Di sản liên biên giới Việt - Lào: Cầu nối văn hóa, động lực phát triển du lịch

Việc UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là cơ hội để du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) kết nối mở rộng sang Him Nam Nô (Lào), cũng là định hướng để du lịch Việt Nam phát triển theo hướng di sản, gắn kết với công nghiệp văn hóa.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã chia sẻ về tiềm năng khai thác, phát huy giá trị di sản liên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào).

Chú thích ảnh
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại hội nghị.

Phó Cục trưởng Trần Đình Thành nhấn mạnh, việc UNESCO công nhận di sản liên biên giới là cơ hội quan trọng để mở rộng kết nối du lịch từ Phong Nha - Kẻ Bàng sang Hin Nam Nô. Đây vừa là cơ hội, vừa là định hướng để du lịch Việt Nam phát triển theo hướng di sản, gắn kết với công nghiệp văn hóa; thay vì dừng lại ở vấn đề thu hút khách du lịch Lào sang Phong Nha - Kẻ Bàng… 

Bên cạnh đó góp phần mở rộng giá trị của di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; tiếp tục quảng bá giá trị, thương hiệu di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đồng thời làm rõ thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng và di sản Việt Nam, Lào nói chung; nâng cao hiệu quả quản lý di sản hai nước.

Cùng với đó, việc công nhận này đóng góp vào tăng cường thực hiện bảo vệ chủ quyền, biên giới đất nước theo đúng Nghị định về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào. Đặc biệt quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, nâng cao tiềm năng du lịch… 

Chú thích ảnh
Hệ thống quản lý Vườn Quốc gia Hin Nam Nô của Lào. 

Theo Phó Cục trưởng Trần Đình Thành, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác định việc hỗ trợ các bạn Lào xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) là Di sản Thế giới liên biên giới với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, vừa thể hiện rõ nhật trách nhiệm, cam kết của Việt Nam với tổ chức UNESCO và cộng đồng quốc tế. Đồng thời là kết quả thiết thực của việc triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam - Lào trong lĩnh vực văn hóa.

“Việc xây dựng hồ sơ được Bộ ưu tiên hàng đầu, xem là biểu tượng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, qua đó góp phần tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Trên phương diện khoa học, việc xây dựng hồ sơ chung theo khuyến nghị của UNESCO nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của Di sản Thế giới với Hệ thống karst lớn nhất khu vực Đông Nam Á; tăng cường mối liên kết về đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu vực”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được công nhận là Di sản liên biên giới.

Từ năm 1998, UNESCO đã khuyến nghị Việt Nam cần có các cuộc thảo luận với Nhà nước, với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để mở rộng hơn nữa ranh giới của địa điểm ở giai đoạn sau, để bao gồm cả khu bảo tồn Karst Hin Nam Nô của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 

Năm 2003, UNESCO đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới, theo đó, UNESCO tiếp tục khuyến nghị tiếp tục đối thoại về một thỏa thuận xuyên biên giới với Quốc gia thành viên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, trong đó hợp nhất Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn Quốc gia Hin Nam Nô”. Từ đó đến nay, UNESCO đã có 6 khuyến nghị về nội dung hợp tác xây dựng hồ sơ giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc
Di sản văn hóa Lào Cai - 'Mỏ vàng' phát triển du lịch
Di sản văn hóa Lào Cai - 'Mỏ vàng' phát triển du lịch

Tỉnh Lào Cai hiện có 56 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể. Địa phương đang tích cực bảo tồn, vun đắp, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu; biến di sản thành tài sản, coi đây là mỏ vàng để phát triển du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN