Năm tuần lăn lộn trong TP Hồ Chí Minh cũng là chuỗi ngày vô cùng gian nan, khó quên của Nhóm thiện nguyện “Người Việt thương nhau”. Đại dịch COVID-19 thực sự là trận chiến với Linh và 150 tình nguyện viên bởi nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực; công việc không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”; vận chuyển khó khăn trong bối cảnh siết chặt… nhưng việc phát quà phải “thần tốc”, chuẩn xác để những người yếu thế không bị thiếu đói.
Liên lạc với Thái Thùy Linh không dễ dù những ngày này, cô đã về tới Hà Nội. Hai chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran với dòng tin nhắn, cuộc gọi dầy đặc. Lúc thì lời khẩn thiết giúp đỡ của những lao động mắc kẹt tại TP Hồ Chí Minh, lúc dồn dập thông tin về trường hợp cả nhà là F0, gia đình có bà bầu không thể mua được thực phẩm, thỉnh cầu nhờ Nhóm giúp. Khi thì điều phối, mua hàng tấn lương thực, nhận báo giá, thương thảo các mức giá tốt nhất để tiết kiệm ngân sách, lộ trình phát quà; tuyến đường di chuyển… Điện thoại của Linh có tới 50 - 60 nhóm chat khác nhau để trao đổi.
“Thức khuya, ăn uống không đúng bữa triền miên, làm việc tới 2 - 3 giờ sáng, tỉnh giấc là cầm ngay chiếc điện thoại, lướt mạng để kiểm tra các việc, đặt lệnh chuyển khoản mua thực phẩm; hỏi han công việc của các tình nguyện viên; trấn an kịp thời tâm lý của anh em khi trong đội có người nghi ngờ là F0... Trong ekip của Linh, nhóm người này ngủ lại có nhóm khác thức để làm việc online, cứ thế xuyên đêm, liên tục cho đến sáng”, ca sỹ Thái Thùy Linh kể lại cuộc hành trình thiện nguyện ở tâm dịch.
Hơn 10 năm làm thiện nguyện, thành công trên 300 chương trình, dự án lớn nhỏ khác nhau, nhưng với Linh, chiến dịch từ thiện này thực sự khốc liệt. Làm việc trực tiếp, online với hàng trăm con người, hầu như chưa quen nhau, không biết mặt, mỗi người một quan điểm, tính cách, thậm chí có cả sự hiểu lầm khiến đôi lúc, mọi người cảm thấy rất căng thẳng. “Tôi phải trấn an rằng, COVID-19 là thời khắc lịch sử của dịch bệnh, chưa bao giờ xảy ra thì cũng có lúc, chúng ta sẽ phải đối mặt hoặc rơi vào trạng thái cảm xúc mà chưa bao giờ mình có. Nhưng chúng ta còn đang được ngồi đây, có sức khỏe, được làm việc, cống hiến nên cần trân quý tất cả, bỏ qua bản ngã sống với cái tôi của mình vì bên ngoài, tiếng còi hú của dòng xe cứu thương vẫn ngày đêm vang vọng, là nỗi ám ảnh của bà con nhân dân”, nữ ca sỹ sinh năm 1980 trải lòng.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về “Người Việt thương nhau”, Linh nhắc lại dòng trạng thái trên mạng mà cô đã đăng tải trong bối cảnh các ca nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng cấp số nhân: “Tôi lại khẩn thiết mong mọi người: Hãy thuê tôi làm việc đi, tôi đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm thiện nguyện. Tôi sẵn sàng làm việc với mức lương 0 đồng vì bà con trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này”. Nhưng rồi, không ai phản hồi, không ai “thuê” cả, “lòng như lửa đốt”, Thái Thùy Linh đã thức trắng đêm để lên kế hoạch dự án thiện nguyện với tên gọi ban đầu là "Thương Sài Gòn".
Dịch bệnh hoành hành khắp nơi, ngay ở thủ đô, Linh cũng rất lo về sự an toàn cho 2 con nhỏ là “Cá Mập” 6 tuổi và “Gạo Nếp” 12 tuổi. Nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”… Để chuẩn bị cho chặng đường vào Nam, Linh tìm hiểu rất kỹ các thông tin liên quan tới dịch bệnh, ghi chép lại cẩn thận những tư vấn của bác sỹ, chuyên gia chống dịch để có thể phòng vệ tốt nhất cho bản thân cũng như sức khỏe cho toàn đội.
“Biết tôi đi, mọi người đều can ngăn, không một ai ủng hộ, thậm chí mắng mỏ. Tôi vào đến nơi, mới cho mẹ biết chuyện. Ở nhà, bố và chị gái đều hiểu tính tôi cẩn trọng nhưng quyết đoán nên đành miễn cưỡng ủng hộ. Tôi không quyết định tùy hứng mà đã lên phương án kỹ lưỡng để giúp bà con mà vẫn tự bảo vệ mình. Chúng ta nằm trong chăn ấm đệm êm, bật điều hoà lướt Facebook và được kêu gọi ý thức, kêu gọi mỗi người hãy hy sinh một chút vì cộng đồng. Với tôi, một chút của người này đang là tất cả của người kia...”, Thái Thùy Linh tâm sự.
Sau 3 ngày đêm khảo sát nghiên cứu tình hình đời sống của bà con lao động ở 5 quận của TP Hồ Chí Minh, Linh mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang để đi xuống các xóm nghèo; gặp người vô gia cư; những khu vực người dân bị cách ly, phong tỏa, “Nàng du ca” nhận thấy, nơi đây còn nhiều việc phải làm. “Nếu không có giải pháp cho những người vô gia cư về chỗ ở, bữa ăn tối thiểu, câu chuyện giãn cách triệt để sẽ còn khó khăn kéo dài”, Thái Thùy Linh chia sẻ.
Ngay lập tức, cô ca sỹ đã khởi động "Thương Sài Gòn", mở rộng quy mô hoạt động và đổi tên thành "Người Việt thương nhau" nhằm cứu trợ khẩn cấp những phần lương thực thiết yếu đủ 5 nhóm cơ bản (5T) giúp người nghèo có thể cầm cự trong ít ngày. Giải pháp của Thái Thuỳ Linh đã nhận được sự đánh giá cao của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
“Những phần quà 5T được lấy ý tưởng từ quy tắc 5K của Chính phủ, nghĩa là muốn người dân thực hiện tốt 5K giãn cách, nên có 5T (5 thương) gồm: 5kg gạo (nhóm tinh bột), 5kg rau (nhóm chất xơ), 0,5kg cá khô (nhóm đạm), 1 chai nước tương (gia vị chấm) và 10 khẩu trang. Một vài mặt hàng có thể thay đổi để cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu cho người lao động cầm cự trong giai đoạn giãn cách”, chủ dự án thiện nguyện cho biết.
Đồng hành với nhóm thiện nguyện còn có sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm, đơn vị sữa nên những gia đình có trẻ em, người đau bệnh, bà bầu…còn được nhận phần quà 6T (6 thương), thêm sữa, váng sữa. Trung bình mỗi ngày, nhóm phát được từ 600 - 700 phần quà đến khu phong tỏa, cách ly tạm thời hoặc những khu vực khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong vòng 5 tuần, "Người Việt thương nhau" đã phát được khoảng 30.000 phần quà 5T, trên 100.000 ly sữa tươi và hơn 20.000 hũ váng sữa tới các hộ dân kho khăn, bà con nghèo.
Tính đến ngày 6/9, đã có 5.000 phần quà được chuyển tới các bà con nghèo ở tỉnh Bình Dương. Trong đó, chương trình do Ban Thường vụ Đoàn thành niên tỉnh Bình Dương phối hợp với "Người Việt thương nhau" để trao tặng 4.000 phần quà cho bà con, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An.
Ngoài việc vận chuyển các phần quà bằng những xe chuyên dụng, “Người Việt thương nhau” còn được trợ giúp bởi các shipper tình nguyện. Đối với những người sống tại TP Hồ Chí Minh không có hộ khẩu, không nằm trong danh sách được chính quyền hỗ trợ, thông tin của những người khó khăn sẽ được các “tổng đài viên” Người Việt thương nhau tiếp nhận, xác minh, sau đó chuyển phần quà kịp thời cho bà con.
Clip Hành trình thiện nguyện của nhóm "Người Việt thương nhau":
Để tối ưu hóa nguồn lực cũng như phát huy thế mạnh, Thái Thùy Linh đã phối hợp với nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện khác nhau như: Thành đoàn TP Hồ Chí Minh; nhóm anh “Vương Việt Phương và những người bạn” và nhóm “Chuyến rau vui vẻ”; Nhóm phản ứng nhanh Sài Gòn. Có nhóm có diện tích mặt bằng rộng để tập kết hàng hóa, nhóm khác lại có nguồn rau lớn thường xuyên được hỗ trợ hoặc trợ giá. “Chuyến rau vui vẻ” cam kết chia sẻ mỗi ngày 1 - 2 tấn rau củ để góp trong các phần quà của chiến dịch “Người Việt thương nhau”.
Theo “Nàng du ca”, Ban điều hành “Người Việt thương nhau” đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 là lập chuỗi cửa hàng trợ giá từ 30 - 50%; miễn phí một số mặt hàng dành cho các hộ nghèo TP Hồ Chí Minh. Mỗi cửa hàng đi vào hoạt động sẽ giúp đỡ được cho 1.000 đến 3.000 người nghèo. Theo đó, họ được mua lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá thành chỉ bằng 50 - 70% thị trường; miễn phí ship. Một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được tặng phiếu mua hàng miễn phí. Một điều rất vui là ứng dụng gọi xe Việt là Bee sẽ tiếp tục đồng hành với “Người Việt thương nhau” trong giai đoạn 2 của chiến dịch, sau khi triển khai hiệu quả giai đoạn 1 với nhóm thiện nguyện của Thái Thùy Linh.
Theo đó, Bee chở miễn phí các suất quà cho bà con nghèo ở TP Hồ Chí Minh. “Với chuỗi cửa hàng trên, Nhóm sẽ giữ được chút vốn quay vòng, không hết sạch sau thời gian ngắn như các cửa hàng 0 đồng. Ước mong có 10, 20 doanh nghiệp sẽ rót vốn đồng hành”, ca sỹ Thái Thùy Linh bày tỏ.
Trước đó, Chương trình “Tiếp sức rau xanh, tăng cường dinh dưỡng” cho các y bác sỹ do nhóm “Người Việt thương nhau” triển khai cũng rất thành công. Theo đó có tới 30 tấn rau (tương đương 100.000 suất rau xanh) được gửi tặng cho 5.000 y bác sỹ cho bệnh viện trong miền Nam; “Tiếp sức chiến sỹ áo trắng” cũng được Thái Thùy Linh góp phần lan tỏa, đó là những “chuyến hàng chở tình cảm” của đồng bào gửi tới các chiến sỹ tuyến đầu. Thông qua lời kêu gọi của Linh, Tập doàn Sơn Hà gửi tặng bệnh viện dã chiến số 3, số 11, số 12 tổng số 32 bình tắm nước nóng của Tập đoàn trong bối cảnh nhiều bệnh viện dã chiến thiếu thốn nhiều trang thiết bị sinh hoạt; kêu gọi cộng đồng mạng cho các y bác sỹ mượn tủ lạnh ít nhất là 1 tháng bởi năng nóng khắc nghiệt trong TP Hồ Chí Minh.
“Khẩu trang 3M, N95 Ternamyd, đồ bảo hộ cấp 4, cấp 2, kính chống giọt bắn... cũng đã Linh kết nối, nhận được tài trợ để chuyển tới bệnh viện dã chiến số 16 - Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bạch Mai…”, Linh chia sẻ.
Từng làm hàng trăm chương trình tình nguyện gây quỹ từ cộng đồng, cách minh bạch của ca sỹ Thái Thùy Linh là "không dại một mình quản lý tiền bởi tâm có trong như nước cũng không tránh khỏi nghi kị". Cô ca sỹ này luôn có tình nguyện viên phụ trách kế toán; thay đổi người làm tài chính luân phiên để việc thu - chi cho mỗi dự án thiện nguyện được khách quan, minh bạch hơn. Ngoài ra còn ban kiểm toán, vừa chia sẻ bớt khối lượng công việc, vừa có sự kiểm tra chéo, hạn chế nhầm lẫn, sai sót.
Mới đây, Thái Thùy Linh “khoe” đã dùng ứng dụng thiện nguyện minh bạch lần đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một App do một ngân hàng tặng cộng đồng, nằm trong Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, giúp minh bạch cho người gây quỹ thiện nguyện và tạo niềm tin cho người ủng hộ. Theo đó, App có thể công khai 24 giờ/7 hoạt động tiền chuyển vào chuyển ra, không phải đợi sao kê, ai cũng có thể kiểm tra.
Ca sỹ Thái Thùy Linh quan niệm, tiền giúp đỡ người nghèo trong các chương trình cô đã và đang làm không phải tiền riêng của mình, mà là của cộng đồng cùng chung tay đóng góp. Nhóm “Người Việt thương nhau” chỉ là nơi trung chuyển, kết nối để mang lại chút món quà ấm áp, động viên người nghèo.
Giống như hàng trăm chương trình tình nguyện mà Linh đã làm trong 10 năm qua, chiến dịch “Người Việt thương nhau” cũng vậy, Thái Thùy Linh tự nguyện làm với tư cách trách nhiệm một công dân giúp đồng bào, chứ không phải dưới danh nghĩa một nghệ sỹ làm từ thiện. “Linh chưa bao giờ lấy tên mình đặt cho chương trình thiện nguyện cũng chính là một trong những cách để tôi sòng phẳng, rõ ràng, minh bạch với các nhà tài trợ và với cộng đồng nói chung. Ai cũng hiểu nếu tôi lấy tên tôi đặt tên cho các chương trình tình nguyện sẽ thu hút được sự ủng hộ của các nhà tài trợ hơn, cũng như tăng uy tín xã hội, danh tiếng cho cá nhân”, Thái Thùy Linh cho biết.
Theo ca sỹ, mục tiêu làm thiện nguyện không phải là để xây dựng hình ảnh cho mình, mà là góp công vào tạo ra sự thay đổi trong xã hội Việt Nam về việc làm thiện nguyện, gây dựng nhiều hơn những tình cảm đùm bọc, yêu thương giữa con người với con người.
Thái Thùy Linh là một trong số ít các nghệ sỹ dồn tâm huyết cho hoạt động tình nguyện trong suốt nhiều năm qua. Chuỗi chương trình “Mang âm nhạc tới bệnh viện” do chị tổ chức đã tạo được tiếng vang, bên cạnh đó chị cũng là người vận động giới nghệ sỹ và các bạn trẻ tham gia nhiều chương trình áo ấm dành cho học sinh nghèo vùng cao, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Từng trải qua thời thơ ấu khó khăn, Thái Thùy Linh thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của những trẻ em nghèo khi không có đủ quần áo ấm, bụng không đủ no khi đến trường. Cũng như thông cảm với nỗi đau đớn của những bệnh nhân đang hàng ngày, hàng giờ chống chọi với bệnh tật để giành lấy sự sống. Nhờ những đóng góp nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng, Thái Thùy Linh được vinh danh tình nguyện viên tiêu biểu Quốc gia năm 2013, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với chương trình Tình nguyện viên Liên Hợp Quốc (UNV) trao tặng.
“Chúng tôi mong muốn mở rộng quy mô hoạt động, về lâu dài có thể phát triển thành mạng lưới Người Việt thương nhau” trên cả nước, không chỉ Thương Sài Gòn mà còn Thương Hà Nội, Thương Bắc Giang, thương khắp những nơi có đồng bào ta không may lâm vào cảnh cơ cực đói kém vì đại dịch”, Thái Thuỳ Linh bày tỏ.
Bài: Minh Phương
Ảnh, clip: Tuệ Thy, nhóm thiện nguyện "Người Việt thương nhau"
Trình bày: Tuệ Thy
16/09/2021 03:43