Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Nhà sử học Pierre Asselin (Đại học Hawaii Pacific, Mỹ), người có kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Một góc nhìn về chiến thắng "lẫy lừng năm châu" của quân và dân ta đã được Giáo sư Asselin chia sẻ.
Giáo sư đánh giá như thế nào về ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ? Vì sao người Pháp mắc sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá khả năng của Việt Minh?
Tôi cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động rất quan trọng ở Việt Nam cũng như trên trường quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân Pháp, là một bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam. Điện Biên Phủ cũng có những tác động to lớn bên ngoài Việt Nam, trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là đối với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khác, trong đó đáng chú ý nhất là ở Algeria. Người dân Algeria được truyền cảm hứng trực tiếp từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã chứng minh rằng phong trào giải phóng dân tộc có thể đánh bại quân đội hiện đại, không chỉ trong chiến tranh du kích, mà cả trong trận chiến lớn với pháo binh, máy bay, bom đạn.
Chúng ta thường nói người Pháp đã đánh giá thấp Việt Minh. Điều này chỉ đúng một phần. Không ai nghĩ rằng Việt Minh sẽ tiến hành trận Điện Biên Phủ theo cách đó. Người Pháp hiểu rõ Việt Minh có khả năng huy động lực lượng lớn giúp vận chuyển lương thực, súng đạn ra mặt trận. Nhưng Việt Minh đã làm được điều vô cùng kinh ngạc khiến người Pháp không thể lường trước.
Không ai nghĩ Tướng Giáp lại có pháo hạng nặng và quyết định không chỉ bố trí pháo trên các ngọn núi xung quanh mà còn giấu pháo trong lòng núi. Bởi vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ không hẳn từ việc người Pháp đánh giá thấp Việt Minh và Tướng Giáp, mà còn được quyết định bởi sự khéo léo, tháo vát, vận dụng mang tính cách mạng các biện pháp tác chiến khác nhau của Tướng Giáp và Việt Minh. Tôi nghĩ mọi người đều ngạc nhiên trước sự linh hoạt, sáng tạo của Việt Minh ở Điện Biên Phủ.
Trước trận Điện Biên Phủ, chưa bao giờ người dân thuộc địa có thể tạo ra một lực lượng quân đội như Việt Minh. Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là một đội quân rất chuyên nghiệp, đa sư đoàn. Nhưng trên thực tế, chiến thắng Điện Biên Phủ lại được quyết định từ một đội quân hoàn toàn khác. Tôi cho rằng, không ai trên thế giới có thể dự đoán Việt Minh sẽ chiến đấu theo cách họ đã làm, với những vũ khí họ có tại Điện Biên Phủ.
Theo Giáo sư, Mỹ đã dự định làm gì tại Điện Biên Phủ để cứu người Pháp? Chiến thắng trên chiến trường có tác động thế nào tới kết quả đàm phán kết thúc chiến tranh nhìn từ Hội nghị Geneva?
Thời điểm đó, Mỹ theo dõi rất sát tình hình Điện Biên Phủ, một phần vì người Pháp đang đánh ở Điện Biên Phủ nhưng Mỹ lại trả giá cho hầu hết mọi thứ. Mỹ ủng hộ lớn cho Pháp chủ yếu về mặt tài chính, kinh tế và vật chất.
Khi Pháp nhận thấy tình hình rất khó khăn, họ đã yêu cầu Mỹ can thiệp trực tiếp. Đặc biệt, Pháp còn đưa ra câu hỏi, liệu Mỹ có thể đánh bom các vị trí của Việt Minh ở Điện Biên Phủ hay không.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Dwight D.Eisenhower đã suy nghĩ rất nghiêm túc về việc can thiệp vào Điện Biên Phủ. Nhưng ông kết luận rằng, nếu Mỹ can thiệp Điện Biên Phủ thì không thể can thiệp một mình mà các nước khác cũng phải ủng hộ Pháp.
Eisenhower đặc biệt mong muốn sự hậu thuẫn của nước Anh. Nếu Mỹ can dự vào Việt Nam, cùng với Pháp và Anh và có thể cả Tây Đức nữa, thì lại khác. Chính quyền Mỹ lúc bấy giờ sẽ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Nhưng cuối cùng, Anh tuyên bố không muốn dính líu đến cuộc chiến tại Việt Nam và điều đó đã giết chết kế hoạch trực tiếp hỗ trợ Pháp của Mỹ. Không có sự hỗ trợ và tham gia của Anh, Eisenhower từ chối can thiệp vào Việt Nam.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nước Pháp chấn động nhưng vẫn chưa bị đánh bại. Điện Biên Phủ chỉ là một trận chiến chứ không phải là một cuộc chiến tranh. Trên thực tế, sau Điện Biên Phủ, Việt Minh rất hùng mạnh.
Ở miền Bắc Việt Nam, người Pháp rất yếu, nhưng tại Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam và các địa phương như Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, người Pháp vẫn rất mạnh. Vì vậy, ban đầu, người Pháp nghĩ có lẽ họ có thể tiếp tục chiến đấu và thực tế là sau Điện Biên Phủ, người Pháp sẽ đưa thêm quân từ châu Âu vào Việt Nam.
Thời điểm này, Pháp muốn Mỹ hành động nhiều hơn. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi, Mỹ quyết định không thể giúp Pháp trong cũng như sau trận chiến, mặc dù họ vẫn gây áp lực buộc Pháp phải tiếp tục chiến đấu và không đàm phán. Tuy nhiên, không có thêm sự hỗ trợ từ Mỹ, Pháp quyết định đàm phán Geneva là giải pháp duy nhất cho vấn đề của họ ở Việt Nam và Đông Dương.
Tôi cho rằng trận Điện Biên Phủ có ảnh hưởng lớn nhất đến đàm phán Geneva. Nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ mà chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể ký kết Hiệp định Geneva.
Giáo sư đánh giá thế nào về chiến lược của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và vai trò lãnh đạo của hai bên trong quá trình diễn ra chiến dịch này?
Tôi cho rằng đó là một chiến lược tuyệt vời, mang lại chiến thắng rõ ràng cho Việt Nam. Tướng Giáp là một thiên tài, đặc biệt là tại Điện Biên Phủ, ông đã khẳng định được mình.
Với cá nhân tôi, phẩm chất tốt nhất của Tướng Giáp ở Điện Biên Phủ là sự linh hoạt. Chẳng hạn, lúc đầu, Tướng Giáp muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” để giành thắng lợi trong thời gian ngắn. Nhưng sau đó, ông nhanh chóng nhận ra đây là hướng tiếp cận chưa chuẩn xác và quyết định thay đổi chiến lược “đánh chắc, tiến chắc”, bởi trước trận chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Tướng Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Giờ đây ở Việt Nam, các bạn nói về "ngoại giao cây tre". Tôi nghĩ rằng Tướng Giáp đã triển khai chiến lược cây tre khi có khả năng thích nghi với mọi tình huống.
Về phía bên kia, tôi cho rằng người Pháp không có khả năng điều chỉnh sau khi trận chiến bắt đầu. Người Pháp tin rằng họ có thể tiêu diệt Việt Minh bằng pháo binh. Kế hoạch của Pháp phụ thuộc vào việc kiểm soát Việt Minh từ trên núi đến, khi lộ diện có thể bị tiêu diệt bằng hỏa lực.
Người Pháp ở Điện Biên Phủ đã có đôi chút kiêu ngạo khi đánh giá thấp khả năng của Việt Minh. Và khi họ nhận ra thì không thể xử lý tình huống được.
Một vấn đề lớn nữa đối với Pháp, quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ rất đa dạng, từ khắp nơi trên thế giới, châu Phi, Đức, Pháp, mỗi người chiến đấu vì những lý do khác nhau. Đến lúc phải điều chỉnh, họ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là một lỗ hổng lớn.
Trong khi đó, quân đội Việt Minh là một lực lượng đoàn kết, tập hợp được sức mạnh, cùng với sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp, có thể thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi trong trận chiến. Chiến lược của Pháp cố định, cứng nhắc; trong khi đó chiến lược của Việt Minh lại linh hoạt, mềm dẻo. Điều này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn trong kết quả cuối cùng của trận chiến.
Chúng ta rút ra được bài học gì từ chiến thắng Điện Biên Phủ? Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ, Việt Nam đã thực hiện những bài học này như thế nào, thưa Giáo sư?
Điện Biên Phủ dạy cho chúng ta nhiều bài học. Với người dân Việt Nam ngày nay, Điện Biên Phủ thể hiện tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc, cùng nhau hành động để giải phóng dân tộc, giành độc lập. Với tư cách là một nhà sử học, tôi cho rằng, một trong những bài học lớn của Điện Biên Phủ là tầm quan trọng của đồng minh, của việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nước.
Việt Minh rất dũng cảm, những người ủng hộ Việt Minh rất dũng cảm. Việc xây dựng liên minh đối với một nước nhỏ như Việt Nam là rất quan trọng. Đó cũng là lý do khiến Việt Nam đánh bại được hai cường quốc trên thế giới.
Với sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ bạn bè đồng chí khắp nơi trên thế giới, thì hầu như mọi chuyện đều có thể thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức được điều này nên sau Điện Biên Phủ, Người đã đi công du nhiều nước. Người thừa nhận rằng, Việt Minh đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ nhưng để củng cố thắng lợi này và cuối cùng giành được độc lập hoàn toàn, Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nước khác trên thế giới. Giờ đây, tôi thấy thật thú vị khi Việt Nam đã trở thành một ví dụ về khả năng xây dựng hòa bình.
Tôi luôn ngưỡng mộ Việt Nam vì đất nước các bạn luôn có ý thức trân trọng lịch sử. Việt Nam luôn tổ chức các ngày kỷ niệm, là dịp nhắc nhở quan trọng về vai trò của lịch sử trong hiện tại. Xa hơn thế, tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử để giúp thế hệ trẻ, những người nước ngoài yêu Việt Nam, các nhà nghiên cứu sử học như tôi hiểu rõ hơn về Việt Nam thông qua kiến thức, góc nhìn của người Việt.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Pierre Asselin!.