Việc Mỹ cùng các đồng minh phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết một số vấn đề quốc tế quan trọng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận như vậy khi phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ mới đây. Ông Kerry giải thích rằng ông định nói cụ thể về vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc xung đột ở Syria và tình hình tại Afghanistan. Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cũng đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong giới truyền thống Arập trong bối cảnh có những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt là căng thẳng giữa phương Tây với Nga về vấn đề sáp nhập Crimea. Liệu chuyến thăm này chỉ là đơn thuần là hàn gắn mối quan hệ vốn đang rạn nứt với một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Saudia Arabia?
Theo các nhà phân tích, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Saudi Arabia của Tổng thống Obama kể từ năm 2009. Diễn ra chỉ vài tháng sau khi phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran cũng như thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, chuyến thăm của ông Obama chắc chắn phải có động cơ khác thường.
Các quan chức Saudi Arabia chỉ tiết lộ rằng chuyến công du được thực hiện theo yêu cầu của Nhà Trắng và nhằm mục đích "làm rõ về những bước đi mà Washington đang tiến hành trong khu vực, bao gồm liên quan đến vấn đề Syria và Iran".
Mỹ khó có thể thiếu Nga trong giải quyết một số vấn đề tại Trung Đông. |
Trong khi đó, Nga đã đạt được kết quả đáng kể trong các cuộc đàm phán về Syria và Iran, giúp đỡ Mỹ tại Afghanistan. Điều gì sẽ xảy ra với các khu vực này trong trường hợp mối quan hệ giữa Moskva và Washington suy giảm? Nga cho rằng việc Mỹ vi phạm tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ chính quyền tại Ukraine đã đặt Moskva vào vị trí buộc phải có lập trường cứng rắn.
Mùa Thu năm 2013, theo sáng kiến của Moskva, Washington đã đột ngột rút lại quyết định tấn công quân sự vào chế độ Assad với những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Một vài tuần sau, chính phủ Mỹ đã thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách đối ngoại với khu vực khi đạt một thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran. Nhà Trắng bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Nhiều người hoài nghi chế độ Iran có thể sẽ lợi dụng thỏa thuận hạt nhân này để khôi phục việc phát triển vũ khí chiến lược, chủ yếu là các loại tên lửa, và tiếp tục can thiệp vào Iraq, Syria và Liban.
Các nhà phân tích Trung Đông nhận định rằng sự xói mòn của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể có tác động đến các vấn đề khó khăn khác ở Trung Đông, bao gồm các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, đàm phán hòa bình Israel - Palestine, đặc biệt là cuộc xung đột ở Syria, hiện nay đang bước vào năm thứ tư.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey nói: "Chúng ta cần phải nhìn vào Syria, thực sự là rất khó khăn trong việc phối hợp giải quyết cuộc xung đột. Không chỉ về vấn đề mối quan hệ giữa 2 nước, mà còn về tình hình tại Trung Đông. Nhìn từ quan điểm đó, chúng ta phải hành động tích cực hơn, nhanh hơn rất nhiều".
Giáo sư Keith Darden tại trường Đại học Mỹ cũng cho rằng "sự rạn nứt ngoại giao giữa Mỹ và Nga mà chúng ta đang thấy bây giờ, nếu nó kéo dài, sẽ có những hậu quả trong hầu hết các lĩnh vực chính trị quốc tế".
Ông Boris Dolgov tại Trung tâm nghiên cứu Arập thì nhận định: “Tất nhiên là sau sự kiện Ukraine, Nga sẽ có chính sách chặt chẽ hơn liên quan đến việc hỗ trợ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria và tăng cường quan hệ với chính quyền hợp pháp ở Syria”.
Moskva có một thế mạnh về ở Trung Đông, đặc biệt là Afghanistan. Một số lượng hàng hóa quan trọng của Mỹ đến nước này thông qua lãnh thổ Nga. Năm nay, theo kế hoạch, việc rút quân Mỹ cũng sẽ quá cảnh qua Nga. Theo ông Boris Dolgov, trong trường hợp các biện pháp trừng phạt mở rộng hơn đối với Moskva của phương Tây, Nga có thể thắt chặt chính sách ở biên giới phía nam của mình.
“Vai trò của Nga tăng lên trong việc giải quyết xung đột Afghanistan. Nga có thể chú ý hơn đến an ninh của mình khi tham gia giải quyết các xung đột Afghanistan, tức là không để ý đến lợi ích của các nước khác (liên minh phương Tây), trước hết là Mỹ”, ông Boris Dolgov nói.
Ngoài ra, Nga có thể mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự - kỹ thuật với Iran, điều mà phương Tây sẽ không hài lòng. Trước đó Nga đã đi đến một số thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề này.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thể không đưa ra các tuyên bố cứng rắn với Nga về vấn đề Ukraine. Nếu không, trong mắt những người ủng hộ, chính quyền Obama sẽ tỏ ra là đối thủ rất yếu ớt, và đảng Dân chủ sẽ rất khó lấy lại lòng tin cử tri. Vì vậy, nói năng cứng rắn về chủ đề Crimea và đe dọa Nga có lẽ chỉ là trò chơi được thiết kế cho dư luận Mỹ mà thôi.
Tóm lại, có một số điểm buộc phương Tây phải suy nghĩ kỹ nếu muốn đối phó với Nga về các vấn đề Trung Đông liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ví dụ, không nên quên rằng Nga thực sự đã ủng hộ đề xuất của ông Obama về giải quyết vấn đề Syria và loại bỏ các loại vũ khí hóa học của nước này. “Người Mỹ chưa chắc đã chuyển từ kế hoạch sang hành động. Tôi nghĩ rằng họ đang cầu nguyện để sao cho họ không phải di chuyển từ lời dọa dẫm đến thực hiện kế hoạch ghê gớm đó. Đưa thế giới đến bên bờ vực của chiến tranh thế giới Thứ III vì khủng hoảng Ukraine là chuyện bất đắc dĩ. Thực tế cho thấy người Mỹ thậm chí không thể dựa vào các đồng minh NATO của mình để lập trật tự ở Afghanistan cũng như ở Iraq”, ông Boris Dolgov kết luận.
CT (tổng hợp)