Mỹ tiếp tục điều chỉnh tăng trưởng GDP trong quý II

Theo báo cáo phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/9, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý II đã giảm 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên tục tăng, con số này cao hơn 0,3 điểm % so với dự toán trước đó vào cuối tháng 8. Đây là lần thứ 3 và cũng là lần cuối Bộ Thượng mại Mỹ điều chỉnh dự toán.

Chú thích ảnh
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Việc Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh con số dự toán, chủ yếu là do chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được điều chỉnh tăng, trong khi xuất khẩu và đầu tư cố định không liên quan đến nhà ở được điều chỉnh giảm. Việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II giảm đã phản ánh xu hướng đi xuống của PCE, xuất khẩu, đầu tư cố định, đầu tư hàng hóa tư nhân, trong khi chi tiêu của bang và chính quyền địa phương được bù đắp một phần nhờ tăng chi tiêu liên bang.

Trước đó, trong báo cáo đưa ra vào cuối tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ ước tính tăng trưởng GDP trong quý II đã giảm ở mức 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, GDP của Mỹ đã giảm ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hy vọng Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo ông, đến ngày 1/10, hai bên cần nắm rõ về khả năng đạt được sự đồng thuận. Ông khẳng định đang tiếp tục đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và bày tỏ lạc quan rằng hai bên sẽ đạt được nhất trí về những nhượng bộ phù hợp. Do đó, ông kêu gọi các hãng hàng không Mỹ tạm hoãn cho nghỉ việc hàng chục nghìn lao động từ ngày 1/10. Bộ trưởng Mnuchin dự định sẽ thảo luận với giám đốc các hãng hàng không trong ngày 30/9 về các cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Pelosi.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã đạt thỏa thuận cung cấp các khoản vay cho 7 hãng hàng không lớn của nước này, trong đó có American Airlines và United Airlines, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch tới thị trường việc làm trong nước. Các thỏa thuận mới đạt được bao gồm những điều khoản cụ thể như đảm bảo duy trì một số lượng việc làm nhất định và các mức lương tối đa thanh toán cho nhân viên. Bộ này cho biết số tiền cho vay ban đầu nêu trong các thỏa thuận có thể sẽ tăng lên sau khi một số hãng hàng không lớn quyết định không nhận trợ cấp. Các khoản vốn sẽ được tái cơ cấu với giới hạn 7,5 tỷ USD/một hãng vận tải hành khách, tương đương 30% trong tổng số 25 tỷ USD cứu trợ dành cho tất cả các hãng vận tải hành khách.

Từ tháng 3 vừa qua, các hãng hàng không Mỹ đã phải tạm ngừng khai thác nhiều đường bay hoặc hoãn tiếp nhận các đơn bàn giao máy bay đã đặt để hạn chế chi phí phát sinh trong bối cảnh đại dịch làm tê liệt ngành hàng không toàn cầu trong nhiều tháng. Khi nền kinh tế Mỹ dần mở cửa trở lại, các hãng hàng không cũng đang chật vật tìm lại nguồn khách vốn còn mang nặng tâm lý lo ngại dịch bệnh. Theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3, ngành vận tải hàng không nhận được gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD trên tổng số 2.200 tỷ USD ngân sách hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19.

Đặng Ánh (TTXVN)
Phân tách kinh tế với Mỹ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn 3,5%
Phân tách kinh tế với Mỹ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn 3,5%

Sự phân tách toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung sẽ gây hệ quả lớn đối với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc. Đó là nhận định của Bloomberg Economics.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN