Ngày 20/11, một phái đoàn gồm các nhà ngoại giao hàng đầu của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn các quốc gia Arab (LAS) đã tới Bắc Kinh để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của các phái đoàn trên trong chuyến công du một số nước sau hội nghị thượng đỉnh của họ hôm 11/11. Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng phái đoàn sẽ đến Moskva để hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, ông Sergey Lavrov vào cuối ngày 21/11.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong chuyến thăm, Trung Quốc trao đổi và phối hợp sâu sắc với phái đoàn chung gồm ngoại trưởng các nước Arab và Hồi giáo nhằm thúc đẩy giảm leo thang cuộc xung đột Israel - Hamas, bảo vệ thường dân và giải quyết công bằng vấn đề Palestine.
Andrey Zeltyn, Giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu châu Á, Trường Kinh tế Cao cấp Moskva (Nga) cho rằng việc Trung Quốc được mời làm trung gian hòa giải ở Trung Đông không phải là điều ngạc nhiên. Bắc Kinh đã có một số kinh nghiệm trong việc giải quyết bất đồng giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng 3 năm nay, vì vậy các nước trong khu vực đang tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc trong bối cảnh họ không hài lòng với chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Zeltyn lưu ý trên thực tế Trung Quốc không có quá nhiều đòn bẩy để tác động đến tình hình ở Gaza. Chuyên gia này nêu rõ sự leo thang đã đi quá xa và Israel, quốc gia đang tham gia vào một chiến dịch quân sự lớn, khó có thể rút lui. Ông Zeltyn nói với tờ Vedomosti (Nga) rằng Bắc Kinh sẽ khó tác động đến Tel Aviv vì Mỹ mới là nước có ảnh hưởng chính.
Về phần mình, Alexander Lomanov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định Trung Quốc có quan hệ kinh tế với Israel nên việc mong đợi Trung Quốc đứng về phía Palestine sẽ là không thực tế.
Trong khi đó, Alexander Lukin, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói: "Trung Quốc có những lợi ích kinh tế lớn ở Trung Đông, bao gồm nhập khẩu dầu và thúc đẩy đầu tư. Do đó, Trung Quốc đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình, vì xung đột quân sự gây tổn hại cho Bắc Kinh".
Theo ông Lukin, ngoài ra còn có một khía cạnh chính trị nữa: Trung Quốc đang tự coi mình là nhà lãnh đạo của "Nam toàn cầu" (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) trong khi Mỹ, nhà lãnh đạo tự xưng của thế giới tự do, ủng hộ Israel và là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc. Chuyên gia Lukin nhấn mạnh rằng trong khi Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Israel, các nước Arab có "sức nặng" hơn nhiều trong mắt Bắc Kinh so với Israel.
Phái đoàn ngoại trưởng các nước Arab và Hồi giao trên đã đến thăm Trung Quốc trong 2 ngày (từ ngày 20-21/11), gồm Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al-Saud, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri và Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Hissein Brahim Taha.
Xung đột Israel - Hamas hiện nay đã kéo dài trong một tháng rưỡi, cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người, thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza tiếp tục gia tăng nhưng cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên vẫn tiếp tục.