Iran cho biết họ không có kế hoạch trả đũa sau khi máy bay không người lái (UAV), được cho là do Israel phóng, bị bắn hạ ở Isfahan.
Dù sao thì, vào lúc này, có vẻ như cả hai đối thủ đều đang ra hiệu rằng họ muốn chấm dứt vòng xoáy tấn công – trả đũa đáng lo ngại, đồng thời thiết lập lại một số rào chắn trong mối quan hệ đối địch gay gắt của họ, vốn đã đe dọa nhấn chìm Trung Đông trong một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Tấn công... giảm leo thang
Andreas Kreig, giảng viên cao cấp của Trường Nghiên cứu An ninh tại trường đại học King's College London, cho biết: “Nếu đây là mức độ trả đũa của Israel thì nó có thể được mô tả là một đòn tấn công giảm leo thang”.
Những báo cáo đầu tiên về vụ việc ở Isfahan từ truyền thông nhà nước Iran cho thấy đã có những vụ nổ và một số thiết bị bay không người lái xâm nhập. Trong khi đó, các đài truyền hình Mỹ dẫn lời các quan chức nước này cho biết tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm của Iran. Vài giờ sau, truyền hình nhà nước Iran đưa tin ba thiết bị bay không người lái đã bị bắn hạ.
Hệ thống phòng không của Iran đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao trong nhiều tuần qua, nhưng đặc biệt "căng" kể từ khi Israel tuyên bố sẽ trả đũa cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa chưa từng có của Iran vào đêm 13/4.
Đây là lần đầu tiên trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước, Iran tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel và quy mô của cuộc không kích – bao gồm hơn 300 máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo – đã khiến các nhà quan sát trong và ngoài nước ngạc nhiên. Nó khiến chính phủ Israel tuyên bố rằng cần phải có một số phản ứng tương xứng.
Chưa đầy hai tuần trước đó, tên lửa từ máy bay Israel đã phá hủy tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria, khiến 11 người thiệt mạng, trong đó có hai tướng chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Iran.
Những vụ nổ được ghi nhận vào ngày 19/4 gần căn cứ quân sự Iran ở Isfahan diễn ra vài ngày sau khi Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc không kích đêm 13/4. Nội các chiến tranh của Israel đã triệu tập nhiều lần kể từ đó, và mặc dù truyền thông Israel đưa tin về một số loại phản ứng đã được đưa ra, cuộc tấn công trên thực tế đã bị trì hoãn nhiều lần.
Nhiều người ở Israel tin rằng tình hình sẽ yên bình cho đến sau kỳ nghỉ lễ Passover (lễ Quá hải) của người Do Thái vào tuần tới, vì vậy cuộc tấn công Isfahan vào rạng sáng 19/4 là điều hơi bất ngờ.
Trở lại "cuộc chiến bóng tối"?
Một khía cạnh bất thường khác trong vụ việc ở Isfahan là quy mô của cuộc tấn công, mà các báo cáo cho thấy đến từ một số chiếc UAV, nhỏ hơn nhiều so với những gì Israel được cho là sẽ thực hiện.
Chuyên gia Krieg cho biết, đó có thể là một cách để Israel thực hiện lời đe dọa trả đũa mà không gây ra leo thang. Ông nhận xét: “Việc sử dụng các UAV nhỏ phát đi tín hiệu nó có thể giúp Iran hạ thấp tác động của cuộc tấn công”.
“Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng cuộc tấn công này đã đưa hai nước quay trở lại cuộc chiến tranh bóng tối đã diễn ra trong nhiều năm, nếu mức độ của nó là như vậy. Thông điệp của Iran chắc chắn cho thấy rằng họ không cần phải đáp trả cuộc tấn công này”, ông Krieg nói thêm.
Nếu đúng là vậy, điều đó sẽ khiến nhiều người ở Israel, Iran và xa hơn nữa cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng không phải là tất cả.
Itamar Ben-Gvir, một thành viên nội các và là nhà lãnh đạo cực hữu của một đảng Israel theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã đăng trên mạng X duy nhất một từ “Khập khiễng”. Ông Ben-Gvir trước đó đã thúc giục một phản ứng "nghiền nát" đối với Iran, trong khi các thành viên khác trong nội các chiến tranh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng nên thận trọng và kiềm chế hơn.
Bản thân Thủ tướng Netanyahu đã nói rất ít về các cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào đất nước ông cũng như cách ông dự định đáp trả chúng.
Alon Pinkas, cựu nhà ngoại giao và cố vấn chính sách đối ngoại của Israel, cho biết: “Ông Netanyahu cực kỳ không thích rủi ro, đặc biệt nếu ông ấy biết rằng vấn đề này có thể leo thang và đe dọa ông ấy về mặt chính trị”. Vị thủ tướng kỳ cựu, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, đã cố gắng giữ gìn mối quan hệ mong manh với các đảng cực hữu của Israel để duy trì quyền lực cho chính phủ của mình.
Nhiều người Israel cho rằng ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10. Theo chuyên gia Pinkas, Netanyahu phải đối mặt với nhiều nguy hiểm chính trị hơn nếu ông một lần nữa bị đổ lỗi vì đã lôi kéo và leo thang một cuộc xung đột khác với Iran.
Ông Pinkas nói: “Vì vậy, cuộc tấn công kiểu bóng bàn này – Iran tấn công Israel, Israel tấn công Iran – sẽ không cải thiện vị trí chính trị của ông ấy”.
Đến nay, chính phủ Israel vẫn chưa bình luận chính thức về vụ việc Isfahan và có thể sẽ không bao giờ làm điều đó. Israel trước đây được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Iran, tấn công các cơ sở hạt nhân và ám sát các nhà lãnh đạo quan trọng trong chương trình hạt nhân của nước này - nhưng họ chưa bao giờ thừa nhận vai trò của mình.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù sự cố Isfahan có thể cho thấy cả hai bên đang dần xuống thang khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, nhưng thời gian bình yên có thể chỉ là tạm thời.