Bên trong khu nhà xưởng sản xuất nấm công nghệ cao rộng 3 ha của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, tại xã Đốc Kính, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm nghiêm ngặt. Nguyên liệu ban đầu để sản xuất nấm hoàn toàn là nguyên liệu hữu cơ được xử lý
khử trùng trước khi đưa vào sản xuất. Loại nấm này sinh trưởng trong nền nhiệt độ 5-16 độ C, ở giai đoạn ươm sợi rất mẫn cảm với môi trường nên nước cung cấp cho máy tạo ẩm phải sạch tuyệt đối.
Chị Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao cho biết, để chinh phục được các loại nấm, trong đó có loại “đỏng đảnh” như nấm kim châm, công ty phải trải qua quá trình dài tìm tòi, thử nghiệm.
Năm 2006, nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm nấm trên thị trường ngày một tăng, chị Huệ đã sang Nhật Bản học hỏi kỹ thuật nuôi trồng nấm và khi trở về mạnh dạn thuê 3 ha đất để mở xưởng trồng nấm sạch đầu tiên tại Việt Nam sử dụng toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc từ Nhật Bản. Vốn đầu tư ban đầu là 50 tỷ đồng chưa cho thành quả ngay.
Clip mô hình trồng nấm của những người nông dân 4.0:
Thời gian đầu tiếp cận với công nghệ mới, công ty đã gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, có những lô nấm không ra hình hài, hoặc năng suất rất thấp khiến những “người trong cuộc” lo lắng đứng ngồi không yên.
Bằng nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật, chất lượng nấm dần được khẳng định. Năm 2017, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhật Bản sản xuất nấm đầu tiên của Việt Nam. Hiện mỗi ngày trang trại nấm của công ty cung cấp ra thị trường 3 tấn nấm, ký hợp đồng phân phối toàn bộ tại các hệ thống siêu thị lớn và cửa hàng thực phẩm sạch nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long ở thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai là HTX chăn nuôi điểm của Hà Nội ứng dụng công nghệ và an toàn sinh học vượt qua giai đoạn ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long cho biết, số đầu lợn của trại vẫn luôn giữ ở mức ổn định trên 4.000 con mỗi lứa (trên 500 con lợn nái, gần 4.000 lợn thương phẩm).
Bí quyết thành công vượt qua dịch bệnh của các trang trại trong HTX Hoàng Long là đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học trong chăn nuôi với sự góp sức không nhỏ của công nghệ. Đáng chú ý, trong trang trại chăn nuôi quy mô 5 ha của HTX thì có hơn 2,8 ha dành cho khu vực xử lý chất thải chăn nuôi và tận dụng nguồn nguyên liệu từ chăn nuôi để nuôi trồng thủy sản.
Để xây dựng trang trại quy mô đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, ISO 9001, HTX đã xây nhà tầng cho lợn ở từ năm 2007. Việc ứng dụng công nghệ cao được áp dụng trong mọi khâu. Trong đó, khu chăn nuôi lợn thịt của HTX luôn được bảo đảm vệ sinh, từ máng ăn đến không gian chuồng trại, có cả máy ozon sát trùng hiện đại, quạt hút gió, dàn mát… HTX đã lắp đặt và vận hành hệ thống bơm, tra cám tự động nhập khẩu từ Tây Ban Nha có kiểm soát bằng camera. Nước chăn nuôi được xử lý qua lọc thô, lọc tinh, xử lý bằng clo hoặc thuốc tím. Riêng khu chăm sóc lợn con sau khi được cai sữa nằm trên tầng 3 sạch sẽ, được lắp các bóng đèn công nghệ cao, vừa để sưởi ấm vừa sát trùng cho lợn giống.
Hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi khép kín tách rời khỏi khu chăn nuôi với hồ lắng, hồ sinh học, hồ tạo oxi, hồ nuôi cá... Sau xử lý, lượng nước thải sẽ chảy ra hồ sinh học và bảo đảm hồ này sẽ nuôi được cá sạch, môi trường thân thiện, trong lành…
Quy trình khép kín này sau được phát triển thêm 1 xưởng giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, 1 xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm cho tổng số lao động 35 người, mức lương trung bình 8 triệu đồng/người mỗi tháng. Hàng ngày, chuỗi cung ứng thịt lợn của HTX cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.
Điểm nổi bật ở những nông dân thế hệ mới như chị Dương Thị Thu Huệ và ông Nguyễn Trọng Long là tư duy mới, cách làm mới, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình.
Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy
01/02/2022 11:08