Trong một phát biểu đưa ra ngày 3/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào cầu Crimea là điều thật khó tin, nhưng lại đang được tiến hành một cách công khai cùng sự phô trương sức mạnh cũng như với sự hỗ trợ trực tiếp và không hề nao núng của phương Tây.
Theo bà Zakharova, những ngày qua, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng một số tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS vốn được Mỹ bí mật chuyển giao cách đây một tháng để tấn công vào Crimea, nhưng như thông tin từ Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, tất cả số tên lửa này đã bị phá hủy.
Bà Zakharova cho biết thêm sau lễ Phục sinh, Ukraine dự kiến sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên mà theo người Anh, loại máy bay này cũng có thể được sử dụng trong chiến dịch phá hủy cầu Crimea.
Bà Zakharova nhấn mạnh: “Tôi muốn cảnh báo Washington và Brussels rằng bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Crimea không chỉ thất bại mà còn phải đối mặt với một cuộc tấn công trả thù tàn khốc”.
Xem video người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, bà Maria Zakharova cảnh báo hậu quả của hành động gây hấn chống lại Crimea. Nguồn: Bộ Ngoại giao Liên bang Nga
Trước đó, Đặc phái viên Ukraine tại Liên hợp quốc, ông Sergey Kislitsa, đã đưa ra lời đe dọa đối với cầu Crimea, ngụ ý rằng công trình này sẽ không còn tồn tại vào cuối năm nay.
Theo đài RT (Nga), ông Kislitsa đã đưa ra lời đe dọa trên trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 1/5. Nhà ngoại giao Ukraine đã chia sẻ hình ảnh về “danh sách 6 loại cầu chính trong năm 2024”, trong đó phần gắn mác“Kerch” hiển thị một khoảng trống.
Các quan chức cấp cao ở Kiev cũng từng tuyên bố việc phá hủy cây cầu này là ưu tiên hàng đầu trong cuộc xung đột với Moskva, cho rằng đây là mục tiêu quân sự hợp pháp của nước này.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với truyền thông Đức rằng việc phá hủy cầu Crimea là điều mà “chúng tôi rất mong muốn”.
Một số quốc gia ủng hộ Kiev cũng có chung quan điểm với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga. Tuần trước, Đại sứ Litva tại Thụy Điển Linas Linkevicius đã đề xuất trên mạng xã hội rằng việc Mỹ cung cấp tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS sẽ dẫn đến việc phá hủy cầu Crimea. Nhà ngoại giao này kêu gọi mọi người hãy chụp ảnh selfie với công trình này khi còn có thể.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, lực lượng đặc nhiệm Kiev đã tổ chức hai cuộc tấn công lớn vào cây cầu Crimea. Nga cho biết cả 2 vụ tấn công đều khiến dân thường nước này thiệt mạng.
Để đáp trả cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 10/2022, Nga đã đưa mạng lưới điện Ukraine vào danh sách các mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp của nước này. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc các quan chức Ukraine công khai lên tiếng về kế hoạch tấn công cơ sở hạ tầng của Nga một lần nữa chứng minh rằng quyết định của Nga về việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là đúng đắn.
Giới chức Nga cũng cho rằng do thất bại trên chiến trường, Kiev đã leo thang các chiến dịch phá hoại và ném bom.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng bối cảnh thất bại ở tiền tuyến, Kiev đang thực hiện “các nỗ lực nhằm chiếm giữ các vùng lãnh thổ biên giới, tấn công vào các khu vực hòa bình, bao gồm cả hệ thống tên lửa phóng loạt, tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, nỗ lực tấn công tên lửa vào cầu Crimea và chính bán đảo này”.
Moskva đã hoàn thành công trình bắc qua eo biển Kerch vào năm 2020, nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở miền Nam nước Nga. Crimea đã bỏ phiếu sáp nhập nhập Nga vào năm 2014 sau cuộc đảo chính ở Kiev hồi đầu năm.