Giữa những âm vang hùng tráng của lịch sử, có những người không cầm súng nhưng lại đứng nơi tuyến đầu với chiếc máy quay làm vũ khí, ánh nhìn làm “kim chỉ nam” và đôi chân không biết mỏi rong ruổi theo bước quân giải phóng. Trong những giờ khắc thiêng liêng nhất của dân tộc, khi xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, khi lá cờ 3 sọc bị nghiến nát dưới bánh xe tăng, có một người đã âm thầm bấm máy, khắc họa lại một thời khắc không thể nào quên: Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng, người “chép hình” lịch sử.
Video chia sẻ của Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng:
Đi qua muôn vàn cuộc chiến, chiếc máy quay gắn chặt bên vai, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng hôm nay vẫn giữ nguyên vẹn chất lính trong từng câu nói, từng ánh nhìn. Giọng ông hào sảng, sôi nổi, đầy nhiệt huyết như tiếng quân hành năm nào khi kể về một thời “hoa lửa” đã qua. Với ông, những thước phim ấy không chỉ là tư liệu, mà là linh hồn của một thời đại. Ông say sưa trò chuyện, chia sẻ với phóng viên về những ngày tháng tác nghiệp chiến trường, những câu chuyện phía sau những thước phim “vô giá” và cả kỷ niệm của những người chiến sĩ kiên cường, anh dũng đi qua “mưa bom, bão đạn” mà ông có duyên gặp gỡ…
“Tôi vẫn nhớ năm 1975, cả Đài Tiếng nói Việt Nam có 3 đoàn phóng viên, biên tập viên vào miền Nam như: Bà Tố Uyên và ông Huỳnh Văn Tiểng, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam vừa mới cưới thì lên xe đi vào Nam quay, xem đó là tuần trăng mật của mình. Khi đi, chúng tôi đi mà không biết ngày về, cũng chẳng biết sống chết thế nào nhưng ai cũng tự hào mình là “con cháu Cụ Hồ”, quyết tâm lên đường… Chúng tôi đi ngày đi đêm, quân giặc đánh phá các cây cầu nên phải đi vòng dưới vực, lấy đá chèn để xe vượt lên. Bom đạn ác liệt, đói, khổ, không có nhà ở, hàng quán trên mặt đất, chúng tôi phải ngủ hầm. Đoàn có nhiều biên tập, quay phim lại ít, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại hình ảnh, sự thật”.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng và người bạn trân quý Lê Tiến Hùng gặp gỡ, cùng ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Với đạo diễn những năm tháng đó thật đáng nhớ, quần áo có thể ướt nhưng máy quay luôn đeo bên mình, giữ khô ráo. Nếu máy bị ướt, hỏng, khi vào miền Nam sẽ không có phương tiện để quay và “chuyến đi trở nên vô nghĩa”.
“Những năm tháng đó, chiến trường ác liệt, nhưng Bộ đội đi đến đâu, những phóng viên chiến trường chúng tôi theo sát đến đó. Chết thì ai cũng sợ nhưng vẫn phải đi để hôm nay có được độc lập tự do cho đất nước. Tôi đã nghĩ, lúc đó có thể chết đấy nhưng cũng có thể sống để tự hào rằng mình đã góp một phần nho nhỏ vào chiến thắng”, Đạo diễn Phạm Việt Tùng nói.
Khi tìm đến Dinh Độc Lập, vì không quen thuộc đường ở Sài Gòn, ông đã nhờ những sinh viên chở mình đi và chi trả xăng xe. Trên đường, trong đầu không khỏi băn khoăn, trăn trở: Nên quay những thước phim như thế nào để ghi dấu ấn, cũng như lột tả được trọn vẹn khung cảnh lịch sử…, vừa kể, ông đan cài những mẩu chuyện đùa, tếu táo.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng tác nghiệp từ Bắc vào Nam.
Giây phút chứng kiến hàng loạt người dân ném cờ 3 sọc của Ngụy quyền và xe tăng của ta nghiến lên, ông đã nhanh chóng quay lại. Ông cho rằng, đó là những thước phim sáng tạo, mới mẻ biểu thị một chế độ đã sụp đổ. “Chúng ta không thể ‘đóng đinh’ một suy nghĩ, phải không ngừng sáng tạo trong các thước phim… Đây cũng là thước phim đầu tiên tôi quay về ngày đầu giải phóng 30/4/1975. Lúc đó, để quay được những thước phim có màu rất khó và đắt tiền. Tuy nhiên, tôi được tài trợ để quay và đến bây giờ những thước phim có màu đó vẫn rất đẹp, không bị bạc màu”, đạo diễn Phạm Việt Tùng nói.
Khi đến Dinh Độc lập, đạo diễn Phạm Việt Tùng cảm nhận sâu sắc nhất sự khác biệt giữa bên ngoài và bên trong Dinh. Bên trong yên ắng bao nhiêu, bên ngoài người dân Sài Gòn hớn hở, ùa ra đường, vừa vì tò mò muốn xem gương mặt của những anh bộ đội, vừa muốn kiếm tìm những hình bóng quen thuộc của người thân…
“Lúc đấy, tôi không nghĩ nhiều cho bản thân mình, chỉ nghĩ hết chiến tranh thì đất nước, người dân sẽ sống hòa thuận với nhau như thế nào. Dù còn những đau thương, mất mát nhưng cuối cùng, dân tộc ta vẫn cùng chung một niềm vui chiến thắng… Tôi vinh dự được chứng kiến sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối", đạo diễn Phạm Việt Tùng tự hào kể.
Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng thời trẻ (trái) cùng đồng đội chụp ảnh kỷ niệm,
Sau những thước phim lịch sử ngày giải phóng, xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, có một “cánh cổng” khác phải mất gần một phần tư thế kỷ mới được mở ra, đó là cánh cổng của sự thật. Trong bộ phim “Chuyện thật 30/4/1975”, đạo diễn Phạm Việt Tùng đã không ngần ngại bóc trần những “lớp bụi mù mịt” của lịch sử…, trả lại “đúng tên” cho ông Bùi Văn Tùng, người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.
Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng cho biết ông không làm phim để gây xôn xao, mà để thức tỉnh. Vì ông hiểu: Lịch sử không chỉ là thứ để tự hào, mà còn là tấm gương soi vào lương tri mỗi con người. Bởi ngay những ngày đầu giải phóng, ông Bùi Văn Tùng từng được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vinh danh có những đóng góp to lớn góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh. Thế nhưng 10 năm sau, có người tự nhận chính mình đã soạn thảo bản thảo nói trên cho ông Dương Văn Minh, bỏ qua hoàn toàn vai trò của ông Bùi Văn Tùng, thậm chí phủ nhận việc ông Tùng có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng thời điểm lịch sử bàn giao cho phía quân giải phóng.
Suốt 25 năm ròng rã, đạo diễn Phạm Việt Tùng theo đuổi các nhân vật chính, phỏng vấn các nhân chứng quan trọng của chính quyền hai bên theo lời gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… “Tháng 7/2020, theo gợi ý của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều đồng nghiệp, tôi tập hợp các tư liệu có sẵn để dựng phim “Chuyện thật 30/4/1975” và trình chiếu phim cho chiến hữu và bạn bè, đồng nghiệp, như một công bố thiết thực cho việc đã đến lúc trao cho ông Bùi Văn Tùng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang… Tôi sợ rằng nếu không xác định chính xác thì thế hệ chúng tôi già và chết đi, thế hệ trẻ sẽ không hiểu được chính xác. Dân tộc mình vốn anh hùng và cuộc sống bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Nếu không nói, các cháu lại không hiểu hết những góc khuất lịch sử”, đạo diễn Phạm Việt Tùng nói.
Ông Lê Tiến Hùng cùng vợ hạnh phúc sau ngày giải phóng.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, đạo diễn Phạm Việt Tùng cũng dành nhiều thời gian trò chuyện, gặp gỡ những người đồng nghiệp, những người lính trở về từ chiến trường xưa, sau ngày giải phóng. Ông mừng rỡ giới thiệu với phóng viên, người chiến sĩ Lê Tiến Hùng, người ông trân quý. Khi gần tiến vào Dinh Độc Lập, xe tăng của ông Lê Tiến Hùng bị trúng đạn pháo, khiến ông bị thương nặng. Trong giây phút đó, ông Lê Tiến Hùng phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng người đồng đội hy sinh tên Hải, thân xác không trọn vẹn, cùng sự xót xa, “ám ảnh” người chiến sĩ đến tận sau này.
Sau khi được cứu và điều trị, người chiến sĩ Lê Tiến Hùng đã mất nhiều tháng mới hồi phục, nhiều năm sau đó, ông Hùng vẫn luôn nhớ về những người bạn đồng đội hy sinh trong cuộc chiến. Ông muốn tìm hiểu thêm về số phận, thông tin của Hải, muốn được thắp nén nhang tưởng nhớ người đồng đội đã hy sinh… Dù không ít lần lắng nghe câu chuyện của ông Lê Tiến Hùng, song vị đạo diễn vẫn xúc động, trăn trở, suy tư: Làm thế nào để giúp ông Hùng tìm lại người đồng đội đã mất năm nào?...
Bên cạnh đó, đạo diễn Phạm Việt Tùng cũng được biết đến là người quay lại khoảnh khắc máy bay B52 của Mỹ bốc cháy rực trời Hà Nội, bên cột Truyền hình 58 Quán Sứ năm 1972. Khi được hỏi về những thước phim quý giá này, ông cười, giọng vang lên đầy hào sảng, từng ký ức ùa về, như mới diễn ra hôm qua. Ông cho biết, việc ghi hình bằng phim nhựa vào thời điểm đó rất khó khăn, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng về độ nhạy, độ dài phim, điều kiện ánh sáng... Nhiều lần các phóng viên gặp phải những sự cố như phim bị lỗi, máy quay không hoạt động tốt, ảnh hưởng đến chất lượng và tính liên tục của các thước phim. Lúc bấy giờ, các phóng viên phải sống và làm việc giữa những oanh tạc, pháo kích, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Họ phải ăn uống, nghỉ ngơi trong điều kiện rất khó khăn, thậm chí đói khát, thiếu nước, nhiều người đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Hồi đó thủ trưởng của chúng tôi không cho đi quay đâu, vì máy bay bắn phá dữ dội, còi báo động nữa, nhưng tôi trốn đi, leo lên mái nhà của Khách sạn Hòa Bình (TP Hà Nội) bây giờ để quay ‘bằng mọi giá’... Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn cố gắng ghi lại được những khoảnh khắc quan trọng như việc bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Những thước phim này trở thành những tư liệu quý giá, góp phần ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam…”, đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.
Lịch sử là những trang sách thiêng liêng, nhưng để có được những trang sách đó, cần những người dũng cảm biến máy quay thành cây bút, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để ghi lại những thước phim quý giá. Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã chọn con đường như thế, con đường đi giữa tiếng bom rơi, lửa đạn, để ghi lại chân thực những thước phim lịch sử, những trận chiến đấu anh dũng của quân và dân ta…