Cơn ác mộng địa chính trị của Mỹ: “Gấu-Rồng liên minh”

Trong khi nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang bình luận về cuộc khủng hoảng Ukraine/Crimea, một thách thức lớn và dài hạn đối với cấu trúc an ninh quốc tế sau Chiến tranh Thế giới 2 đối với Washington lại xuất hiện ở hướng Đông: Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh cùng với những “thỏa hiệp chiến thuật tiềm năng” với Nga đang rung lên một hồi chuông cảnh báo đối với các chiến lược gia của Mỹ. Theo chuyên gia Greg R. Lawson tại Viện phân tích địa chiến lược Wikistrat, Australia (trụ sở chính tại Mỹ), sự quyết đoán mới của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến thuật “lát cắt xúc xích" (lấn dần từng bước) đã khiến những lo ngại trong khu vực ngày càng tăng cao.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản cũng đang leo thang. Với tiền lệ sáp nhập Crimea vào Nga mới đây, trong khi Mỹ phải chú tâm đối phó với cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ không thể có đủ thời gian quan tâm đến chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á, dù không ai nói đến việc Bắc Kinh sẽ theo gương nước Nga, thì hành động của Moskva không gặp phản ứng mạnh mẽ của Washington hẳn phải kích thích các nhà chiến lược Trung Quốc rộn lên mối hy vọng một ngày nào đó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo hướng này.

Tất nhiên, Mỹ dường như không muốn gặp một kịch bản tương tự khi mà các đồng minh và đối thủ cạnh tranh của mình đang chú ý.

Ông Lawson cho rằng các hành động của Nga ở Crimea đòi hỏi cần một đối trọng lớn để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc nên là trọng tâm chính trong mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Xét về ưu tiên các mối đe dọa địa chính trị, Mỹ không nên khơi lại một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Nga trong khi Trung Quốc nổi lên là một mối đe dọa lớn hơn đối với lợi ích Mỹ.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc đánh bật Mỹ ra khỏi châu Á thông qua chiến lược Chống tiếp cận (A2/AD) đang được tăng cường, Washington sẽ không còn được tự do thương mại với khu vực chiếm 60% dân số thế giới. Điều này sẽ là sự suy giảm lớn nhất về tầm ảnh hưởng của Mỹ kể từ cuối thế kỷ XIX. Đây rõ ràng là vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn so với việc đáp trả Nga về hành động sáp nhập Crimea.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Putin.


Mặc dù Bắc Kinh và Moskva có một số “rắc rối” trong lịch sử (ví dụ như cuộc xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969) và Trung Quốc có thể gây ra một mối đe dọa lâu dài đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Siberia của Nga, nhưng “Gấu” và “Rồng” dường như đang có chung quan điểm trong một số vấn đề quốc tế quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thành lập và mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Bên cạnh đó, Bắc Kinh và Moskva thường có chung cách bỏ phiếu đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (chẳng hạn như về các vấn đề Syria, Iran...). Nó cũng giải thích tại sao Nga lại đồng ý bán các loại vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc mà cuối cùng có thể được sử dụng như một phần của chiến lược A2/AD của Bắc Kinh.

Nga và Trung Quốc đã cam kết tăng cường quan hệ song phương và thảo luận các kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hai bên khẳng định, quan hệ Trung-Nga mang tính chất chiến lược bền vững, ổn định và đang phát triển tốt đẹp. Hai nước đang tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Lãnh đạo cấp cao hai nước tiến hành các cuộc gặp và tham vấn, tạo dựng sự tin cậy chính trị và chiến lược giữa hai nước.

Tổng thống Nga đã phê chuẩn Hiệp định giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Trung Quốc về việc thông báo lẫn nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy. Bên cạnh hợp tác song phương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Ðộ, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nam Phi), trong G-20 và cơ cấu Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế theo hướng công bằng và dân chủ.

Đáp lại, Trung Quốc coi Nga là đối tác chiến lược đáng tin cậy và quan trọng nhất. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mau lẹ, Trung Quốc sẽ phối hợp với Nga đối phó với các thách thức; tăng cường toàn diện sự hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa; đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề quốc tế, đưa hợp tác đối tác chiến lược Trung - Nga lên một tầm cao mới, bảo vệ quyền lợi chung của hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như toàn thế giới.

Hiện Nga đang bận rộn để giảm bớt khả năng gây tác hại của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do sáp nhập Crimea. Vì vậy, xu hướng tăng cường làm ăn với châu Á đã trở thành lựa chọn mang tính quyết định của Nga, đặc biệt là với Trung Quốc. Trở ngại lớn nhất đối với Nga trong việc phát triển thương mại với Trung Quốc là thiếu cơ sở hạ tầng. Đường ống dẫn dầu đầu tiên và duy nhất từ Nga sang Trung Quốc được hoàn thành vào năm 2010. Phó Thủ tướng Nga phụ trách vùng Viễn Đông, ông Yuri Trutnev, đã yêu cầu Chính phủ Nga cung cấp 4,7 tỷ USD trong vòng 5 năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở đây như nhà máy lọc dầu, đường sắt, đường ống dẫn dầu.


Các nhà phân tích cho rằng trở ngại trên vốn không phải là vấn đề lớn trong quan hệ giao dịch giữa Nga với châu Á khi mà Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước có lượng vàng dự trữ cao nhất và nhì thế giới. Trung Quốc có thể cho Nga vay và trả chậm bằng dầu khí. Tập đoàn dầu khí Rosneft trong năm 2013 đã theo phương thức này khi đồng ý khoản vay 80 tỷ USD từ các công ty dầu khí Trung Quốc dựa trên các hợp đồng bán dầu khí của Nga trong tương lai. Một quan chức Nga cho biết 10 - 20 công ty dầu khí của Nga có thể theo phương thức này và điều đó có thể làm vô hiệu hóa mọi lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn địa chính trị không hề đơn giản, hoặc tiếp tục gây áp lực với các đồng minh châu Á là Tokyo và Seoul nhằm tăng cường cô lập Nga hoặc cho phép các đồng minh châu Á của mình dừng lại ở biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không làm ăn với Nga, Moskva ắt sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Nga mới đây đã xác định Trung Quốc là khách hàng đầu tiên được phép mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 “Triumph” mới nhất của nước này. Thỏa thuận nguyên tắc về việc bán các hệ thống tên lửa đã được Tổng thống Vladimir Putin chấp nhận. Nay hai bên sẽ đàm phán về số lượng và giá thành, tuy nhiên kể cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận cụ thể, quân đội Trung Quốc chỉ nhận được các hệ thống S-400 sớm nhất là năm 2016.

Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc rõ ràng sẽ gây khó khăn cho Mỹ và đồng minh trong việc cân bằng cán cân quyền lực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình trong nước bấp bênh hiện nay của Mỹ: Nhà Trắng đang phải đối mặt với một khoản nợ quốc gia hơn 17 nghìn tỷ USD  trong khi nền kinh tế phục hồi một cách chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.


CT
Đối đầu Nga–phương Tây về Ukraine: Ai chịu trách nhiệm?
Đối đầu Nga–phương Tây về Ukraine: Ai chịu trách nhiệm?

Dưới con bài “dân chủ”, phương Tây đã liên tục gia tăng ảnh hưởng cả về quân sự, chính trị và kinh tế đến các nước thuộc Liên Xô cũ, điều khiến Nga cảm thấy mình bị đe dọa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN