Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là những Nghị quyết của Bộ Chính trị để Việt Nam thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu. Để Việt Nam là đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số thì ngoại giao kinh tế, trong đó nội hàm ngoại giao công nghệ là cánh cửa mới sẵn sàng giúp Việt Nam cất cánh. 

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, diễn ra ngày 18/5/2025 tại Nhà Quốc hội, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong đời sống chính trị của đất nước.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bằng việc đặt hai Nghị quyết 66-NQ/TW hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân và Nghị quyết 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong mối liên hệ hữu cơ với hai Nghị quyết trước đó – số 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; số 59-NQ/TW mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế – Tổng Bí thư Tô Lâm đã hình thành một chỉnh thể tư tưởng mà ông gọi là "bộ tứ trụ cột". Đó là nền tảng tư duy cho một mô hình phát triển mới của Việt Nam trong bối cảnh chuyển động nhanh, rộng và sâu của thời đại.

Sáng 18/5/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. 

Mặc dù chỉ có hai Nghị quyết 66 và 68 được quán triệt chính thức, nhưng khi được soi chiếu qua lăng kính của Tổng Bí thư Tô Lâm, bức tranh chiến lược trở nên toàn diện hơn. "Bộ tứ trụ cột" – gồm thể chế pháp lý, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế khu vực tư nhân – chính là khung lý luận và hành động cho mô hình phát triển tích hợp của Việt Nam hiện đại. Đó là mô hình: Thể chế pháp quyền tạo điều kiện; Đổi mới sáng tạo dẫn dắt; Kinh tế tư nhân thúc đẩy thực thi; và hội nhập quốc tế mở rộng không gian phát triển.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Các doanh nghiệp được truyền cảm hứng tích cực để tiếp tục mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao. Đây là bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt bay cao hơn nữa khi có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và hợp tác quốc tế.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của FPT.

Chia sẻ về Quyết định này, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của FPT cho biết, Nghị quyết 1131/NQ-TTg thực sự là một cú hích lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.  Nghị quyết xác định rõ 11 nhóm công nghệ chiến lược và 35 sản phẩm công nghệ chiến lược tập trung vào các lĩnh vực then chốt, có ảnh hưởng sâu rộng đến năng lực cạnh tranh và tự chủ công nghệ của quốc gia. Vận hội mới này, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp như FPT tiếp tục dấn thân nghiên cứu, phát triển những sản phẩm đột phá, và quan trọng hơn, khẳng định rằng người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ lõi.

Mục tiêu của Nghị quyết 57, đến năm 2030: Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Nghị quyết 57 là bản đồ chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt lên trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Việc ưu tiên tự chủ công nghệ và thu hút chuyên gia quốc tế là bước đi đúng đắn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. 

Các doanh nghiệp công nghệ như VNPT, đã tiên phong trong triển khai mạng 5G toàn quốc và phát triển các giải pháp AI, đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số của Nghị quyết 57, là minh chứng cho tiềm năng của Việt Nam khi có hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Lễ ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW.

Hay đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT (thuộc Tập đoàn FPT) mới đây đã ký kết thành lập Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW. Liên minh sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT cũng đã công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới như: Quản lý nhà nước và hành chính công; Quản trị dữ liệu & an toàn thông tin; Quản lý dự án & quản trị đổi mới; Giáo dục & phát triển nhân lực số…

Trong vai trò doanh nghiệp tiên phong các xu hướng công nghệ mới, FPT đã khởi xướng thành lập Liên minh AI Âu Lạc hướng đến mục tiêu phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có khả năng xử lý tiếng Việt chính xác, tự nhiên, phù hợp với văn hóa và bản sắc Việt Nam, từ đó nâng cao dân trí và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Liên minh đã thu hút hơn 20 thành viên đầu tiên là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học.

Hơn 20 thành viên đầu tiên của Liên minh AI Âu Lạc tại lễ ra mắt.

Nghị quyết 59-NQ/TW, ban hành ngày 24/1/2025, khẳng định hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Nghị quyết nhấn mạnh việc thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, và chuẩn bị đàm phán FTA với Hoa Kỳ, đồng thời tham gia các khuôn khổ kinh tế mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Số (DEPA).

TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 59 là sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, không phải sự phụ thuộc hay nghiêng về bất kỳ bên nào. Thực tiễn cho thấy, hội nhập quốc tế đã mang lại những kết quả ấn tượng. Tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 18,4 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những thành tựu này là minh chứng sống động cho sự đúng đắn của định hướng hội nhập chủ động, tích cực của Việt Nam.

Trong khi đó, Nghị quyết 66 đặt ra, năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Sáng 31/5/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính toạ đàm với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68-NQTW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. 

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu 2030: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng; Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. 

Ông Justin Wood, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá cao chiến lược “bộ tứ trụ cột” vì sự kết hợp đồng bộ giữa cải cách thể chế (Nghị quyết 66), phát triển khu vực tư nhân (Nghị quyết 68), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), và đột phá khoa học-công nghệ (Nghị quyết 57). Các nghị quyết này không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn tạo nền tảng để trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về đổi mới sáng tạo.

Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của ngành ngoại giao thì ngoại giao khoa học và công nghệ phải là nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao kinh tế trong ngoại giao thời đại mới.

Trong 7 nhiệm vụ được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ thứ 7 là: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với giải pháp cụ thể được nêu tại Nghị quyết 57, các Bộ, ngành đơn vị đã và đang tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, đồng thời từng bước thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 chụp ảnh chung.

Trong hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Chính phủ, đề xuất và thúc đẩy quá trình này. Qua đó, nhiều giải pháp khoa học và công nghệ mang tính đột phá từ những cường quốc trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia... đã được chuyển giao về Việt Nam. 
Nhiều tri thức khoa học và công nghệ mới được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu - triển khai trong nước.

Theo ông Lý Hoàng Tùng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ đã thiết lập quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 150 điều ước quốc tế và 80 thỏa thuận quốc tế, trong đó gần 110 điều ước và 40 thỏa thuận còn hiệu lực. Bộ cũng đóng vai trò đầu mối triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế, hợp tác đa phương với nhiều tổ chức quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO), tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai tích cực nhằm tranh thủ tri thức, kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ đầu tư, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nước.

Hình thức hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất. Từ việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác, mở rộng quan hệ theo “chiều rộng”, nước ta dần tiến tới giai đoạn triển khai cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung trong các cam kết, thỏa thuận trên theo “chiều sâu”. Từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, Việt Nam đã tiến tới triển khai những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia nước đối tác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, từ sau Đổi mới đến nay, ngành Ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao kinh tế, luôn đồng hành và đóng góp tích cực vào việc khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành Ngoại giao cũng nên tham khảo Đan Mạch nghiên cứu và thử nghiệm chức danh “Đại sứ công nghệ”, bởi lẽ, thực tế cho thấy lĩnh vực công nghệ đang ngày càng gia tăng tầm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những nghị quyết quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm ví như “bộ tứ chiến lược” giúp Việt Nam cất cánh. Để có thể làm chủ công nghệ số, đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới,̀ chúng ta cần phải có những “Đại sứ công nghệ” giúp sức.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, năm 2025 và giai đoạn tới, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thông minh, trong đó nổi lên một số xu hướng đáng chú ý: Xu thế chính trị hóa hợp tác kinh tế, phân tách, phân mảnh ngày càng rõ nét, nhất là trong lĩnh vực KH&CN; Kỷ nguyên thông minh đang tạo ra các cơ hội tương đối đồng đều cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam trong việc tiến cùng và vượt lên trong dòng chảy mạng mẽ của thế giới bước nhanh vào kỷ nguyên mới.

Trong nước, Đảng ta đã khẳng định chủ trương phát triển KH,CN&ĐMST là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Về phương châm: Ngoại giao KH&CN phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học, cơ sở đào tạo. Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của ngành ngoại giao thì ngoại giao KH&CN phải là nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao kinh tế trong ngoại giao thời đại mới; trong đó các Bộ: KH&CN và Ngoại giao là những đơn vị trực tiếp tham mưu, thúc đẩy. 

Về cách làm: Phải linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, nhạy bén, vừa phải có tư duy triển khai phù hợp, chiến lược nhưng cũng vừa phải rất cụ thể, đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm.

6 trọng tâm phối hợp triển khai giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH&CN để cụ thể hóa nội hàm của ngoại giao KH&CN. Cụ thể:

Thứ nhất, ngoại giao KH&CN cần được quán triệt triển khai trong tổng thể chủ trương đối ngoại của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đóng góp bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao tự chủ chiến lược, tự chủ về công nghệ; tranh thủ tối đa các thời cơ, cơ hội, nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn, phân tách kinh tế, công nghệ ngày càng phức tạp.

Thứ hai, phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký kết với các các đối tác chiến lược như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nước EU… trong đó chú trọng các hoạt động hợp tác về nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, các ngành khoa học và công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Thứ ba, thúc đẩy thiết lập các khuôn khổ đối tác mới về KH,CN&ĐMST, đưa KH&CN trở thành trọng tâm trong các khuôn khổ đối tác, trong đó có các nền kinh tế khu vực Trung Đông, châu Âu…, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trọng tâm là công nghệ sinh học, năng lượng, môi trường, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa...

Thứ tư, tăng cường huy động các nguồn lực quốc tế, các nguồn tài chính xanh, gắn với chuyển giao công nghệ. Thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, có tính dẫn dắt, lan tỏa, gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn toàn cầu.

Thứ năm, chủ động đề xuất, thúc đẩy sáng kiến hợp tác, tham gia định hình các khuôn khổ luật lệ mới về KH,CN&ĐMST tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), hợp tác Mê Công... Đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ tổ chức Triển lãm về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tăng trưởng xanh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh P4G (tháng 4/2025).

Thứ sáu, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện thể chế. Các bộ, ngành trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước để tiếp tục đổi mới, cải cách, quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế trong nước, đưa thể chế thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH,CN& ĐMST và chuyển đổi số.

Truyền thông Argentina đánh giá cao nỗ lực ngoại giao kinh tế của Việt Nam.

Nhìn nhận ngoại giao kinh tế là động lực mới và quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ, như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hợp tác khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm…

Những kết quả trong hoạt động ngoại giao 6 tháng đầu năm 2025 và trước đó đã và đang là minh chứng sống động cho đường lối ngoại giao công nghệ của Việt Nam, nền tảng để đưa nền kinh tế đất nước vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên đổi mới toàn cầu.

Bài: Lê Vân
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Hà Nguyễn

30/06/2025 06:59