Trong diễn biến phức tạp và hệ lụy khôn lường của đại dịch COVID-19 hiện nay, trẻ em được xem là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được xã hội đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Vì vậy, các cấp, các ngành và nhiều nguồn lực xã hội đang chung tay chăm lo, bảo đảm mọi quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập…

Mùa Trung thu năm nay đã diễn ra vô cùng đặc biệt khi đúng tiết Trung thu mà nhiều nơi vẫn đang phải giãn cách xã hội do tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp. Không thấy cảnh rộn rã rước đèn ông sao, âm vang trống ếch hay “chú Cuội, chị Hằng” xúng xính váy áo để phát quà bánh tận tay các em trong không gian rộng của phố phường, trước đông đúc những gương mặt trẻ thơ. Nhưng không vì thế mà Trung thu kém vui. Ngược lại, đó lại là một mùa Trung thu đầm ấm, thấm đẫm tình thương dành cho thiếu nhi.

Các em thiếu nhi nhận được những phần quà ý nghĩa nhân dịp Trung thu, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện, trẻ em trong khu cách ly.

Từ miền xuôi đến miền ngược, từ phố thị tới vùng cao, vùng sâu, trong khả năng và điều kiện cho phép, các phần quà Trung thu đã được gửi tới các em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở các khu cách ly, khu phong tỏa, trẻ em đang điều trị bệnh COVID-19. Cũng bởi Trung thu mùa dịch, nên “Trung thu cho em” cũng rất đặc biệt, các suất quà không chỉ là đèn ông sao, bánh trái, đồ chơi, sữa, tiền mặt hoặc suất học bổng… mà còn là khẩu trang, nước sát khuẩn.

Đặc biệt, tại những nơi đang là đểm nóng của dịch bệnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, các cấp chính quyền, đoàn hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các em. Các em nhỏ vì thế như được tiếp theo hơi ấm từ tình thương, sự chia sẻ, chăm sóc, để có thể học tập, vượt qua khó khăn do đại dịch.

Có thể nêu điển hình ở đây, tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua, Thành Đoàn - Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động trao 9.000 túi quà Trung thu cho thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong khuôn khổ chương trình “Triệu túi an sinh” do Trung ương Đoàn phát động. Các phần quà tặng gồm có bánh Trung thu, lồng đèn, dụng cụ học tập, máy tính bảng, sách giáo khoa... cùng các nhu yếu phẩm khác.

Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 1 (TP Hồ Chí Minh) tổ chức Trung thu nho nhỏ tại khu vực ICU để động viên và khích lệ tinh thần của bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi đang điều trị tại đây.

Các em thiếu nhi được trao quà là trẻ em có gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương; trẻ em bị mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện; trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả hai đang là bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị; trẻ em bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai vì COVID-19; trẻ em đang phải tạm xa cha mẹ do dịch.

Bên cạnh đó, Thành Đoàn - Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực kêu gọi, vận động sự giúp sức từ các tổ chức, đơn vị và cộng đồng để mang đến hàng trăm suất học bổng bảo trợ đến hết lớp 12 cho các em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, không để các em dang dở việc học. 

Em Quản Châu Minh Đăng, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Quận 10, TP Hồ Chí Minh, có ông nội, bố, mẹ đều mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến. Minh Đăng không có người thân chăm sóc phải theo gia đình vào bệnh viện. Em đã nhận được một phần học bổng, từ đó có thể giúp em và gia đình phần nào chi phí học tập trong lúc khó khăn như hiện nay.

Trao quà Trung thu cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, không chỉ là túi an sinh, chương trình an sinh xã hội, có địa phương còn tổ chức các hoạt động, các kênh thông tin tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe và dinh dưỡng cho thanh thiếu nhi trong thời gian học tập tại nhà; hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, cũng như triển khai nhiều sân chơi dưới hình thức trực tuyến. Hiện đã hình thành mạng lưới các giảng viên, các chuyên gia công tác xã hội và sức khỏe tâm thần tình nguyện tư vấn, chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em (111) là đầu mối, tiếp nhận các yêu cầu từ phía người dân và trẻ em để kết nối, chuyển đến các chuyên gia và các cơ sở cung cấp dịch vụ. 

Đây thực sự những hành động thiết thực, sự quan tâm kịp thời dành cho các em thiếu nhi trong mùa dịch, để hơi ấm tình thương luôn lan tỏa.

Ảnh hưởng của đại dịch đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội, đã có những mất mát về người, để lại những nỗi đau khó có thể bù đắp. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 9/2021, cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Tại Hà Nội, 5% số ca nhiễm trong tháng 7 là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi.

Tại các địa phương khác đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 tác động lớn tới tâm lý, tâm thần của trẻ cả trong hiện tại và tương lai. Điều lo ngại khi phải tập trung vào chống dịch, nhiều nơi có thể đã quên rằng trẻ em mồ côi bởi COVID-19 cũng là một “đại dịch ẩn” bởi phải đột ngột gánh chịu nỗi đau quá lớn. Nguy cơ khủng hoảng tâm lý xảy ra sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt với một tương lai không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ mồ côi do đại dịch đã lên đến 1.500 em.

Để có thể chăm lo cho các em, nhất là trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức khác nhau. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, động viên trẻ em có người thân mất do COVID-19 tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh.

Tại Phú Yên, em Y.T. (17 tuổi), Y.L. (13 tuổi) và H.L. (10 tuổi) ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa rơi vào cảnh mồ côi do cha nhiễm SARS-CoV-2 và qua đời tại TP Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh gia đình của các em rất khó khăn khi mẹ liên tục đau ốm. Chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đoàn thể đã thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất cho gia đình các em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cũng phối hợp với các nhà hảo tâm tặng nhiều phần quà cho trẻ thuộc diện F0, F1 phải điều trị và cách ly y tế. Sở cũng xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách lâu dài.

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Phú Yên hiện có trên 520 trẻ em là F0 và F1, trong đó có 8 trường hợp mồ côi, cha mẹ qua đời do đại dịch COVID-19. Trước mắt, Trung tâm tổ chức thăm hỏi, động viên, tư vấn tâm lý cho các em và người nuôi dưỡng. Sau đó, Trung tâm sẽ khảo sát và có hướng hỗ trợ các em được tiếp cận dự án của tổ chức phi chính phủ về hỗ trợ trẻ mồ côi. 

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Phú Yên, Trần Minh Trí cho biết, thông qua chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch” và chiến dịch “Hoa phượng đỏ”, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội huy động các nguồn lực xã hội hóa tặng hơn 200 suất quà cho thiếu nhi. Một số em mồ côi cha, mẹ vì dịch COVID-19 sẽ được nhận đỡ đầu, cấp học bổng thông qua Công trình Măng non “1.000 địa chỉ tiếp bước cho em đến trường” và nguồn lực xã hội hóa khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm, tặng quà cho lực lượng chăm sóc trẻ em có mẹ mắc COVID-19 tại Trung tâm H.O.P.E (Bệnh viện Hùng Vương).

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng cho biết những trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị do mắc COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian áp dụng kể từ ngày 27/4 - 31/12/2021 và thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế (tối đa 45 ngày đối với trường hợp là F0 và 21 ngày đối với trường hợp F1). Mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm một lần mức một triệu đồng và ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế. 

Trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19 sẽ được áp dụng mức trợ cấp hệ số 2,5 (đối với trẻ em dưới 4 tuổi); hệ số 1,5 (đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên) và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoảng khác trong nhà trường. Các trẻ sẽ được trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và tặng quà cho các em mồ côi vì COVID-19 tại Quận 4.

Ngoài ra, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2001/NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mẹ thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân hoặc cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; người nhận làm con nuôi hoặc đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Cùng với các tổ chức, cá nhân thay thế chăm sóc trẻ, hiện các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang vận động những người có điều kiện nhận chăm sóc hoặc hỗ trợ cho trẻ có cả cha lẫn mẹ qua đời do COVID-19 hoặc có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh COVID-19.

Gần đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương và các đơn vị chức năng triển khai thực hiện hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em là con của sản phụ mắc COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021. Quỹ hỗ trợ 2 triệu đồng đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai mất vì mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn đang được đẩy mạnh, với những biện pháp mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là những nơi đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Việc chăm lo cho trẻ em tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cấp, các ngành, nhiều nguồn lực xã hội cũng đang chung tay chăm lo, đảm bảo mọi quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập… 

Năm học mới 2021-2022, với diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương phải tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Nhiều gia đình khó khăn, khó có thể trang trải chi phí mua máy tính và thiết bị hỗ trợ khác cho con em mình. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến. Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Để kịp thời chia sẻ khó khăn đó với các bậc phụ huynh, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình đặt mục tiêu bảo đảm việc phủ sóng di động toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến; phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Trong năm 2021, huy động một triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến.

Đến thời điểm này, chương trình đã được nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng. Chiều 15/9, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã trao hỗ trợ đợt 1 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Gần 3.700 bộ máy tính và 10.000 sim data truy cập internet miễn phí đã được các tổ chức trao tặng cho những học sinh gặp khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng đã trao các phần quà bao gồm điện thoại thông minh và SIM dữ liệu 4G Mobifone cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, quận Cầy Giấy, Hà Nội. Theo kế hoạch, Trung tâm Internet Việt Nam sẽ tiếp tục gửi tặng các thiết bị (máy tính, di động thông minh) tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất, sáng 23/9, ngay tại Kỳ họp thứ 2, khóa XVI, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hơn 114 triệu đồng quyên góp tại chỗ sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, ngày 17/9, Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên đã phát động chương trình “Máy tính cho em” nhằm quyên góp, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên không đủ điều kiện và các thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu. Tại chương trình, số tiền ủng hộ đã lên tới trên 1 tỷ đồng.

Tiếp nhận các phần quà tặng tại chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Tại TP Hồ Chí Minh, thành phố kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng thì hãy chia sẻ với học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang vận động các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất, máy tính, điện thoại và kết nối mạng internet... tạo điều kiện thuận lợi cho các em học trực tuyến. Riêng trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội như: mồ côi cả cha mẹ, trẻ mồ một phía và người còn lại không có khả năng chăm lo, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật... thì được miễn giảm các khoản phụ phí khác. Các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập sẽ được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ học tập thông qua các loại hình học bổng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tài năng trẻ...

  

Đặc biệt, để có thể bảo vệ trẻ em trước đại dịch, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. 

“Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho các cháu. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp chống dịch khác như nhiều nước trên thế giới đang triển khai. Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vaccine”, Thủ tướng khẳng định.

Như thế, với phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau", trong số nhiều biện pháp, chính sách về an sinh xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng, triển khai kịp thời, giải quyết hiệu quả những vấn đề của trẻ em, các bậc phụ huynh và giáo viên trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Những quyết sách, quyết định kịp thời, đủ mạnh, phù hợp sẽ giúp bảo vệ và chăm sóc tốt hơn, giúp trẻ em và các đối tượng yếu thế khác vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19 vô cùng khốc liệt này.

Mang Trung thu đến với trẻ em nơi tâm dịch:

Bài: Phương Anh - Thanh Vũ - Xuân Triệu - Hồng Giang - Hoàng Linh
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Nguyễn Hà

26/09/2021 06:55