Ngoại giao kinh tế đã và đang thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Trong đó, ngoại giao công nghệ đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy ngoại giao kinh tế một cách hữu hiệu.
Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, câu chuyện trên bàn đối thoại, đàm phán không chỉ là an ninh, chính trị, kinh tế mà khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột quan trọng. Ngoại giao truyền thống đang chuyển hóa thành ngoại giao công nghệ – tập trung vào tiếp cận công nghệ lõi, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3), tiến hành các hoạt động song phương tại Pháp, thăm chính thức Cộng hoà Estonia và Vương quốc Thụy Điển từ ngày 5 – 14/6.
Nêu về những kết quả nổi bật của chuyến công tác này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến công tác đã định hình những khuôn khổ hợp tác trong các lĩnh vực mới mà các nước đối tác có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Chúng ta đều biết Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về viễn thông, hàng không-vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ chế tạo, đường sắt tốc độ cao…; Thụy Điển có thế mạnh về đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn..., trong khi Estonia là quốc gia đi đầu về chuyển đổi số và áp dụng chính phủ điện tử ở châu Âu. Qua chuyến công tác này, Việt Nam và Thụy Điển đã trở thành đối tác chiến lược ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Pháp và Estonia đều khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam hợp tác chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm các thực tiễn tốt và giải pháp công nghệ trong thời gian tới.
Tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Singapore và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực số và công nghệ mới nổi là 1 trong những tuyên bố chung quan trọng giữa hai quốc gia.
Trong phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ 3 nội dung: Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triết lý của Việt Nam về hợp tác và phát triển trong kỷ nguyên số; và những bài học từ hợp tác Việt Nam – Singapore cùng ý nghĩa dài hạn của mối quan hệ này.
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Singapore, sáng 13/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Singapore với chủ đề “Việt Nam - điểm đến của kỷ nguyên khoa học công nghệ và hợp tác tài chính”.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm lập quốc - trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu đó, không có con đường nào khác ngoài đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tổng Bí thư, đây chính là "chìa khóa vàng" giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và vươn lên bắt kịp thời đại. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không phải là lựa chọn tùy ý, mà là con đường sống còn để hiện thực hóa khát vọng dân tộc.
Ngoại giao công nghệ không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định lĩnh trên thị trường toàn cầu mà còn giúp đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ của thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi như AI, Bán dẫn….
Tính đến hết năm 2024, đã có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 42.002 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 502,8 tỷ USD.
Toàn cảnh Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các doanh nghiệp, hiệp hội.
Trong năm 2024, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế chính sách nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như: Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐTTg ngày 21/09/2024); Nghị định số 182/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Kết quả là nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và mở rộng vốn trong năm 2024, đồng thời tiếp tục củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Điển hình là Amkor – Tập đoàn tiên phong về sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu, đã tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD trong năm 2024, sớm hơn tới 11 năm so với kế hoạch ban đầu, nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy ở Bắc Ninh lên 1,6 tỷ USD. Hay Tỷ phú Jensen Huang của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) quay trở lại Việt Nam và chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế mà còn tạo đà cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, NVIDIA là tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Hợp tác giữa hai bên tập trung vào phân khúc cao nhất trong chuỗi cung ứng của NVIDIA, đó là thiết lập trung tâm R&D về AI tại Việt Nam.
"Đây là phần lõi hệ sinh thái. Điều này sẽ kéo nhiều doanh nghiệp cung cấp các thiết bị AI data center sẽ theo vào. Trung tâm này được kỳ vọng trở thành ‘thỏi nam châm’ thu hút các các nhà đầu tư và đối tác công nghệ cao đến Việt Nam", ông Hoài cho biết.
Khác với mô hình thu hút đầu tư từ các "ông lớn" công nghệ trước đây, chủ yếu mới ở mức xây dựng những nhà máy, tổ hợp sản xuất đơn thuần nhằm tận dụng lực lượng lao động giá rẻ, việc thu hút NVIDIA đầu tư vào trung tâm R&D về AI hứa hẹn sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hiên nay, trong số các "đại bàng" công nghệ toàn cầu đến Việt Nam chỉ có Samsung và NVIDIA quyết định đầu tư vào trung tâm R&D lớn. Riêng trong lĩnh vực AI, NVIDIA là tập đoàn đầu tiên lập trung tâm R&D.
