Đợt dịch COVID-19 thứ tư đang dần được kiểm soát, tạo đà cho các hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn "bình thường mới", đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, đang được các địa phương chú trọng triển khai.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp tăng cường, có nơi áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu ở yên đó”. Tận dụng “thời gian vàng” trong thời gian giãn các xã hội, các địa phương đã phủ rộng tiêm vaccine ngay khi có nguồn và đẩy mạnh xét nghiệm để bóc tách các ca F0 khỏi cộng đồng.
Đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã có những tín hiệu tích cực khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm dần, những ngày gần đây tiếp tục giảm mạnh, nhất là tại các điểm nóng của dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khu vực phía Nam, các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được khôi phục. Các biện pháp phòng chống dịch đã được thay đổi nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, dịch bệnh với sự khốc liệt trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế và đời sống xã hội. Nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải giảm công suất, buộc phải cho công nhân nghỉ việc.
Số liệu gần đây từ Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại các tỉnh phía Nam, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và người lao động tự do tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tính đến cuối tháng 8, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh đạt kỷ lục trong giai đoạn 2016 - 2020 với trên 23.000 doanh nghiệp, trên 625.000 người lao động ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các khu chế xuất, khu công nghiệp ở thành phố bị mất việc, ngừng việc.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Cũng từ tháng 6 đến hết tháng 8, gần 90% doanh nghiệp trong khu vực đã tạm ngưng hoạt động.
Nhiều lao động thất nghiệp, không có thu nhập, sau nhiều ngày bám trụ tại thành phố cũng đành quyết định cho gia đình, con cái trở về quê, nhất là sau khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội từ 1/10. Chưa kể, trong suốt thời gian qua, do có nhiều lần giãn cách xã hội nên nhiều lao động kẹt lại ở các địa phương chưa thể trở về. Việc đưa đón lao động tới nơi làm việc hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn do phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc và cần thiết để phòng chống dịch.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực khi khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất với doanh nghiệp xuất khẩu, cần hoàn thành các đơn hàng, cũng như nhanh chóng khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thời điểm này, các ngành nghề, đơn vị sản xuất kinh doanh đang bước đầu khôi phục lại hoạt động nên rất cần có những thông tin về nhu cầu tuyển dụng, dự báo nhu cầu nhân lực của từng địa phương, từng doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Việc dự báo, kết nối doanh nghiệp và người lao động rất cần thiết và cần thực hiện bài bản.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhân lực tại thành phố cần khoảng trên 43.600 - 56.800 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở các nhóm nghề mang tính thế mạnh như kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, vận tải - cảng - kho bãi, du lịch - nhà hàng - khách sạn... Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với khoảng trên 87% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm gần 13%.
Với tỉnh Bình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phạm Văn Tuyên cho biết, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lên phương án để sản xuất trở lại, dự báo tỉnh có thể thiếu hụt tới 40.000 - 50.000 lao động.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương) cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để khôi phục hoặc mở rộng sản xuất như: Công ty Techtronic Industries, chuyên sản xuất thiết bị điện cầm tay, thiết bị điện sử dụng ngoài trời có kế hoạch tuyển dụng 3.000 công nhân sản xuất cho 4 nhà máy của công ty đóng ở một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngoài lương cơ bản, công ty này còn có các chế độ phụ cấp ca đêm, phụ cấp hàng tháng cho người lao động. Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên gỗ Hoàng Thông ở Khu Công nghiệp Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đang cần ngay 100 lao động phổ thông...
Tại Đồng Nai, theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai), vào cuối tháng 9, sàn giao dịch việc làm trực tuyến được đơn vị tổ chức đã thông tin đến người lao động nhu cầu tuyển dụng lao động, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tham gia sàn giao dịch có 28 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, trong đó có 15 doanh nghiệp đăng ký phỏng vấn trực tuyến tại sàn với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm số lượng lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: may mặc, giày da, điện tử…
Như thế, nhu cầu về lao động là rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động để phù hợp trong giai đoạn "bình thường mới". Trong thời điểm này, việc thông qua các sàn giao dịch trực tuyến, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội là giải pháp các đơn vị chức năng, các đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch COVID-19.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với “gói” việc làm “3 trong 1” (giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ, xét nghiệm COVID-19 miễn phí) nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm đến, ở lại thành phố tìm việc được nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong thời gian diễn ra chương trình, Trung tâm phối hợp với mạng lưới các đơn vị dịch vụ việc làm của tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, tổ chức Công đoàn ở các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động.
Ngay trong những ngày đầu tháng 10, chương trình đã nhận được sự tham gia của trên 170 doanh nghiệp với hơn 50.000 vị trí tuyển dụng, việc làm. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, các đơn vị chức năng của thành phố cũng đã lên phương án phối hợp với các tỉnh, thành phố trong tổ chức vận chuyển, đưa người lao động đến thành phố làm việc trong tình hình mới được thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm làm tỉnh Đồng Nai, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người lao động vẫn còn lo lắng, chưa an tâm ở lại hoặc đến làm việc tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Với mong muốn tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tình hình mới, giúp người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phỏng vấn, tương tác một cách thuận lợi; tăng cường tuyên truyền, động viên người lao động, nhất là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia phỏng vấn trực tuyến để sớm có việc làm trở lại.
Theo một số chuyên gia, thị trường lao động, việc làm tại các địa phương, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hứa hẹn sôi động hơn trong thời gian tới. Song, giai đoạn này cả doanh nghiệp và người lao động đều đều gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để việc phục hồi sản xuất, kinh doanh được hiệu quả, bên cạnh những chính sách, quyết định kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, rất cần có sự chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và bản thân người lao động.
Trong tọa đàm mới đây về "Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch", Tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Để đảm bảo nguồn cung lao động, ông Vũ Trọng Bình khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn. Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Chuẩn bị cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp… Trong đó, tập trung đào tạo, tái đào tạo lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…
Để thu hút người lao động sớm trở lại làm việc, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần kết nối với tổ chức Công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khỏe cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm.
"Thông qua mạng xã hội, điện thoại, Zalo…, doanh nghiệp cần gửi thư kêu gọi, công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp để tổ chức đón người lao động trở làm việc…", ông Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động được tốt hơn. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của doanh nghiệp trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch…
Còn về phía người lao động, một số chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết để đáp ứng yêu cầu người sử dụng lao động, có việc làm ổn định, người lao động cần nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Bà Bùi Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty thương mại GEARVN, nhận định sau giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp có những thay đổi trong phương thức tổ chức làm việc, sản xuất, kinh doanh. Người lao động cần sẵn sàng thích nghi, đồng hành cùng người sử dụng lao động, các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, công nghệ thông tin, linh hoạt thích ứng, tinh thần vượt khó là những ưu thế để người lao động được tuyển dụng và làm việc hiệu quả trong giai đoạn "bình thường mới".
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy cho thị trường lao động cả về kỹ năng của người lao động cũng như trong cung ứng lao động. Để thích ứng trong quá trình lao động mới, doanh nghiệp và người lao động đều cần có sự thay đổi, thích nghi. Người lao động cần có các phẩm chất như tính tự chủ, tính kỷ luật, chịu trách nhiệm, gắn bó với doanh nghiệp; có ý thức bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng liên quan đến nghề để bù đắp những thiếu hụt hay gián đoạn trong thực hành các kỹ năng do thời gian dài nghỉ việc vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Thất nghiệp và thiếu việc làm cao nhất trong 10 năm:
Bài: Thanh Trà - Thanh Vũ - Hoàng Linh
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Hà Nguyễn
16/10/2021 06:25