Thành phố Hồ Chí Minh: Đà tăng của các dịch bệnh có xu hướng giảm chậm

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đà tăng của các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đã giảm hàng tuần nhưng số ca bệnh vẫn ở mức cao hơn rất nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, từ đầu năm đến cuối tháng 2/2019, thành phố ghi nhận 8.480 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện, tăng 264% so với cùng kỳ năm 2018; trung bình mỗi tuần có khoảng 800 ca bệnh nhập viện. Bệnh sởi có số ca bệnh đang ở mức cao. Nếu như 2 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố chỉ ghi nhận hai ca bệnh, 2 tháng đầu năm 2019 lên đến 1.206 ca bệnh. Trong khi đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có 368 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm 2018.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đà tăng của các dịch bệnh đang có xu hướng giảm nhưng giảm chậm. Điển hình như bệnh sốt xuất huyết, trung bình 4 tuần trước có đến 880 ca bệnh/tuần, cuối tháng 2/2019 chỉ còn 570 ca bệnh/tuần. Cùng với đó, số ca bệnh sởi cũng từ gần 200 ca/tuần xuống còn khoảng 130 ca bệnh/tuần. Điều đáng mừng là các con số đang có xu hướng giảm xuống trong những ngày gần đây.

Hiện nay, bệnh sởi được xem là mối nguy tiềm ẩn bởi tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trong cộng đồng vẫn còn thấp. Khảo sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho thấy, 95% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng phòng ngừa, 50% bệnh nhân mắc sởi trong độ tuổi từ 18 tháng đến 10 tuổi. Đặc biệt, 14% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vắc-xin sởi) do không nhận được kháng thể từ mẹ. Ngoài ra, bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn ghi nhận cả người lớn cũng mắc sởi. Điều này chứng tỏ, tỷ lệ người dân được tiêm ngừa vắc- xin sởi và có miễn dịch với bệnh sởi trong cộng đồng rất thấp, nguy cơ lây lan bệnh càng cao.

Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân (kể cả người lớn và trẻ em) cần chủ động tiêm phòng vắc-xin sởi. Đối với bệnh sốt xuất huyết, người dân cần diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt. Đối với bệnh tay chân miệng, người dân cần giữ vệ sinh, rửa tay sạch bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Cả 3 bệnh này đều có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên khi có dấu hiệu bệnh trở nặng cần đưa đến các cơ sở y tế nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Chỉ 76%  trẻ em tiêm phòng vắc-xin sởi
TP Hồ Chí Minh: Chỉ 76%  trẻ em tiêm phòng vắc-xin sởi

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng độ bao phủ vắc-xin sởi trong cộng đồng nhưng TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 76,2% trẻ em được tiêm phòng đủ 2 mũi sởi, trong khi đó yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 90% trở lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN