Các nghệ sĩ biểu diễn với chiếc khăn rằn trên sân khấu tối 30/4.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc khăn rằn Nam Bộ, biểu tượng văn hóa đặc trưng và thiêng liêng của người dân phương Nam, chương trình không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật mà còn là lời tri ân quá khứ, khẳng định bản sắc văn hóa trong đời sống hiện đại.
Qua nhiều thế hệ, chiếc khăn rằn luôn gắn liền với tinh thần kiên cường, bất khuất và ngày nay được nâng tầm như một biểu tượng giàu tính nhân văn, nối liền truyền thống với hiện đại, lòng tự hào với sáng tạo.
"Vũ hội khăn rằn” là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và trình diễn công nghệ “Sắc màu Thành phố Bác”.
Chia sẻ về chương trình, đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt, Tổng đạo diễn chuỗi hoạt động Lễ hội "Sắc màu Thành phố Bác" cho biết: “Vũ hội khăn rằn là một tác phẩm dân vũ mang âm hưởng dân gian kết hợp với nhịp điệu hiện đại, như hơi thở kiêu hãnh và tình yêu tha thiết của người dân phương Nam với quê hương, đất nước”.
Ông kỳ vọng tác phẩm sẽ tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, trở thành một màn biểu diễn dân vũ đặc trưng đại diện cho văn hóa Nam Bộ, hiện diện trong các sinh hoạt văn hóa và giao lưu quốc tế.
Các nghệ sĩ biểu diễn nhịp nhàng trên sân khấu tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1.
Điểm nhấn nghệ thuật của chương trình là ca khúc chủ đề “Vũ hội khăn rằn - Dáng hình quê hương”, do nhạc sĩ Quỳnh Xuân viết lời trên nền điệu Lý bông dừa, được NSƯT Võ Thanh Liêm phối khí và ca sĩ Bích Phượng thể hiện.
Nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Đức Trí, Tiến Đạt, Dương Khắc Linh, Minh Vy cùng các biên đạo múa Trần Tuấn, Đoan Trinh đang tiếp tục sáng tạo, phối khí, dàn dựng để đa dạng hóa sắc thái nghệ thuật cho tác phẩm.
Biễu diễn Lân Sư Rồng trên sân khấu lễ hội.
Ngoài chương trình chính tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, “Vũ hội khăn rằn” còn được đồng diễn tại nhiều điểm như trước trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và công viên Bến Bạch Đằng.