Đối đầu Nga–phương Tây về Ukraine: Ai chịu trách nhiệm?

Cuộc đối đầu Đông-Tây về vấn đề Ukraine, mà đỉnh điểm là sự sáp nhập Crimea vào Nga, khả năng là cuộc khủng hoảng quốc tế tồi tệ nhất trong hơn 50 năm trở lại đây. Một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này là có thể, nhưng chưa biết lúc nào sẽ xuất hiện.

Nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới thực sự đang xuất hiện ở châu Âu, không phải ở Berlin (Đức) mà là ở khu vực biên giới của Nga và những điều tồi tệ hơn có thể xuất hiện sau đó. Nếu lực lượng quân sự thuộc khối NATO chuyển đến phía tây Ukraine hoặc thậm chí đến biên giới Ba Lan giống như những lời kêu gọi của các chính trị gia hiếu chiến ở Washington và Brussels, Moskva có thể sẽ điều quân của mình tới phía đông Ukraine. Kết quả là sẽ xuất hiện một mối nguy hiểm về một cuộc chiến tranh tiềm tàng giống như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962.

Mặt khác, việc phương Tây ngừng hợp tác quân sự và cô lập Nga cũng có thể gây ra hậu quả rất lớn. Moskva sẽ không những không bị ảnh hưởng nhiều mà còn tạo động lực cho Nga hướng sang phía Đông mạnh mẽ hơn, cả về chính trị, kinh tế và quân sự, đặc biệt là sự hợp tác toàn diện hơn với Trung Quốc - một "thảm họa" đối với Mỹ. Bên cạnh đó, Washington sẽ có nguy cơ mất một đối tác quan trọng trong những vấn đề quốc tế liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ, như vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc nội chiến ở Syria và vấn đề rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời tạo ra nguy cơ xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang mới và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Lực lượng An ninh Quốc gia mới thành lập của Ukraine huấn luyện chiến đấu. Ảnh: Kiev Post


Tại sao cuộc đối đầu này lại xuất hiện sau hơn 20 năm khi Liên Xô sụp đổ và cả Washington lẫn Moskva tuyên bố một kỷ nguyên mới của "tình hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược"? Câu trả lời thuộc về chính quyền Obama và sự tuyên truyền một cách rầm rộ, thái quá, một chiều của các phương tiện truyền thông Mỹ (khi họ tập trung đổ lỗi cho Tổng thống Vladimir Putin). Những giọng điệu như "ông Putin là nhà lãnh đạo 'chuyên quyền' ở trong nước, duy trì chính sách đối ngoại 'chủ nghĩa đế quốc Liên Xô'" đã phá hỏng quan hệ đối tác giữa Mỹ và Nga được thiết lập vào những năm 1990 bởi hai nhà lãnh đạo Bill Clinton và Boris Yeltsin.

Nhưng còn một nguyên nhân khác. Bắt đầu từ chính quyền Clinton, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tục gia tăng ảnh hưởng cả về quân sự, chính trị và kinh tế đến các nước thuộc Liên Xô cũ. Với việc mở rộng sự hiện diện về phía Đông của NATO, phương Tây đã lôi kéo thêm 3 nước nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ và thiết lập căn cứ ngay trước cửa ngõ của Nga. NATO còn tăng cường bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa sát biên giới của Moskva, điều khiến Nga cảm thấy mình bị đe dọa. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ (NGO) do Mỹ tài trợ với chiêu bài “thúc đẩy dân chủ” đã từng bước can thiệp sâu hơn vào chính trị nội bộ của Nga một cách bất hợp pháp.

Trong cuộc xung đột giữa Đông-Tây về vấn đề Ukraine lần đầu tiên nổ ra năm 2004 với cuộc "Cách mạng Cam", Charles Krauthammer, một thành viên có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa (Mỹ) thừa nhận: "Đầu tiên, cuộc cách mạng này là nhằm vào Nga, dân chủ chỉ là thứ hai .... Phương Tây muốn kết thúc công việc này (tiến trình dân chủ hóa theo kiểu phương Tây), vốn được bắt đầu với sự sụp đổ của bức tường Berlin và tiếp tục mở rộng về phía đông .... giải thưởng lớn là Ukraine". Richard Holbrooke, cựu thư ký của đảng Dân chủ Mỹ cũng đồng tình với quan điểm trên và thậm chí còn hy vọng rằng sau đó Ukraine là "thành trì cuối cùng rời khỏi Moskva" và góp phần "đẩy nhanh tiến độ" để Kiev trở thành thành viên của NATO.

Giới tinh hoa chính trị của Nga từ lâu đã coi những vấn đề trên là mối đe dọa thực sự đối với Moskva. Trong bài diễn văn phát biểu tại buổi lễ công bố sáp nhập Crimea vào Nga ngày 18/3, Tổng thống Putin, khi đề cập đến phương Tây (chủ yếu là Mỹ), nhận định rằng họ đã "tìm cách dồn chúng ta vào chân tường, đã nói dối chúng ta nhiều lần” và “vấn đề Ukraine đã vượt quá giới hạn”, đồng thời cảnh báo "mọi thứ đều có giới hạn của nó".

“Chúng ta muốn củng cố lòng tin và hướng tới quan hệ bình đẳng, cởi mở và công bằng. Nhưng chúng ta đã không thấy những bước đi tương tự từ phía bên kia. Ngược lại, họ đã nói dối chúng ta nhiều lần, đưa ra nhiều quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước những thực tế đã rồi. Điều này đã xảy ra cùng với sự mở rộng của NATO sang phía Đông, cũng như việc họ triển khai hạ tầng quân sự ở biên giới của chúng ta. Điều này cũng đã xảy ra khi họ thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa. Bất chấp mọi sự lo ngại của chúng ta, dự án này vẫn được thúc đẩy. Nó xảy ra cùng với sự chậm trễ lê thê trong đối thoại về các vấn đề visa, cam kết cạnh tranh công bằng và tham gia tự do vào thị trường toàn cầu”, ông Putin nói.


Rõ ràng, Tổng thống Putin đã không khơi mào hoặc muốn cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra, bởi vì cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến những thành công của Thế vận hội Sochi tại Nga. Ông Putin cũng không bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với phương Tây, điều mà Washington đã làm rùm beng lên trước khi ông Putin được bầu lại làm tổng thống Nga. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của phương Tây nên nghiêm túc nhớ lại câu ngạn ngữ: "Có hai mặt trong mỗi câu chuyện". Ông Putin đã đúng khi khẳng định rằng Nga "có lợi ích quốc gia riêng và phải được tôn trọng, đặc biệt là dọc biên giới của mình”.

Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà phân tích cho rằng cuối cùng Mỹ, Kiev và phương Tây sẽ buộc phải thừa nhận Crimea thuộc Nga. Hiện vấn đề Ukraine cũng bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vì Nga, Mỹ và phương Tây còn phải tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu khác như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy trái phép, tình hình Afghanistan, Trung Đông, Bắc Phi và cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, dù quan hệ chính trị căng thẳng thế nào thì châu Âu không thể sống thiếu khí đốt từ Nga và việc cô lập Moskva trên trường quốc tế là không khả thi khi các nước BRICS vẫn tiếp nhận Nga như một đối tác có ảnh hưởng.


Song Anh (The Nation)

Nga tăng áp lực đối với Ukraine bằng giá gas
Nga tăng áp lực đối với Ukraine bằng giá gas

Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Gazprom - công ty năng lượng hàng đầu của Nga - vẫn tăng cường áp lực kinh tế đối với Ukraine về giá khí đốt tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN