Bước vào kỷ nguyên công nghệ số, Việt Nam đã định hình rõ khái ngiệm ngoại giao công nghệ trên nền tảng ngoại giao khoa học truyền thống, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Để có được điều đó là những đóng góp không nhỏ của những doanh nghiệp công nghệ trong nước để khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.  

Buổi chiều 23/6/2025 tại trụ sở chính FPT Tower, một khoảnh khắc đáng nhớ đã diễn ra trong sự hồi hộp xen lẫn tự hào của ông Đỗ Văn Khắc - Phó Tổng Giám Đốc FPT Software kiêm Giám Đốc FPT Nhật Bản, Tập đoàn FPT. FPT đặt bút ký hợp đồng khung trị giá hơn 100 triệu USD trong 5 năm với một tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực y tế. Thỏa thuận mở ra cơ hội mở rộng hợp tác toàn cầu, bao gồm phát triển phần mềm, tư vấn, quản lý dự án, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bán hàng, tối ưu đối tác và tham gia các dự án chuyển đổi số của khách hàng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân.

Sự kiện này xóa bỏ ám ảnh “nhặt bạc lẻ” với những hợp đồng ngắn hạn và nhỏ trong suốt 25 năm qua tại thị trường Nhật Bản của FPT, đồng thời thể hiện sự tin tưởng ngày càng sâu sắc từ phía khách hàng Nhật Bản.

Chia sẻ về hợp đồng lịch sử này, ông Khắc cho biết, “Hợp đồng này không chỉ lớn về quy mô mà còn đánh dấu sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng vào FPT. Trong văn hóa kinh doanh của người Nhật, uy tín được đặt lên hàng đầu, họ sẽ không đưa ra “bánh vẽ” với đối tác. Khi đã giao kèo thì chắc chắn là họ có đủ việc để giao cho đối tác và đối tác cũng phải có đủ năng lực để triển khai khối lượng công việc đó”.

Ông Đỗ Văn Khắc.

Hợp đồng trăm triệu USD của FPT không chỉ đến từ thị trường Nhật Bản mà còn đến từ Mỹ, Singapore, Đức….

Năm 2021, trước tác động của đại dịch COVID-19, cùng với việc xem xét lại ngân sách đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng rút gọn danh sách đối tác. FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này khi một công ty hàng đầu về cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành quyết định rút gọn danh sách các đối tác cốt lõi, từ con số vài chục xuống còn dưới 5 đối tác. Họ làm việc này nhằm tối ưu khoản ngân sách hàng trăm triệu USD chi tiêu cho các dự án công nghệ thông tin hàng năm của mình. Qua các vòng đấu thầu, FPT đã vượt qua các đối thủ "sừng sỏ", thay đổi vị thế công ty trên đất Mỹ, trở thành đối tác ưu tiên số 1 trong tất cả các dự án công nghệ thông tin của công ty này. Nghĩa là cứ có dự án thì đối tác triển khai sẽ là FPT, các đối tác còn lại sẽ là phương án dự phòng.

Một trong những yếu tố giúp FPT ghi điểm với khách hàng đó là nguồn nhân lực chất lượng cao và mô hình best-shore (mô hình kết hợp nguồn lực trên quy mô toàn cầu từ nguồn lực tại chỗ (onshore), gần kề (nearshore) đến từ xa (offshore)). 

Chỉ trong vòng 6 tháng, FPT huy động nguồn lực từ con số 0 lên 1.000 để triển khai dự án cho khách hàng. Sau 5 năm hợp tác, niềm tin đã được xây dựng vững chắc. Đối tác quyết định nâng tầm mối quan hệ bằng một hợp đồng trị giá 225 triệu USD – lớn nhất trong lịch sử FPT. Điều khiến FPT khác biệt không chỉ nằm ở năng lực triển khai, mà còn ở cách tiếp cận. Ngay từ khâu đề xuất, FPT đã thẳng thắn chia sẻ với khách hàng rằng họ nên có ba nhà cung cấp cùng tham gia - một lời khuyên thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tinh thần hợp tác thực chất. Trong khi nhiều đối thủ cố gắng “ôm trọn” dự án, FPT lại chọn cách “biết người biết ta”, tạo dựng niềm tin bằng sự chân thành.

Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore.

Tại Singapore bằng sự kiên định và bước đi táo bạo, FPT đã dành được hợp đồng 110 triệu USD với khách hàng là một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Á. FPT đang triển khai hơn 20 chương trình/dự án ở các mảng chủ chốt của ngành hàng không, hỗ trợ 11 đơn vị  và 5 công ty con của khách hàng.

