Lý do Mỹ áp thuế 25% với thép và nhôm nhập khẩu từ Ukraine

Chính quyền Trump quyết định áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Ukraine, bắt đầu từ ngày 12/3, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Động thái này không chỉ tác động đến ngành luyện kim Ukraine mà còn làm dấy lên tranh cãi về chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn độc lập UNIAN của Ukraine ngày 12/2, trong một động thái gây chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp dụng mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Ukraine, bắt đầu từ ngày 12/3 tới. Quyết định này được đưa ra với lý do việc nhập khẩu thép từ Ukraine có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ. Đây là một phần trong chính sách bảo hộ thương mại mà chính quyền Trump từng áp dụng từ năm 2018, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm trong nước trước sự cạnh tranh từ các quốc gia khác.

Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho rằng việc nhập khẩu thép từ Ukraine tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng, mặc dù chính quyền Biden từng miễn thuế cho thép Ukraine vào năm 2022 nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga, nhưng lợi ích thực sự của việc miễn thuế này lại chủ yếu thuộc về các nhà sản xuất trong Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia EU đã tận dụng lệnh miễn thuế để xuất khẩu thép chế biến từ nguyên liệu thô của Ukraine sang Mỹ, khiến lượng nhập khẩu thép từ EU tăng từ 11,2% lên 14,8% tổng lượng nhập khẩu thép của Mỹ.

Trong khi đó, thị phần thép nhập khẩu từ Ukraine chỉ chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu thép của Mỹ. Điều này cho thấy, mặc dù lượng thép từ Ukraine không đáng kể so với tổng thể, nhưng quyết định áp thuế của Mỹ vẫn được đưa ra nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước trước sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Tác động đến Ukraine

Quyết định này của Mỹ đã gây ra những lo ngại lớn đối với Ukraine, đặc biệt là ngành công nghiệp luyện kim – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia Đông Âu này. Theo Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, xuất khẩu các sản phẩm luyện kim chiếm tới 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine sang Mỹ, tương đương 503,3 triệu USD trong tổng số 869,1 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm gang (363,4 triệu USD), ống thép (112,9 triệu USD), thanh thép (15,2 triệu USD), dây thép (4 triệu USD) và kết cấu kim loại (1,3 triệu USD).

Bộ trưởng Svyrydenko nhấn mạnh rằng, việc áp thuế sẽ gây thiệt hại đáng kể cho ngành luyện kim của Ukraine, vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do xung đột kéo dài với Nga. Bà Svyrydenko cũng cho biết, Ukraine sẽ tích cực làm việc với các đối tác quốc tế để tìm ra giải pháp tối ưu trước khi quyết định có hiệu lực vào ngày 12/3.

Bình luận về vấn đề trên, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak đã nhắc lại rằng, vào năm 2018, chính quyền Trump cũng từng áp dụng mức thuế tương tự đối với thép và nhôm nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Ukraine. Khi đó, lượng nhập khẩu thép vào Mỹ đã giảm đáng kể, nhưng giá thép trong nước lại tăng cao, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp sử dụng thép như sản xuất ô tô. Các hãng xe lớn như Ford và General Motors (GM) đã phải chịu thua lỗ do chi phí nguyên liệu tăng.

Ông Zheleznyak cũng chỉ ra rằng, việc áp thuế của Mỹ đã dẫn đến các biện pháp trả đũa từ EU, Nhật Bản và các quốc gia khác, khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ như rượu Bourbon, quần jean và xe máy bị đánh thuế cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Mỹ mà còn tác động tiêu cực đến các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo ông Zheleznyak, mặc dù thuế quan đã giúp ngành luyện kim Mỹ tạm thời phục hồi, nhưng về lâu dài, nó không giải quyết được vấn đề cạnh tranh toàn cầu. Các quốc gia như Trung Quốc đã tìm cách vượt qua rào cản thuế quan bằng cách mở rộng sản xuất sang các nước khác, khiến Mỹ vẫn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn.

Có thể thấy quyết định áp thuế của Mỹ đối với thép và nhôm từ Ukraine một lần nữa làm nổi bật sự phức tạp trong quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh xung đột địa chính trị và kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Đối với Ukraine, việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và đa dạng hóa sản phẩm có thể là giải pháp tạm thời để giảm thiểu thiệt hại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo UNIAN)
Bất chấp tuyên bố của Mỹ, Ukraine vẫn giữ lập trường về gia nhập NATO
Bất chấp tuyên bố của Mỹ, Ukraine vẫn giữ lập trường về gia nhập NATO

Sau những phát biểu hoài nghi của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ngày 12/2 tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umierov khẳng định lập trường của Kiev không thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN