Bất chấp tuyên bố của Mỹ, Ukraine vẫn giữ lập trường về gia nhập NATO

Sau những phát biểu hoài nghi của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ngày 12/2 tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umierov khẳng định lập trường của Kiev không thay đổi.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang kyivpost.com ngày 13/2, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là không thực tế, ông Umerov nhấn mạnh: “Chúng tôi phải làm quen với mọi loại tuyên bố. Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi muốn trở thành một quốc gia thành viên NATO. Chúng tôi sẽ là một quốc gia thành viên NATO”.

Cũng theo ông Umerov, vào trưa 12/2, ông đã có cuộc gặp đầu tiên với ông Hegseth nhưng không tiết lộ chi tiết nội dung thảo luận.

Bên cạnh tuyên bố rằng nỗ lực đưa Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014 là “mục tiêu viển vông”, ông Hegseth khẳng định: “Mỹ tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không là kết quả thực tế của bất kỳ thỏa thuận đàm phán nào”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều đồng tình với quan điểm này. Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey vẫn nhấn mạnh rằng Ukraine nên gia nhập NATO, mặc dù ông thừa nhận trong cuộc họp báo ở Đức rằng quá trình này sẽ mất thời gian. Ông nói: “Chính người Ukraine đang chiến đấu. Họ sẽ quyết định khi nào bắt đầu đàm phán và trên những điều kiện nào”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói trên truyền hình Đan Mạch rằng nước này hoàn toàn ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh NATO. Ông Poulsen nói: “Chúng tôi đã quyết định đề nghị Ukraine gia nhập NATO. Nhưng rõ ràng là tất cả chúng ta cần đạt được đồng thuận về vấn đề này. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng các cuộc thảo luận về tương lai của Ukraine vẫn đang diễn ra”.

Khi tương lai của viện trợ Mỹ cho Kiev vẫn chưa rõ ràng, Anh thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này sẽ tạm thời chủ trì các cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

Trong khi đó, Đức đồng tình với Mỹ rằng còn quá sớm để Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hồi đầu tuần này: “Chúng ta phải giúp Ukraine có một quân đội mạnh vì nền kinh tế của họ không thể đủ cung cấp cho một lực lượng quân sự có quy mô đủ lớn để phòng thủ”. Tuy nhiên, ông khẳng định tư cách thành viên NATO không phải là vấn đề mà Berlin xem xét vì Mỹ bác bỏ điều đó.

Italy cũng phản đối ý tưởng triển khai binh sĩ NATO tại Ukraine. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh: “Italy không ủng hộ điều động binh sĩ từ các quốc gia châu Âu hoặc NATO tới lãnh thổ Ukraine”.

Trong khi ông Umerov vẫn kiên định với lập trường của Kiev, ông còn nhấn mạnh rằng Ukraine cũng sẽ trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU). Ông nói: “Chúng tôi đang duy trì tiềm lực quốc phòng và có khả năng làm điều đó. Chúng tôi có những ưu tiên riêng và rút ra tất cả các kết luận cùng với người dân của mình. Các vấn đề chính trị sẽ không do các bộ trưởng quốc phòng thảo luận”.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cũng nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 12/2 rằng ông đồng tình với quan điểm loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khỏi bàn đàm phán. Ông nói: "Tôi nghĩ tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là không thực tế”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump nói về địa điểm gặp Tổng thống Putin lần đầu trong nhiệm kỳ 2
Tổng thống Trump nói về địa điểm gặp Tổng thống Putin lần đầu trong nhiệm kỳ 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu tên Saudi Arabia là địa điểm tiềm năng cho cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ thứ hai. Moskva chưa bình luận về tuyên bố của Tổng thống Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN