“Sớm nở tối tàn”

V-League 2013 đã qua được 7 vòng đấu, nhưng cho tới giờ mọi chuyện vẫn rối bời. Tuy được gọi là giải đấu chuyên nghiệp, nhưng sự chưa chuyên nghiệp đã bộc lộ qua rất nhiều khâu, từ cách điều hành giải, tổ chức trận đấu, vấn đề trọng tài, đạo đức cầu thủ, cư xử của cổ động viên, chuyển nhượng cầu thủ… Nhưng có lẽ, sự thiếu chuyên nghiệp biểu hiện rõ nhất là phần lớn các CLB không kiếm được tiền từ bóng đá, không tự nuôi được mình từ bóng đá. Do vậy, rất nhiều CLB dù đã đăng ký dự giải, nhưng sẵn sàng bỏ cuộc chơi bất cứ lúc nào.

Nhiều người nhận xét, chưa khi nào bóng đá Việt Nam lại nhiều trục trặc như thời điểm này. Còn nhớ, khi mùa giải 2013 chưa khởi tranh, người ta tìm đủ cách để tháo chạy, đem đội bóng làm quà biếu, rao bán, bỏ rơi, hoặc thậm chí là dọa giải tán. Đơn vị điều hành giải, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung như quy định về cầu thủ ngoại, nhập tịch, vấn đề một ông chủ hai đội bóng, kiểm soát chi tiêu tài chính, phí chuyển nhượng, lương thưởng cho cầu thủ…

Không thể phủ nhận, bóng đá chuyên nghiệp trong hơn thập kỷ qua đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam, nhất là cho các đội tuyển quốc gia. Các đội tuyển trẻ đều có sự trưởng thành và lớn mạnh rõ rệt nhờ sự đóng góp của các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do sự phát triển thiếu căn cơ và quá nóng, thiếu kiểm soát, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xảy ra, dẫn tới kết quả mang lại chưa thật vững chắc, “sớm nở tối tàn”. Ai cũng hiểu rằng, cách làm bóng đá “ăn sổi” và tư duy “chiến lược mùa vụ”, không những không mang lại kết quả như mong đợi, mà còn khiến tương lai bóng đá nước nhà trở nên bất định.

Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các ông bầu, các chủ doanh nghiệp. Khi các ông bầu đầu tư vào bóng đá, họ có mục đích khác nhau, hoặc vì sự đam mê bóng đá, hoặc vì mong muốn quảng bá thương hiệu của công ty họ, hoặc coi đó là một thú tiêu khiển xa xỉ. Trong một bối cảnh như vậy, cũng dễ hiểu là các ông chủ khó có thể cống hiến tất cả cho bóng đá, chưa kể có những ông bầu thích thì chơi, chán thì bỏ, khi đạt được mục đích rồi thì tìm cách tháo lui...

Nói vậy, không phải bóng đá Việt Nam chỉ toàn màu ảm đạm, mà có rất nhiều những điểm sáng, những mô hình tốt cần được cổ vũ như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng… Đó là những đội được tổ chức tốt, được đầu tư căn cơ, phát triển bền vững với thương hiệu của mình cùng hệ thống đào tạo trẻ bài bản…


Hy vọng, sau cơn mưa trời lại sáng, cách làm bóng căn cơ rồi sẽ chiếm ưu thế khi những người điều hành bóng đá Việt Nam mạnh dạn “chữa trị”, loại bỏ những khuyết tật. Người hâm mộ chờ đợi, bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều cầu thủ trẻ thi đấu hơn. Các cầu thủ ra sân dù với mức lương khiêm tốn, nhưng lại thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì khán giả.

Yến Nhi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN