mọi người chọn thông tin trên Báo Tin tức. Đến nay, Báo Tin tức cũng đi được chặng đường 40 năm, cung cấp cho độc giả nhiều nguồn thông tin chính thống và bổ ích. Đáng trân trọng, các trang tin và mục của Báo Tin tức đều đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân và xã hội.
Sắp tới, để phát huy ưu thế, giữ vai trò chủ đạo và định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh “bùng nổ thông tin” trên internet và mạng xã hội hiện nay, bác Đặng Xuân Định cho rằng, Báo Tin tức cần tiếp tục phát huy thế mạnh đưa tin một cách chân thật, nhanh chóng, chính xác, kịp thời muôn mặt của đời sống xã hội; những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước và quốc tế, nhất là những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể dẫn đến “điểm nóng” xã hội. Đối với những vấn đề, sự kiện, hiện tượng phức tạp, nhạy cảm, chưa rõ bản chất, nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng thì Báo Tin tức không vội đưa tin dưới bất cứ hình thức nào, sẽ rất nguy hiểm. Vì nếu đưa tin thiếu chính xác, tờ báo sẽ đánh mất lòng tin công chún dù sau đó có đính chính.,
“Đối với phóng viên, khi xử lý thông tin cần thận trọng sàng lọc, phân tích, kiểm chứng nguồn tin để rồi phân loại, có cách xử lý thông tin phù hợp, mang tính thuyết phục hơn khi gửi đến độc giả. Điều quan trọng, Báo Tin tức cần tiếp tục tuân thủ sự lãnh đạo, định hướng tuyên truyền của Đảng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đúng với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, Báo Tin tức không nên sa đà vào những vụn vặt của đời sống xã hội, những vấn đề thuộc về riêng tư của con người; không chạy theo khuynh hướng giật gân, câu khách, câu view rẻ tiền, tránh sự thương mại hóa báo chí", bác Đặng Xuân Định nói.
Báo Tin tức đồng hành với người dân tộc
Ông Hứa Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 36%), trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, mang lại kết quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong đó, Báo Tin tức cũng đã có nhiều bài báo đồng hành và phản ánh được đời sống, tâm tư, nguyện vọng của của người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng. Cũng từ những bài báo này mà các cơ quan chính quyền, nhà quản lý đã nắm được các thông tin cụ thể để có thể điều chỉnh các chính sách, công tác hỗ trợ người dân tộc ở đây hiệu quả nhất.
"Đối với trang thông tin trên bản giấy của Báo Tin tức, phải nói rằng các bài báo đã phản ánh khá chi tiết về đời sống thực tế của một số dân tộc thiểu số ở các địa phương, trong đó có đời sống của người dân tộc tại Sóc Trăng. Cụ thể, từ các bài báo kinh tế của Báo Tin tức còn giúp người dân tộc nắm được các kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo… hiệu quả, bền vững", ông Hứa Trường Sơn chia sẻ.
“Tôi hy vọng sắp tới, báo Tin tức vẫn tiếp tục là người bạn đồng hành với bạn đọc, nhất là những người dân tộc thiểu số như Sóc Trăng. Chúng tôi mong muốn báo Tin tức sẽ có nhiều đổi mới về nội dung, trình bày để làm sao thu hút thêm nhiều người xem trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân tộc”, ông Hứa Trường Sơn nói.
Lan tỏa khí thế mới
Đối với TP Hồ Chí Minh, đại diện Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh cho biết, báo chí Thành phố nói chung và Báo Tin tức nói riêng đã và đang tiếp tục xây dựng các tuyến bài tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tổ chức nhiều loạt bài tuyên truyền việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Báo Tin tức đã nêu rõ vai trò của chính quyền Thành phố quyết tâm đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, góp phần tham gia sâu hơn vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho thành phố.
Về lâu dài, Ban Tuyên giáo thành phố hy vọng Báo Tin tức tiếp tục phát huy những kết quả nổi bật của mình, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh truyền thông, góp phần lan tỏa niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phát huy mọi nguồn lực xây dựng phát triển TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ, báo chí nói chung và báo Tin tức nói riêng cũng cần tận dụng ưu thế vươn lên để giữ vai trò, nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Những tờ báo chính thống cũng cần nhạy bén, thông tin nhanh, phản biện đúng và trúng, góp phần làm cho ý Ðảng, lòng dân ngày càng thấu cảm sâu sắc hơn về TP Hồ Chí Minh.