Điều này xuất phát từ thực tế phát triển công nghệ AI là lĩnh vực mới, có nhiều triển vọng, Việt Nam đang có cơ hội là quốc gia đi đầu trong phát triển công nghệ AI tại châu Á.
Đặc biệt, NVIDIA đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng với họ trong suốt thời gian qua. Trên thực tế, trước khi quyết định lập trung tâm R&D về AI tại Việt Nam, NVIDIA đã chuyển dịch một phần chuỗi giá trị sản xuất hàng tỉ USD đến Việt Nam.
Tỷ phú Jensen Huang của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) quay trở lại Việt Nam và chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Trước đó, NVIDIA cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với FPT triển khai Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) với quy mô dự kiến lên tới 200 triệu USD. Đầu năm 2025, FPT đã đưa vào vận hành hai Nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản. Hiện hai nhà máy này đứng trong TOP500 các siêu máy tính mạnh nhất thế giới, khẳng định năng lực vượt trội của FPT trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud). Đây cũng là dấu mốc đưa Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 15 quốc gia AI hàng đầu thế giới, cùng các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp - minh chứng cho nỗ lực của FPT trong nâng cao vị thế công nghệ quốc gia.
FPT đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ phát triển thêm 3 nhà máy AI trên toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về hạ tầng tính toán AI.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thăm AI Factory.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT: Nghị quyết 57-NQ/TW thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải chủ động vươn ra thị trường quốc tế. Mà để làm được điều đó, phải thay đổi tư duy. Ngoại giao không chỉ là việc của nhà nước mà phải trở thành kỹ năng cốt lõi của doanh nghiệp. Ngoại giao kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nếu được làm bài bản và chủ động, chính là cánh cửa mở ra thị trường toàn cầu. Hiện doanh nghiệp công nghệ vươn ra thế giới cũng đã nhận được sự thuẫn mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Đại sứ Việt Nam ở các thị trường nước ngoài trọng điểm đều đang hoạt động như một “đại sứ công nghệ”. Nếu để ý, đa phần doanh nghiệp đi theo các đoàn ngoại giao ra nước ngoài chủ yếu để… mua hàng. Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các quốc gia tiên tiến. Do vậy doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp được giá trị cho khách hàng quốc tế. Chính vì thế, ngoại giao không chỉ trong chính trị, mà ngoại giao kinh tế cực kỳ quan trọng, các doanh nghiệp phải tham gia vào đó.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chủ động vươn ra thị trường quốc tế.
Với mong muốn trở thành một quốc gia công nghệ sánh vai với các “cường quốc năm châu”, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình, kết nối với nhiều quốc gia để hiện thực hóa khát vọng trở thành một phần không thể thiếu trong “sân chơi công nghệ toàn cầu”.
Cùng với việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học chung với các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… hay những quốc gia có nền tảng công nghệ phát triển như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam đã tham gia và có vị thế ngày càng cao tại nhiều diễn đàn công nghệ khu vực và toàn cầu, như: Diễn đàn kinh tế số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Cùng với việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm mục đích tạo “sân chơi”, hội tụ các nhà đầu tư, công ty công nghệ quốc tế…, Việt Nam đã tăng cường hoạt động tiếp xúc với doanh nghiệp công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các startup quốc tế…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, nhiều cơ hội đang mở ra cùng nỗ lực hợp tác đa chiều, đa mục tiêu. Tuy nhiên, để vươn lên cùng xu thế phát triển của thời đại, các nhà hoạch định cần đưa ra những chính sách, mô hình phù hợp. Nói cách khác, Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm quốc gia về ngoại giao công nghệ - được hình thành từ tầm nhìn và tư duy mới, với khung chính sách rõ ràng, những mục tiêu trước mắt và dài hạn cũng như thứ tự ưu tiên trên từng lĩnh vực: AI, bán dẫn, năng lượng sạch, an ninh mạng…
Trong hàng loạt việc cần làm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ, chúng ta cần ưu tiên xây dựng đội ngũ chuyên trách có khả năng tiếp cận công nghệ cao, năng lực kết nối… tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phát triển mạng lưới trí thức kiều bào làm cầu nối cho hợp tác R&D, khởi nghiệp công nghệ, thu hút đầu tư.
Theo ông Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, hiện nay, thế giới đang thực hiện tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu thông qua hoạt động trao đổi hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết thông qua các khung hợp tác song phương đa phương chặt chẽ, chính vì vậy vai trò của ngoại giao rất quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Việt Nam chính vì vậy đã tranh thủ thông qua ngoại giao để có thể tìm kiếm thêm cơ hội phát triển ngành bán dẫn.
Viettel ký kết hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ với các đối tác quốc tế.
Theo Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, những nỗ lực này đã được thể hiện qua loạt động thái bao gồm: Ngay từ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu tái cấu trúc, Bộ Ngoại giao đã chủ động nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều nguồn thông tin quý báu từ phía bạn.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu độc lập từ phía Bộ Ngoại giao cũng đã giúp cho doanh nghiệp có thêm thông tin để xác định được chiến lược tham gia ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Phó Tổng Giám đốc Đào Xuân Vũ nhấn mạnh quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế là một trong những chiến lược chủ chốt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là khát vọng, mà là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nơi mà mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chủ động tìm kiếm, nâng cao vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc Đào Xuân Vũ kiến nghị công tác đối ngoại, ngoại giao cũng cần có những giải pháp mang tính đột phá ở cả chiều đi và chiều về.
Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) gặp gỡ các đối tác tại MWC Barcelona 2025.
Một là, đưa Việt Nam ra thế giới bằng cách đẩy mạnh việc đưa sản phẩm, giải pháp của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh xuất khẩu các nguyên liệu thô, các doanh nghiệp cần tăng cường các sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao - nhất là những sản phẩm do chính Việt Nam làm chủ, nghiên cứu, sản xuất.
Hai là, chiều đưa thế giới về Việt Nam, tức là thu hút đầu tư nước ngoài, đưa sản phẩm công nghệ tiên tiến trên thế giới về ứng dụng ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ các nước nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Asean. Các doanh nghiệp đều đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đề xuất thay đổi các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mạnh và hiệu quả hơn nữa tại Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hoạt động đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn sắp tới, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel đề xuất các Bộ, ban, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao về kinh tế, ngoại giao về công nghệ. Viettel kiến nghị Đại sứ quán, lãnh sự quán và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tiếp tục là cầu nối tích cực hơn, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm, dịch vụ sang các quốc gia khác, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu Việt ở nước ngoài.
Những chia sẻ từ đại diện FPT, Viettel chỉ là một số lát cắt trong bức tranh rộng lớn hơn – nơi nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt khác cũng đang tích cực vươn ra thế giới với sự đồng hành của hệ thống ngoại giao quốc gia.
Các doanh nghiệp công nghệ số tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VFTE lần thứ VI.
Trong hành trình “đưa Việt Nam ra thế giới, và mang thế giới về Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt đã không ngừng nỗ lực đưa Việt Nam trở thành đối tác công nghệ uy tín trên quy mô toàn cầu, đưa thương hiệu ngành CNTT Việt Nam ngày càng cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ của thế giới.
Việc này không thể tách rời sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan ngoại giao, đặc biệt là trong các đoàn công tác cấp cao, các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán và đại diện thương mại đang ngày càng trở thành “cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp kết nối thị trường, gỡ rào cản pháp lý, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và xúc tiến đầu tư.
Nhiều cơ hội đang mở ra cùng nỗ lực hợp tác đa chiều, đa mục tiêu. Trong bối cảnh đó, để vươn lên cùng xu thế phát triển của thời đại, các nhà hoạch định cần đưa ra những chính sách, mô hình phù hợp. Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm quốc gia về ngoại giao công nghệ - được hình thành từ tầm nhìn và tư duy mới, với khung chính sách rõ ràng, những mục tiêu trước mắt và dài hạn cũng như thứ tự ưu tiên trên từng lĩnh vực: AI, bán dẫn, năng lượng sạch, an ninh mạng…
Như vậy, trong hàng loạt việc cần làm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ, chúng ta cần ưu tiên xây dựng đội ngũ chuyên trách có khả năng tiếp cận công nghệ cao, năng lực kết nối… tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phát triển mạng lưới trí thức kiều bào làm cầu nối cho hợp tác R&D, khởi nghiệp công nghệ, thu hút đầu tư.
Bài: Lê Vân
Ảnh: TTXVN, CTV
Trình bày: Hà Nguyễn
30/06/2025 11:59