Giai đoạn 2023 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 41 phường mới và đã đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025. Để 41 phường hình thành và hoạt động hiệu quả sau sắp xếp, việc phát huy vai trò của các tổ chức Đảng rất quan trọng trong định hướng và chỉ đạo thực hiện. 

Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính trong suốt chiều dài lịch sử. Lần gần nhất, giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố thực hiện sắp xếp cả cấp huyện và cấp xã, là tiền đề, kinh nghiệm quan trọng để thực hiện hiệu quả sắp xếp 80 phường ở giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp 3 quận để thành lập 1 thành phố và sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Thành phố xác định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức là một bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao quyết định chỉ định, cử nhân sự tham gia hoạt động khu phố mới của phường Hiệp Bình Phước (thành phố Thủ Đức).

Thành phố Thủ Đức là một địa phương điển hình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đó là “sản phẩm” của quá trình sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 4 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp 2 cấp cùng lúc là rất khó khăn, nhưng Đảng bộ thành phố Thủ Đức cùng các cấp ủy địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giúp việc sắp xếp đi vào thực tiễn, sớm ổn định. 

Tại Hội thảo mô hình chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức sau 4 năm thành lập gần đây, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức chia sẻ, khi thực hiện sắp xếp bộ máy, thành phố Thủ Đức đã góp phần giảm mạnh đầu mối các phòng của 3 quận, từ 36 phòng của 3 quận trước đây, hiện nay còn 16 cấp phòng. Kinh tế của thành phố Thủ Đức ổn định và phát triển ở chiều hướng gia tăng.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, hiệu quả đầu tiên mà thành phố Thủ Đức đạt được chính là hiệu quả “cung cấp dịch vụ công” cho người dân. Bước đột phá là có được Trung tâm Hành chính công để phục vụ người dân tốt hơn.

Khu vực giải quyết thủ tục hành chính Trung tâm hành chính công thành phố Thủ Đức.

Cùng với Thủ Đức, Quận 3 sắp xếp Phường 6, Phường 7, Phường 8 để thành lập phường Võ Thị Sáu. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng khi phường mới đi vào hoạt động, Quận ủy đã bố trí một Ủy viên Ban Thường vụ giữ chức Bí thư Đảng ủy và Quận ủy viên làm Chủ tịch UBND phường. Nhờ đó, Đảng ủy phường đã nhanh chóng lãnh đạo, định hướng để địa phương tập trung tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong qua trình sáp nhập, một số địa phương chia sẻ, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, động viên, cùng sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên giúp các địa phương vượt qua khó khăn, thách thức lúc đầu.

Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, diện tích và dân số phường vẫn chưa bằng một số phường, xã khác. Tuy nhiên, phường tập trung rất nhiều mục tiêu trọng điểm về an ninh, chính trị, số lượng đảng viên nhiều, diện chính sách đông. Ông Nam cho rằng, cần xem xét có cơ chế đặc thù cho phường mới về con người để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn.

Thành phố Thủ Đức là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Việt Nam.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, Thành phố đã có kinh nghiệm khi sáp nhập để thành lập phường Võ Thị Sáu (Quận 3) và sáp nhập ba quận thành thành phố Thủ Đức. Trong quá trình sáp nhập, có trường hợp cả năm cũng chưa hòa hợp về cách thức làm việc. Tuy nhiên, chúng ta làm vì công việc chung của địa phương thì sẽ vượt qua.

Tại Quận 3, từ ngày 1/1/2025, Phường 10 nhập vào Phường 9, Phường 13 nhập vào Phường 12, qua đó thành lập Phường 9 và Phường 12 mới. Từ kinh nghiệm thực tiễn trước đó, khi sáp nhập các phường lần này, địa phương tiếp tục bố trí một ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy về làm bí thư Đảng ủy phường mới. Đây được xem là cách để thực hiện hiệu quả sắp xếp, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng tại địa phương.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Quận 3 cho biết, Quận ủy đã giao tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Phường 9 và Phường 12 nêu cao trách nhiệm của người đảng viên, xây dựng thành một tập thể đoàn kết, thống nhất; thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phần việc trong công tác sáp nhập. Điều này để địa phương sớm tập trung hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ phường.

Người dân làm hồ sơ, thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.

Tại Quận 8, ông Võ Thành Khả, Chủ tịch UBND Quận 8 chia sẻ, công tác sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, Quận ủy Quận 8 đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Quận ủy trực tiếp làm Trưởng ban, nhằm đảm bảo công tác triển khai được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Đầu năm 2025, người dân đã đến các phường mới để làm thủ tục hành chính và các công việc liên quan. Nhiều người “bỡ ngỡ” khi thấy “cán bộ lạ” - người làm việc tại các phường khác trước đây. Dù vậy, các cán bộ địa phương đã nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ để người dân hoàn thành thủ tục của mình ở “địa phương mới”.

Bà Đỗ Thùy Vân, Chủ tịch UBND phường Hưng Phú (Quận 8), cho biết do nhập ba phường thành phường Hưng Phú nên gặp khó khăn nhất định. Trong việc phục vụ nhân dân, dù địa phương đã tích cực tuyên truyền nhưng người dân không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu đến phường mới giải quyết thủ tục. Do vậy, cán bộ, công chức của phường đã nhiệt tình hướng dẫn để người dân hiểu, thông cảm và dần quen với phường mới.

Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.

Tại Quận 11, theo ông Đổng Văn Huy, Chủ tịch UBND Phường 7, địa phương đã quán triệt rõ ràng việc chuyển đổi thủ tục giấy tờ, hồ sơ cho người dân khi liên hệ với phường. Phường cũng đã xây dựng phần mềm công nghệ số riêng và đang từng bước hoàn thiện, khuyến khích người dân làm hồ sơ trực tuyến. Dù khó khăn và thách thức nhưng Ban Thường vụ Đảng ủy phường quyết tâm cùng với các cấp ủy, chính quyền hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Các phường hình thành sau sắp xếp được định hướng phải ổn định tổ chức, hoạt động với tinh thần sau sắp xếp phải tốt hơn. Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp không chỉ là nhiệm vụ của một vài địa phương, mà là nhiệm vụ chung của thành phố, hướng đến sự phát triển bền vững. Các cấp ủy Đảng phải khẩn trương tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ phường, hướng tới Đại hội Đảng bộ quận.

Quan điểm của lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là các cơ quan, đơn vị phải duy trì hoạt động để đảm bảo không làm gián đoạn công việc của cá nhân và tổ chức, không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Cầu Sài Gòn và Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức.

Để bộ máy của 41 phường mới của Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động hiệu quả, các cấp ủy đảng địa phương đã có định hướng, kế hoạch huy động cả hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc để triển khai. Từ khi xây dựng phương án sắp xếp, triển khai thực hiện và định hướng tổ chức bộ máy cụ thể đều được tập trung tối đa.

Sau khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. UBND 10 quận đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp các phường. Điều này đã tạo sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội. 

Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/6/2024.

Nhờ đó, tỷ lệ trung bình cử tri đồng ý với phương án sắp xếp trên địa bàn đạt 91,28%, trong đó có những địa phương như Phường 8 (Quận 4), Phường 2 (Quận 6) đạt 100%. Một số cử tri ban đầu không đồng ý do lo lắng thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin các loại giấy tờ, nhưng sau khi được các địa phương tuyên truyền, toàn thể cử tri đồng tình, nhất trí đối với chủ trương sắp xếp. 

Theo bà Ngô Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy Phường 9 - phường hình thành sau khi sáp nhập với Phường 10 (Quận 3), địa phương đã chủ động tuyên truyền từ sớm, chuẩn bị cẩn trọng, làm từng bước nên tỉ lệ người dân đồng thuận cao. Đặc biệt, phường có sự ủng hộ, đồng hành từ đội ngũ người hoạt động ở khu phố, tổ dân phố nên giúp cán bộ trẻ yên tâm làm việc.

Những ngày đầu, Phường 9 mới thành lập gặp nhiều khó khăn, bởi sau khi sắp xếp có nhiều việc phải làm. Phường đã ưu tiên bộ phận một cửa để không ảnh hưởng đến hoạt động, quyền lợi của người dân. Với tinh thần quyết tâm, trên dưới đồng lòng, Phường 9 mới đã nỗ lực cố gắng khắc phục, phân công, phân nhiệm cụ thể để bộ máy đi vào hoạt động nhanh.

Không chỉ tạo sự đồng thuận từ người dân, các cấp ủy tại địa phương cũng chú trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Để việc sắp xếp bộ máy thuận lợi, một số đảng viên đã chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có cả người đứng đầu cấp ủy. 

Các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 14.

Với vai trò người đứng đầu Đảng bộ Quận 3, bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy cho biết đã giao Đảng ủy Phường 9 tăng cường lãnh đạo công tác nắm tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, kịp thời động viên, ổn định tư tưởng, an tâm công tác. Địa phương cũng khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, ủng hộ và chấp hành chủ trương sắp xếp, góp phần cùng với Đảng bộ hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, yêu cầu đã đặt ra.

Tại Quận 11, sau khi sáp nhập 3 phường để hình thành Phường 7, một số công chức và người hoạt động không chuyên trách đã tự nguyện làm đơn xin tinh giản biên chế, trong đó 2 người là Phó Chủ tịch UBND phường cũ xin về hưu sớm và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xin nghỉ theo nguyện vọng.

Tại Quận 8, bà Quách Thị Kim Phượng, nguyên Bí thư Đảng ủy Phường 9 (nay sáp nhập thành phường Hưng Phú) chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi gần một năm. Theo bà Kim Phượng, theo lộ trình thì đến tháng 7/2025, bà sẽ nghỉ hưu. Khi có kế hoạch sắp xếp các phường, nhận thấy bản thân không còn đủ điều kiện để tham gia công tác, nên bà chủ động xin về hưu trước tuổi, góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn, khu vực bến nhà Rồng.

Với những đảng viên chấp nhận hy sinh lợi ích để nghỉ trước, các địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho nhân sự bị tác động. Như tại Quận 8, khi xét thấy bà Quách Thị Kim Phượng đủ điều kiện để được xét nâng ngạch trước khi về hưu, UBND Quận 8 đã đề xuất UBND Thành phố nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính, nhờ vậy chế độ khi về hưu cũng được tăng lên. 

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, có những Bí thư Đảng ủy phường bây giờ làm Phó Bí thư hoặc Chủ tịch UBND phường làm Phó Chủ tịch hoặc chuyển công tác khác. Đây là điều không tránh khỏi trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp lại bộ máy, cán bộ; mong cán bộ chia sẻ với điều này. Nhiều cán bộ đã chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh vì công việc chung của thành phố.      

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Đây là bước đi cần thiết trong quá trình thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Điều này cũng gắn liền với việc cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Là một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước, việc sắp xếp này gây ảnh hưởng, tác động nhất định đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ngay trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ngày 11/1/2025, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân giai đoạn 1975 - 2025 và gặp gỡ lãnh đạo các phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện ngay trong giai đoạn 2023 - 2025 nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhanh chóng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân; phù hợp với các quy hoạch của Thành phố.

Như Phường 9 mới của Quận 3, được hình thành từ Phường 9 và Phường 10, vốn có lịch sử hình thành, phát triển gắn liền với sự mở rộng và đô thị hóa của Sài Gòn từ thời kỳ Pháp thuộc (1862 - 1954). Đây cũng là địa phương gắn với sự phát triển và chỉnh trang đô thị của kênh Nhiêu Lộc. 

Bí thư Quận ủy Quận 3 Nguyễn Thanh Xuân cho biết, việc sáp nhập hai phường được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tham gia ý kiến của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Từ ngày 1/1/2025 hình thành Phường 9 mới, hai địa phương sẽ phát huy được những thế mạnh, thành quả đạt được vừa qua, thực hiện thắng lợi các chủ trương, nhiệm vụ chính trị được giao.

Đêm Thành phố Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn.

Trong khi đó, quận Phú Nhuận cũng có 4 phường thực hiện sáp nhập, trong đó nhập Phường 3 vào Phường 4, nhập Phường 17 vào Phường 15. Việc hình thành đơn vị hành chính mới là phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể và tạo nên không gian phát triển mới cho từng phường, góp phần vào sự phát triển chung của quận. 

Bí thư Quận ủy Phú Nhuận Phan Thị Thanh Phương đề nghị Đảng ủy Phường 4 và Phường 15 nắm bắt cơ hội, tranh thủ thời cơ, tích cực đổi mới, đoàn kết đồng lòng, xây dựng địa phương ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Việc này sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quận Phú Nhuận nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và vững tin tiến bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực tiễn giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, dù gặp khó khăn lúc đầu do quy mô tăng, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng nỗ lực của cán bộ, đảng viên, các đơn vị hành chính mới đều vượt qua và phát triển mạnh. Đây là nền tảng quan trọng để 41 phường mới của Thành phố Hồ Chí Minh vững tin đi vào hoạt động phục vụ người dân từ đầu năm 2025.

Thành phố Hồ Chí Minh bắn pháo hoa tầm cao đón mừng Xuân Ất Tỵ 2025 tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn.

Bài: Tiến Lực
Ảnh: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà

09/02/2025 06:10