Bà Rachel Isenschmid - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế Thụy Sỹ - Việt Nam (SVEF) phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu kết nối, từ đó xác định các lĩnh vực hợp tác chiến lược của tỉnh với các đối tác đến từ Thụy Sỹ và quốc tế, ngày 17/7/2025. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc phỏng vấn với bà Rachel Isenschmid, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) về cuộc tọa đàm, cũng như những kỳ vọng về chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Bà Isenschmid bày tỏ: “SVEF rất hoan nghênh chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao đến Thụy Sĩ”.
Liên quan đến hội thảo về xây dựng trung tâm tài chính, Tổng Thư ký SVEF cho rằng đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện cam kết phát triển hệ sinh thái tài chính hiện đại và minh bạch, đồng thời kết nối sâu rộng hơn với các trung tâm tài chính hàng đầu của Thụy Sĩ như Geneva và Zurich.
Với vai trò là cầu nối giữa các đối tác chính phủ, doanh nghiệp và học thuật của hai nước, SVEF kỳ vọng sự kiện này sẽ mở ra những cuộc đối thoại thực chất và chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình của Thụy Sĩ - nơi có hệ thống pháp lý rõ ràng, khả năng quản trị rủi ro cao và sự đồng hành hiệu quả giữa khối công và tư. SVEF mong rằng cuộc tòa đàm sắp tới sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa các định chế tài chính Thụy Sĩ và Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam định vị rõ hơn vai trò của mình trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu.
Dự kiến, trung tâm tài chính sẽ được thành lập tại 2 thành phố lớn của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, với vị thế là trung tâm kinh tế - tài chính số một cả nước, đã có sẵn một hệ sinh thái tài chính phát triển. Do đó, trung tâm tài chính quốc tế sẽ tập trung vào các thị trường lõi như thị trường vốn, ngân hàng, thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý trung tâm và là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây. Thành phố được định vị là nơi đi đầu trong các lĩnh vực mới nổi, mang tính xu hướng như tài chính bền vững, tài chính xanh và ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số.
Tổng Thư ký SVEF đánh giá: “Việt Nam có nhiều tiềm năng để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, đặc biệt là ở các thành phố có vị trí chiến lược như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng”. Tuy nhiên, theo bà, để thực sự trở thành một trung tâm tài chính cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức căn bản:
Thứ nhất là khung pháp lý và chính sách phải đủ rõ ràng, ổn định và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Các yếu tố như cơ chế giải quyết tranh chấp, thuế suất cạnh tranh và quy định về dòng vốn sẽ đóng vai trò then chốt;
Thứ hai là cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trung tâm tài chính hiện đại không chỉ cần hệ thống công nghệ thông tin mạnh, mà còn cần đội ngũ chuyên gia có kỹ năng trong các lĩnh vực như quản lý tài sản, công nghệ tài chính, luật quốc tế;
Thứ ba là sự liên kết giữa trung ương và địa phương, cũng như giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là trung tâm kinh tế lớn và năng động, trong khi Đà Nẵng có thể phát triển theo hướng tài chính xanh, đổi mới sáng tạo và dịch vụ cao cấp. Sự phối hợp hiệu quả giữa hai thành phố có thể tạo ra mô hình “đa trung tâm” phù hợp với đặc thù phát triển của Việt Nam.
Bà Isenschmid hy vọng cuộc tọa đàm sắp tới sẽ là cơ hội quý báu để Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin thêm cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ về những chính sách của Việt Nam.