Thay vì chấp nhận gia hạn hợp đồng tự động 3 năm như thông lệ, FPT đã chủ động đề xuất một hợp đồng 5 năm – một bước đi chưa từng có tiền lệ. Đó là lựa chọn mang tính rủi ro, nhưng cũng thể hiện sự tự tin vào năng lực và tầm nhìn chiến lược.

Đằng sau bản hợp đồng trị giá 110 triệu USD là 14 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng: 11 tháng trước đấu thầu và 3 tháng đàm phán. FPT không chỉ hiểu bài toán công nghệ, mà còn nắm rõ từng ngóc ngách trong vận hành của ngành hàng không. Họ đưa ra các sáng kiến mang lại giá trị thực tiễn, thể hiện năng lực vượt trội trong các mảng công nghệ chủ lực.

Điều khiến FPT được chọn không chỉ là năng lực kỹ thuật, mà là sự cam kết, sự thấu hiểu và khả năng đồng hành lâu dài. Từ một vendor “mùa vụ”, FPT đã trở thành đối tác chiến lược, góp phần định hình tương lai số của một trong những hãng hàng không lớn nhất khu vực.

Cuối tháng 6/2025, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp và cộng đồng doanh nghiệp Việt – Pháp tại thủ đô Paris, FPT và Airbus tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác với thỏa thuận dịch vụ chính (MSA) công nhận FPT là Đối tác Công nghệ Chiến lược Toàn cầu của tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới này. 

“Cột mốc này khẳng định tiềm năng ngày càng lớn trong quan hệ đối tác giữa hai bên và cũng đồng thời ghi nhận năng lực, chuyên môn công nghệ của FPT ngày càng được khẳng định vững chắc theo thời gian. Airbus tiếp tục tin tưởng FPT là đối tác tin cậy và có năng lực thực thi cao”, ông Wouter Van Wersch – Phó Chủ tịch Điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến FPT và Airbus thắt chặt mối quan hệ hợp tác với thỏa thuận dịch vụ chính (MSA) công nhận FPT là Đối tác Công nghệ Chiến lược Toàn cầu của tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới này. 

Trước đó, tại triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2025 diễn ra đầu tháng 3/2025 ở Tây Ban Nha, Viettel cho biết đã ký thỏa thuận để đưa thiết bị viễn thông lên mạng lưới của Emirates Integrated Telecommunications (DU), một trong những nhà mạng hàng đầu tại UAE và khu vực Trung Đông. Hai hạng mục được triển khai giai đoạn đầu là mạng 5G Open RAN công cộng và mạng riêng 5G riêng.

Viettel cho biết việc DU sử dụng hệ thống 5G Open RAN đánh dấu lần đầu tiên thiết bị viễn thông trong nước sản xuất được đưa vào mạng lưới của một nhà mạng nước ngoài. Số lượng trạm và thời gian triển khai chưa được hé lộ. Trước đây, hãng từng xuất khẩu một số hệ thống 5G Private dùng trong mạng riêng của một số doanh nghiệp tại Ấn Độ.

RAN là phần truyền dẫn vô tuyến kết nối thiết bị đầu cuối của người dùng với mạng, trước khi được xử lý qua phần mạng lõi. Trước đây, đa số nhà mạng sử dụng hệ thống RAN truyền thống, thường do một đơn vị duy nhất cung cấp vì tính "đóng" và không tương thích với thiết bị của hãng khác. Chuẩn mở Open RAN giúp các nhà mạng có thể linh hoạt kết hợp sản phẩm của nhiều nhà cung cấp khác nhau, giúp tối ưu hóa chi phí cũng như hiệu quả khai thác. Tháng 11 năm ngoái, Viettel cho biết đã xây dựng thành công các trạm 5G Open RAN, dự kiến lắp cho 300 trạm trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài vào đầu 2025.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Viettel High Tech cho biết, việc được nhà mạng nước ngoài sử dụng mang ý nghĩa "bảo chứng" cho chất lượng của sản phẩm Việt.

Triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2025 diễn ra đầu tháng 3/2025 ở Tây Ban Nha.

Theo Tổng giám đốc DU, Fahad Al Hassawi, tích hợp 5G Private và OpenRAN từ Viettel sẽ giúp công ty xây dựng hệ sinh thái viễn thông thế hệ mới, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng. Nhà mạng từ UAE đang ưu tiên đầu tư vào hạ tầng viễn thông để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ viễn thông trên thế giới.

Hỗ trợ triển khai thiết bị Viettel lên mạng lưới của DU là HCT Group. Ông Salah Ali, CEO HCT Group, cho biết: "Mục tiêu năm 2025 của chúng tôi là triển khai 5G Private quy mô lớn, hỗ trợ các nhà mạng khu vực hiện đại hóa hạ tầng cốt lõi và mạng RAN, giúp họ chuyển đổi thành công từ 4G sang 5G". Thiết bị của Viettel đã được đơn vị này thử nghiệm tại một số thị trường như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Oman và Yemen.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, ba yếu tố quan trọng giúp FPT thành công khi ra biển lớn đó là sự kiên định, nguồn nhân lực và đầu tư cho R&D. 

Doanh nghiệp nếu muốn ra biển lớn, trước hết phải kiên định. Mấy chục năm trước, những doanh nghiệp mang sứ mệnh tiên phong, dám vượt qua vùng an toàn, để ra nước ngoài, đều đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. FPT khi ấy chọn con đường ra thế giới bằng xuất khẩu phần mềm. Dư luận nghi ngờ, đặt câu hỏi “Liệu có làm được không?”. Chưa kể ở thời điểm đó cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ra nước ngoài còn khá hạn chế, ngành CNTT Việt Nam chưa có tên tuổi. Nhưng FPT quyết tâm vượt qua dư luận, không ngại dấn thân, không ngại thử thách. 

FPT đã tập hợp được đội ngũ những con người dám làm điều người khác không dám làm. Chúng tôi có khát vọng, nếu chỉ chọn ở trong vùng an toàn thì sẽ không bứt phá được, còn khi dám đặt mình vào tình thế đối mặt với thất bại, cơ hội đổi chiều mới xuất hiện. Một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi tập hợp được cộng sự giỏi, cùng chí hướng, chung khát vọng. Đồng thời, muốn vươn ra thị trường quốc tế phải có nhân lực chất lượng cao. Do đó mà từ rất sớm, FPT đã tập trung vào đào tạo chuẩn bị nguồn lực công nghệ cho Việt Nam. Đặc biệt ở thời điểm này, khi làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới, chúng tôi nhận thấy họ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, năng lực triển khai, ứng dụng AI. Với dân số trẻ, đam mê công nghệ và có khát vọng vươn lên thì đây chính là cơ hội dài hạn cho Việt Nam, cho FPT khẳng định vị thế trong kỷ nguyên AI.

“Nhưng chỉ có nhân lực thôi thì chưa đủ. Doanh nghiệp công nghệ Việt muốn bứt phá phải đầu tư mạnh cho R&D. Tỷ lệ đầu tư cho R&D phải ở mức đủ lớn để tạo sự khác biệt, để biến khát vọng thành hiện thực”, ông Nguyễn Văn Khoa nói. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, công tác ngoại giao kinh tế đã và đang được được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả, bám sát tinh thần của Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Nghị quyết 21 về Chương trình hành động của Chính phủ và các định hướng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mang lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Các sản phẩm của Viettel được trưng bày tại Triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2025.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) yêu cầu Việt Nam cải thiện công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định xuất xứ. Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao như sản xuất sạch và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Đánh giá về những thành tựu trong ngoại giao khoa học và công nghệ thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, qua trao đổi với các đối tác quốc tế và qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, cộng đồng quốc tế bày tỏ rất ấn tượng và đánh giá cao tư duy, trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta xác định khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt để tạo đột phá phát triển. Tất cả những yếu tố đó đã tạo đà cho sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng cao vào quá trình chuyển đổi, thích ứng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Intel, Google, Samsung, LG đều cam kết mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, ngoại giao kinh tế đã thực sự trở thành nội hàm then chốt trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt năm 2024, với hơn 170 thoả thuận hợp tác được ký kết, qua đó hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ được đẩy mạnh. Trong khi đó, các động lực tăng trưởng mới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Cụ thể, với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết 9 văn kiện cấp Chính phủ về hợp tác năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; ta đưa nội dung về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số vào trọng tâm hợp tác với UAE và Qatar thời gian tới…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fujil Hisayuki. 

Đặc biệt, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động quyết đoán, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, đúng thời điểm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ lớn. Nổi bật trong năm qua là việc ta thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu vào Việt Nam, như NVIDIA, Amkor, LG, Hyosung, Foxcom...

Trong 6 tháng đầu năm 2025, với những quyết sách mạnh mẽ từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, ngoại giao kinh tế và cụ thể là ngoại giao công nghệ đã thể hiện những khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên số. 

Vấn đề đặt ra ở đây là có thể tận dụng được lợi thế vượt trội của mỗi quốc gia, dân tộc để tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển trong một “thế giới phẳng” mà trí tuệ, năng lực sáng tạo và công nghệ số là nền tảng hay không? Đây cũng là vấn đề đặt ra với ngoại giao công nghệ.

Đón đọc bài 2: Đòn bẩy ‘ngoại giao công nghệ’ 

Bài: Lê Vân
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Hà Nguyễn

30/06/2025 06:00